Những ngày này, người dân ở các xã Địa Linh và Yến Dương (Ba Bể) đang tích cực chăm sóc các vườn trồng bí xanh thơm. Cây đang kỳ ra quả dưới dàn treo, dự kiến sẽ vào chính vụ thu hoạch cuối tháng 5. Đây là sản phẩm OCOP đặc sản, riêng có của tỉnh Bắc Kạn và chỉ trồng được ở huyện Ba Bể. Tuy nhiên, vụ năm nay đặc biệt hơn vì tỉnh Bắc Kạn sẽ tổ chức chuỗi sự kiện xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm và sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể Lưu Quốc Trung cho biết, chúng tôi cho rằng việc kết hợp giữa du lịch trải nghiệm gắn với tiêu thụ bí xanh thơm là hướng đi đúng đắn cho việc nâng tầm, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP nói chung. Đây là lần đầu tiên triển khai một chuỗi các sự kiện gắn với một sản phẩm OCOP đặc sản để làm tiền đề cho các sản phẩm khác trong thời gian tới.
Không chỉ phát triển các sản phẩm nông sản, đến đầu năm 2022, Bắc Kạn đã có homestay Quỳnh Mai và Ba Bể Green homestay ở xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể là hai mô hình đạt chứng nhận OCOP 3 sao dành cho những sản phẩm lĩnh vực du lịch. Anh Đổng Văn Hoán, chủ cơ sở Ba Bể Green homestay chia sẻ, đạt chứng nhận OCOP giống như việc cơ sở có một tấm “căn cước” du lịch chứng minh khả năng của mình. Nhờ đó, việc quảng bá thuận lợi hơn và lượng khách đến với chúng tôi đã tăng lên đáng kể.
Sau khi đạt tăng trưởng số lượng sản phẩm tốt (vượt 195% so kế hoạch năm 2021) tỉnh Bắc Kạn đang chuyển hướng sang củng cố, nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP bền vững. Tỉnh hỗ trợ 2 sản phẩm phát triển tăng về quy mô, chất lượng và mở rộng thị trường; chuẩn hóa 10 sản phẩm có nguồn nguyên liệu đạt VietGap và hữu cơ; 4 chủ thể duy trì hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất.
Từ đầu năm đến nay, Bắc Kạn đã chuẩn hóa vùng nguyên liệu sản xuất cho sản phẩm bí xanh thơm Ba Bể và gạo nếp tài của Hợp tác xã Yến Dương được cấp Giấy chứng nhận hữu cơ PGS; 6 sản phẩm chè của 4 hợp tác xã có vùng nguyên liệu đạt chứng nhận VietGap; sản phẩm chè Shan tuyết Khau Mu của Hợp tác xã Nông nghiệp Thái Lạo được cấp Giấy chứng nhận hữu cơ; sản phẩm hạt dẻ Ngân Sơn được cấp Giấy chứng nhận hữu cơ; 3 sản phẩm Nano Curumin nghệ của Công ty cổ phẩn Curcumin Bắc Hà chuẩn hóa vùng nguyên liệu đạt GACP-WHO.
Quy trình sản xuất, chế biến các sản phẩm cũng được chuẩn hóa. Hiện tại, Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành đang hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận HACCP; Công ty cổ phần Nông sản Bắc Kạn được cấp Giấy chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến ISO: 22000; Hợp tác xã Miến dong Tài Hoan duy trì hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến ISO: 22000; Công ty cổ phần Curumin Bắc Hà duy trì doanh nghiệp đạt chuẩn GMP của Bộ Y tế.
Tỉnh cũng đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm miến dong “Bắc Kạn”; đề xuất đặt hàng dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Bí xanh thơm Bắc Kạn”; hướng dẫn 12 cơ sở đăng ký cấp mới quyền sở dụng MSMV, 2 cơ sở điền thông tin trên hệ thống vnpc.gsl.org.vn và 2 cơ sở xin cấp lại giấy chứng nhận.
Hiệu quả từ hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP ở Bắc Kạn được đánh giá là toàn diện và rõ nét, tạo “làn gió” mới trong sản xuất ở địa phương này. Đánh giá cho thấy, có 69 chủ thể có số lượng doanh thu tăng, chiếm tỷ lệ hơn 90%. Có 64 chủ thể tăng năng lực sản xuất, chiếm tỷ lệ hơn 84%. Các sản phẩm OCOP của Bắc Kạn đã tham gia rất nhiều kênh phân phối, giới thiệu quảng bá trên cả nước. Toàn bộ sản phẩm OCOP đều được tỉnh hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử VoSo và sàn thương mại điện tử Postmart.
Từ chủ thể là kinh tế tập thể đã tạo ra liên kết sản xuất bền vững khi có 24 chủ thể liên kết từ 1-10 hộ; 14 chủ thể liên kết từ 11-30 hộ và 19 chủ thể liên kết hơn 30 hộ. Số lượng chủ thể có diện tích nhà xưởng 50m2 đến 200m2 là 26 đơn vị; có diện tích nhà xưởng 201m2 đến 500m2 là 10 chủ thể; có diện tích nhà xưởng hơn 500m2 là 16 chủ thể.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, việc kết hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch đã tạo dư luận tốt về sản phẩm OCOP của Bắc Kạn, bước đầu khẳng định được uy tín, chất lượng trên thị trường trong nuớc và xuất khẩu ra nước ngoài. Giai đoạn 2021-2025, Bắc Kạn phấn đấu có 200 sản phẩm OCOP, hai sản phẩm 5 sao; hai sản phẩm du lịch cộng đồng; củng cố, phát triển 50 tổ chức kinh tế tham gia OCOP.