Giao thông là lĩnh vực chiếm nhiều vốn xây dựng cơ bản nhất hiện tại của Bắc Kạn. Bắc Kạn đang có 4 dự án trọng điểm, được đưa vào diện giám sát đặc biệt với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.
Dự án lớn nhất trong số này là mở mới đường từ thành phố đi hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang, tỉnh Tuyên Quang với tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Bắc Kạn, hiện đoạn tuyến từ thành phố Bắc Kạn đến hồ Ba Bể có chiều dài 37km đã thi công cơ bản. Đoạn tuyến từ Ba Bể sang Na Hang (Tuyên Quang) đang thực hiện các bước chuẩn bị cho thi công.
Đến thời điểm hiện tại 12/12 gói thầu của dự án đã triển khai thi công, trong đó 10/12 gói thầu thi công dự kiến cơ bản hoàn thành trong năm 2023. Lũy kế giá trị thực hiện đến nay đạt hơn 670 tỷ đồng, tương ứng 50% tổng giá trị xây lắp.
Số vốn được giao trong năm 2023 của dự án này (bao gồm cả vốn kéo dài năm 2022) là 1.108 tỷ đồng nên áp lực giải ngân là rất lớn.
Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Bắc Kạn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, đơn vị đã ban hành Kế hoạch triển khai đợt thi đua cao điểm 145 ngày đêm phấn đấu hoàn thành công trình trọng điểm này.
Theo đó, nhà thầu thi công với tinh thần “công trường 145 ngày đêm không ngủ, vượt nắng thắng mưa”. Phân chia thành các tổ, đội để thực hiện thi công 3 ca, 4 kíp, bảo đảm công trường thi công 24/24h. Tổ quản lý, giám sát thi công sẽ thường xuyên có mặt tại hiện trường, quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu tập trung thiết bị, máy móc, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo đúng kế hoạch tiến độ đã cam kết.
Bắc Kạn đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước. Hoạt động hiệu quả của tổ công tác này đã tạo ra chuyển biến trong giải ngân vốn.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn kiểm tra, đôn đốc dự án thi công cầu Cốc Phát, huyện Ba Bể. (Ảnh: THU CÚC). |
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, sau khi đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2023 thấp (khoảng 22,9%) so kế hoạch giao, tỉnh đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, dự án đầu tư ngoài ngân sách.
Tỉnh cũng tổ chức các đoàn trực tiếp xuống các địa phương để thăm nắm tình hình, kịp thời chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Các giải pháp rất cụ thể đã được triển khai như tăng cường công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành; chỉ đạo kiểm tra các chủ đầu tư, đơn vị, địa phương sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, đúng đối tượng; đôn đốc các chủ đầu tư triển khai các thủ tục thu hồi vốn ứng trước, hạch toán thanh toán cho các dự án theo quy định; rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn.
Nhờ các giải pháp này, đến hết tháng 8, tỷ lệ giải ngân vốn xây dựng cơ bản của Bắc Kạn được khoảng 2.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 50% kế hoạch giao. Trong đó, tỷ lệ giải ngân của tháng 8 cao hơn tỷ lệ giải ngân của 7 tháng đầu năm đã cho thấy chuyển biến rõ nét từ các giải pháp quyết liệt.
Khó khăn lớn nhất với Bắc Kạn hiện tại là nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia đã được tỉnh phân bổ, giao cho địa phương từ cuối năm 2022 với tỷ lệ kế hoạch vốn phân cấp về địa phương đạt hơn 65% và chủ yếu do các xã làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, do một số địa phương cấp xã chưa có cán bộ chuyên trách về đầu tư xây dựng, các nhóm thợ, cộng đồng dân cư địa phương thực hiện các dự án đặc thù còn yếu về năng lực xây dựng hồ sơ thi công nên việc triển khai thực hiện, giải ngân chậm.
Bắc Kạn là tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp chiếm tỷ lệ cao, đa số công trình, dự án, nhất là dự án giao thông đi qua nhiều diện tích rừng muốn triển khai được phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Những thủ tục trong lĩnh vực này qua nhiều khâu, mất rất nhiều thời gian, dẫn đến làm chậm tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Trong khi đó, theo Sở Kế hoạch và đầu tư Bắc Kạn, nhu cầu thanh toán vốn trong quý III/2023 là hơn 2.386 tỷ đồng, đạt khoảng 60% kế hoạch giao. Trong đó, vốn kế hoạch năm trước được phép kéo dài thời hạn thanh toán theo quy định hơn 647 tỷ đồng, ước đạt 60% so kế hoạch giao; vốn được giao trong năm kế hoạch hơn 1.738 tỷ đồng, ước đạt 60% kế hoạch giao trong năm. Để hoàn thành kế hoạch giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2023 đòi hỏi cần sự nỗ lực hơn nữa của các cấp, các ngành.
Do vậy, từ nay đến cuối năm 2023, Bắc Kạn tiếp tục có nhiều chỉ đạo, nhiều hội nghị và tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, đôn đốc “cầm tay, chỉ việc” tới cấp cơ sở; tập trung thực hiện các giải pháp, phát huy vai trò của từng thành viên Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo, Tổ công tác để đẩy mạnh ngân vốn đầu tư công.
Tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, trách nhiệm chính được Bắc Kạn xác định là “chìa khóa” để đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong bối cảnh nguồn vốn lớn, thách thức nhiều của năm 2023.
Vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các chủ đầu tư phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, đôn đốc. Các chủ đầu tư gặp khó khăn, vướng mắc ở đâu phải báo cáo ngay để chỉ đạo tháo gỡ kịp thời và có giải pháp chỉ đạo giải ngân theo hướng linh hoạt nhất, vừa bảo đảm nguồn vốn được giải ngân, vừa bảo đảm công trình đang thiếu vốn được cung cấp kịp thời.