Năm học 2024-2025, dự kiến tỉnh Bắc Ninh có hơn 133 nghìn học sinh tiểu học; hơn 86 nghìn học sinh trung học cơ sở và hơn 46,6 nghìn học sinh trung học phổ thông.
Triển khai năm học mới, cùng với cả nước, ngành giáo dục Bắc Ninh đã thực hiện rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường, lớp phù hợp với thực tiễn địa phương; cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, hạ tầng công nghệ thông tin tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa.
Chủ động đón năm học mới
Theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, học sinh lớp 1 sẽ tựu trường sớm nhất vào ngày 19/8, các lớp còn lại sẽ tựu trường vào ngày 26/8; các trường đồng loạt khai giảng và chính thức bắt đầu năm học mới vào ngày 5/9.
Trong ngày 19/8, các cơ sở giáo dục của tỉnh Bắc Ninh đã đón hơn 25 nghìn học sinh vào lớp 1, tương đương với số lượng học sinh năm học trước. Nhiều trường học trên địa bàn đã tổ chức các hoạt động sôi nổi, tạo khí thế phấn khởi, thân thiện đối với các em học sinh, sẵn sàng tâm thế tự tin bước vào lớp 1, làm quen với thầy cô mới, cấp học mới.
Ngay sau ngày tựu trường, ngành giáo dục đào tạo tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các nhà trường tranh thủ thời gian hai tuần trước năm học mới, xây dựng nền nếp, tổ chức nội quy lớp học; hướng dẫn một số trò chơi để các em nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới cùng thầy cô, bạn bè. Qua đó hình thành tác phong nhanh nhẹn, mạnh dạn, tự tin; nề nếp và kỷ luật, để các em sẵn sàng tiếp thu kiến thức ngay sau ngày khai giảng 5/9.
Các em học sinh lớp 1 háo hức trong buổi đầu đến trường. |
Đến thời điểm này, các trường học trên địa bàn Bắc Ninh đã hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng bước vào năm học mới.
Nổi lên là một trong những đơn vị có chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn tiêu biểu, thời gian qua, Trường Trung học phổ thông Quế Võ 2 (thị xã Quế Võ) đã tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, đưa việc “dạy thực chất, học thực chất” ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. Năm học 2023-2024, số lượng học sinh giỏi và kết quả thi tốt nghiệp của trường dẫn đầu các trường nhóm hai của tỉnh.
Bắc Ninh số hóa bài học giáo dục lịch sử địa phương
Thầy Nguyễn Văn Huân, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quế Võ 2 cho biết: Đón năm học mới, nhà trường đã rà soát toàn bộ cơ sở vật chất như phòng học, hệ thống điện, bàn ghế, các thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học, đồng thời thực hiện chỉnh trang về cảnh quan, môi trường, tạo tâm thế thoải mái cho các học sinh để các em tựu trường và đón ngày khai giảng.
Hiện 100% số phòng học được trang bị đầy đủ các thiết bị của phòng học thông minh; trường có một nhà đa năng; một nhà thiết bị thực hành thí nghiệm với ba phòng thiết bị và 6 phòng thực hành; một phòng thư viện sân bóng rổ, bóng chuyền… để các em học sinh bên cạnh việc học tập, trau dồi kiến thức còn có thời gian luyện tập thể thao, nâng cao sức khỏe.
Đặc biệt, năm học này khối 12 là khối lớp cuối cùng áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 vào giảng dạy, nhà trường đã cử giáo viên tham gia tập huấn, rà soát, đăng ký môn học lựa chọn và chuyên đề học tập theo chương trình để triển khai phương án giảng dạy phù hợp - thầy Nguyễn Văn Huân cho biết thêm.
Chuẩn bị cơ sở vật chất khang trang đón năm học mới. |
Tại Trường tiểu học và Trung học cơ sở Trần Quốc Toản (thành phố Bắc Ninh), năm học 2024-2025, trường đã chuẩn bị sẵn sàng 56 lớp học để đón hơn 2.500 học sinh. Đặc biệt, dãy nhà mới với 19 phòng học và 5 phòng phụ trợ vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng đã góp phần nâng cao điều kiện học tập và ở bán trú của học sinh trong trường.
Cô Nguyễn Thị Nga, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Với mục tiêu xây dựng Ngôi trường Hạnh phúc, trong quá trình giảng dạy, nhà trường tập trung phát triển phẩm chất năng lực, dạy những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại, kết hợp hài hòa giữa đức, trí, thể, mỹ và chú trọng thực hành, để học sinh biết vận dụng những điều đã học vào thực tế.
Giữ vững chất lượng, xây dựng môi trường học đường văn minh
Kết thúc năm học 2023-2024 chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, với sự quan tâm của tỉnh cùng nỗ lực không ngừng, ngành giáo dục Bắc Ninh đã vượt qua nhiều khó khăn, đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Bắc Ninh giữ vững vị trí là một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu toàn quốc về phong trào và chất lượng giáo dục. Trong đó, chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn ổn định, đạt nhiều kết quả tích cực.
