Năm 2021, tỉnh Bạc Liêu đặt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 9 đến 10%. Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh chú trọng phát huy lợi thế các ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững khu vực kinh tế tư nhân, tập thể. Tỉnh tập trung đầu tư và đôn đốc tiến độ các công trình, dự án động lực như các dự án điện gió ven biển nhằm đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của quốc gia. Cùng đó, tỉnh tiếp tục quan tâm phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, nâng cao giá trị gia tăng cho toàn chuỗi, gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến xuất khẩu; phát triển các nhà máy chế biến nông, thủy sản xuất khẩu theo hướng chế biến tinh sâu, tạo giá trị gia tăng cao; xây dựng những cơ sở chế biến gạo xuất khẩu chất lượng cao, có quy mô lớn tại các huyện Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Phước Long và thị xã Giá Rai theo quy mô khép kín từ đầu tư, sản xuất, đến thu mua, chế biến, bảo quản, xuất khẩu… Tỉnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả và tăng cường liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị. Ngành nuôi tôm được đẩy mạnh, từng bước tạo nền tảng vững chắc để xây dựng tỉnh Bạc Liêu thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước. Về du lịch, tỉnh tăng cường kết nối với các trung tâm du lịch tại TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh và các trung tâm khác trên cả nước để tạo thương hiệu và khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
* Giai đoạn 1 của Dự án “Thúc đẩy doanh nghiệp nữ Lào Cai mở rộng kinh doanh” triển khai trong năm 2020 đã giúp 427 hộ với gần 2.000 người được hưởng lợi, tăng 70% so với mục tiêu dự kiến. Trong đó, 125 người hưởng lợi trực tiếp từ dự án với tỷ lệ phụ nữ chiếm 89% (phụ nữ dân tộc thiểu số chiếm 74%). Giai đoạn 2 của Dự án được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 9-2021, với mục tiêu, sẽ giúp cho ít nhất 30 doanh nghiệp do nữ làm chủ hoặc đồng quản lý tăng thu nhập, trong đó có 21 doanh nghiệp mở rộng kinh doanh; mạng lưới cố vấn địa phương vận hành hiệu quả. Mục đích của Dự án góp phần làm chuyển biến tư duy, đánh thức nội lực của mỗi người phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số vùng cao Lào Cai.
Trong giai đoạn 2 này, tỉnh Lào Cai chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ, đẩy nhanh sự phát triển của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất hoặc hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ thông qua chuỗi dịch vụ hỗ trợ, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Các hoạt động được triển khai tại sáu địa phương gồm: Thị xã Sa Pa, các huyện Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng và thành phố Lào Cai. Tham gia dự án, các đơn vị được hỗ trợ, kết nối với Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam; sản phẩm được hỗ trợ xử lý kỹ thuật hoặc thiết kế lại. Các cơ sở phục vụ du lịch được hỗ trợ cải tạo, nâng cấp; được cấp chứng nhận điểm tham quan du lịch. Ngoài ra, nhiều sản phẩm của địa phương sẽ được tiếp thị đến thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận như miến dong, tương ớt, bánh chưng đen... Giai đoạn này tập trung vào bốn đối tượng chính: Hợp tác xã, doanh nghiệp (nhỏ hoặc siêu nhỏ), tổ hợp tác và tổ liên kết.