Phiêng Phàng là thôn vùng cao của xã Yến Dương, huyện Ba Bể cách đường tỉnh 258 khoảng hơn 6 km. Cách đây khoảng ba năm, để đến được Phiêng Phàng là một thách thức không nhỏ khi phải vượt qua con đường đất lầy lội, nhiều dốc cao.
Giờ đây, trên con đường bê-tông sạch sẽ, trải nghiệm đầu tiên mà du khách đến với Phiêng Phàng là việc đi bộ xuyên qua rừng trúc sào trong không khí se lạnh, hơi sương lãng đãng, cảnh tựa như bức tranh thủy mặc. Tiếp đó là thác Pù Lầu cao gần 100 m, với dòng nước từ trên đỉnh núi đổ xuống mát lạnh, vắt trên phiến đá phủ đầy rêu xanh. Từ thác nước, du khách tiếp tục đi xuyên qua rừng trúc đến tham quan những bể nuôi cá tầm, cá hồi trên đỉnh Phiêng Phàng.
Từ khi Phiêng Phàng tổ chức nuôi cá hồi, cá tầm và làm dịch vụ đến nay, nơi đây đã đón khoảng hơn 6.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, giúp cho địa phương từ chỗ là thôn khó khăn bậc nhất của Yến Dương nay đã chuyển mình nhờ làm du lịch.
Tại Ngân Sơn, hồ Bản Chang vốn chỉ là một hồ thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ khi thực hiện chủ trương phát triển du lịch, với lợi thế là hồ nước, rừng thông, hồ Bản Chang đã trở thành "Ðà Lạt thu nhỏ" thu hút nhiều khách du lịch. Chung quanh hồ, các hợp tác xã của người dân bản địa đã cải tạo, trồng hoa, xây dựng các điểm check-in. Tại đây du khách có thể ngắm hồ, quây quần trò chuyện trong không gian lộng gió, nghe tiếng rì rào của những hàng thông xanh. Người dân trong thôn còn trồng dẻ ván, mận, đào, lê... để du khách tới thăm, thưởng thức.
Có thể nói, du lịch sinh thái đang tạo ra chuyển biến và hướng phát triển kinh tế bền vững cho nhiều thôn, bản vùng cao ở Bắc Kạn. Theo khảo sát của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, tỉnh Bắc Kạn có khoảng 25 địa điểm có thể phát triển du lịch cộng đồng phân bố ở tất cả các huyện, thành phố, trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Ba Bể (9 điểm); Na Rì (4 điểm); Chợ Ðồn (3 điểm)...
Mặc dù có nhiều tiềm năng, thế mạnh, song hiện nay, hoạt động du lịch cộng đồng ở Bắc Kạn chủ yếu mang tính tự phát. Hình thức hoạt động chủ yếu chỉ là tham quan thắng cảnh, mức độ tham gia của cộng đồng vẫn chỉ ở mức cung cấp một phần các dịch vụ lưu trú. Tại những nơi này chưa có các hoạt động trải nghiệm, mua sắm, vui chơi giải trí thật sự để cho du khách giao lưu tìm hiểu, trải nghiệm từ cộng đồng; chưa tự tổ chức, tạo dựng các sản phẩm du lịch trọn gói, hấp dẫn khách du lịch và lập trình cho các tuyến, tour, chương trình du lịch bản địa. Những sản phẩm thủ công truyền thống do người dân bản địa sản xuất chưa đa dạng về chủng loại, kiểu dáng, chất lượng chưa cao...
Tỉnh Bắc Kạn đang tập trung nghiên cứu tìm giải pháp để thay đổi, đưa hoạt động du lịch cộng đồng, sinh thái bài bản, hiệu quả và bền vững. Mới đây nhất, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Chính sách này được coi là động lực và cũng là định hướng, quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn, qua khảo sát 18 thôn có tiềm năng cho thấy, có 11 thôn, bản có nguồn tài nguyên du lịch rất phong phú. Trên cơ sở này, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn dự kiến trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua chính sách hỗ trợ cho 11 thôn, bản này xây dựng các mô hình: điểm du lịch sinh thái gắn với văn hóa trải nghiệm; điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; điểm du lịch cộng đồng. Các thôn, bản sẽ được hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết, lãi suất vốn vay, đào tạo nhân lực, phát triển sản phẩm du lịch, đầu tư hạ tầng du lịch.
Tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo, đầu tư nguồn lực để triển khai các bước ban đầu cho phát triển du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc và Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ. Hạt trưởng Kiểm lâm phụ trách Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ Lê Xuân Diệu cho biết: "Ðề cương kỹ thuật, dự toán kinh phí xây dựng Ðề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đã được phê duyệt. Khi đề án được phê duyệt sẽ là tiền đề để thu hút đầu tư, bảo vệ, khai thác tiềm năng du lịch. Chúng tôi tin tưởng rằng, với việc làm du lịch, người dân sẽ không chỉ giữ được rừng mà còn hưởng lợi từ rừng bền vững".
Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông, Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025 sẽ đưa Khu du lịch Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia, du lịch hồ Nặm Cắt trở thành khu du lịch cấp tỉnh. Mỗi huyện, thành phố có ít nhất một điểm, khu du lịch được công nhận; đón ít nhất 32 nghìn lượt khách quốc tế và một triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của khách du lịch đạt 13%; tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tương đương với 5% GRDP toàn tỉnh; có 40% nguồn nhân lực du lịch được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ du lịch.