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 điểm bình quân các môn của Bắc Ninh xếp thứ 5 trong tổng số 63 địa phương trên toàn quốc; tỷ lệ học sinh dự thi chọn học sinh giỏi Quốc gia đoạt giải xếp thứ 2 toàn quốc; có 3 học sinh dự thi khu vực và quốc tế và cả 3 đều đoạt giải với một Huy chương Vàng, hai Huy chương Đồng.
Thầy và trò trường Chuyên Bắc Ninh đón học sinh đạt Huy chương Vàng cuộc thi Olympic Hóa học Quốc tế. |
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thế Sơn thông tin: Năm học mới 2024-2025, ngành giáo dục tỉnh Bắc Ninh sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp với quyết tâm cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, giữ vững chất lượng, đồng thời chú trọng xây dựng môi trường học đường văn minh.
Đặc biệt, để chuẩn bị tốt nhất cho học sinh lớp 9, lớp 12 đạt kết quả tốt trong hai kỳ thi đổi mới - kỳ thi tuyển sinh vào 10, thi tốt nghiệp Trung học phổ thông đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết thực hiện đề án xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2024-2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập; bảo đảm số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Song song với đó, toàn ngành sẽ triển khai thực hiện tốt kế hoạch xây dựng trường “ xanh-sạch-đẹp-an toàn” trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh, với mục tiêu xây dựng môi trường học đường văn minh, hạnh phúc, phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo trên địa bàn.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thế Sơn
Kịp thời tháo gỡ bất cập
Là một “thủ phủ công nghiệp” ở miền bắc, những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã và đang phải đối mặt với gia tăng dân số. Điều này đã tạo ra những áp lực không nhỏ lên hệ thống cơ sở hạ tầng tại địa phương, trong đó có giáo dục.
Đón năm học mới 2024-2025, bên cạnh những chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, công tác chuyên môn, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng còn những khó khăn, băn khoăn cần sớm được tháo gỡ.
Tại Trường THPT Yên Phong 1 (huyện Yên Phong) hiện cơ sở vật chất, phòng học đã bảo đảm phục vụ nhu cầu dạy và học của 45 lớp với hơn 2.000 học sinh. Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Tiến Đính, Hiệu trưởng nhà trường, khó khăn lớn nhất của trường hiện nay là khuôn viên hẹp, sân trường nhỏ khiến hoạt động thể dục, giáo dục quốc phòng của học sinh bị hạn chế, nhiều khi phải mượn sân vận động gần đó để bố trí cho học sinh học thể dục.
Ban Giám hiệu Trường Trung học phổ thông Yên Phong 1 mong muốn các cấp chính quyền sớm triển khai xây dựng thêm phân hiệu 2 hoặc xây thêm một trường mới để đáp ứng nhu cầu giảng dạy tại địa phương.
Sân Trường Trung học phổ thông Yên Phong 1 hễ mưa to là ngập. |
Năm học 2024-2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu ở cấp tiểu học có sĩ số 35 học sinh/lớp, nhưng trên thực tế cũng giống như Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương… tại nhiều trường của Bắc Ninh số học sinh trong một lớp đều đang vượt tỷ lệ quy định.
Bên cạnh đó là nguy cơ thiếu đội ngũ giáo viên so với nhu cầu của cơ sở giáo dục và định mức quy định của bộ (nhất là khu vực mầm non và tiểu học), mặc dù tỉnh đã có chính sách hỗ trợ kinh phí để hợp đồng giáo viên song vẫn chưa bảo đảm sự ổn định đội ngũ.
Mặt khác, một số trường học còn thiếu diện tích đất, phòng học, phòng chức năng, công trình vệ sinh so với yêu cầu, quy định của trường chuẩn quốc gia, tình trạng thiếu trường học tại các khu công nghiệp tập trung, khu đô thị mới, khu đông dân…
Cá biệt, một số trường học trên địa bàn đã xuất hiện tình trạng xuống cấp, ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học của thầy cô và học trò. Trong khi đó, chất lượng giáo dục ở một số trường trung học phổ thông ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn còn thấp, một số trung tâm học tập cộng đồng hoạt động chưa hiệu quả... nên không thu hút được học sinh.
Bắc Ninh quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Thiết nghĩ, đã đến lúc Bắc Ninh cần rà soát mạng lưới, bổ sung bảo đảm quy mô, sĩ số, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng nhanh của nhân dân trong tỉnh. Trong đó, ưu tiên bố trí ngân sách để đầu tư xây dựng trường, lớp học, nhất là ở các địa bàn có các khu công nghiệp, khu đông dân cư; khuyến khích, phát triển, mở rộng loại hình giáo dục công lập và ngoài công lập.
Đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ và các điều kiện để giáo dục và đào tạo thực sự là động lực, nguồn lực phát triển nhanh, bền vững.