Dữ liệu từ C3S cho thấy, nhiệt độ trung bình trong 3 tháng 6,7,8 tại Bắc Bán cầu đã xô đổ kỷ lục cũ thiết lập cùng kỳ năm 2023 để trở thành “mùa hè phương Bắc nóng nhất từng được ghi nhận”.
Bà Samantha Burgess, Phó Giám đốc C3S thông tin thêm: Trong 3 tháng mùa hè vừa qua, thế giới cũng trải qua 2 tháng 6 và tháng 8 nóng kỷ lục. Trong đó, tháng 8/2024 có nhiệt độ ngang bằng với cùng kỳ năm 2023, đạt 16,82 độ C; cao hơn 0,71 độ C so với nhiệt độ trung bình của tháng 8 giai đoạn 1991-2020.
Trong khi đó, ngày Chủ nhật, 21/7 chính là ngày nóng nhất từng được ghi nhận trên toàn cầu. Đáng chú ý, nhiệt độ trung bình 8 tháng đầu năm cũng tăng 0,7 độ C so với giai đoạn 1991-2020.
Phó Giám đốc C3S đưa ra dự báo: Năm 2024 có thể đang trở thành năm nóng nhất được ghi nhận; đồng thời kêu gọi các quốc gia khẩn trương cắt giảm lượng khí thải.
Nhật Bản vừa trải qua mùa hè nóng nhất lịch sử
Các đợt nắng nóng đã bao trùm nhiều nơi trên thế giới, bao gồm Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc…, gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Lần lượt các quốc gia như Australia, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Latvia… đều ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục trong tháng 8.
Các nhà khoa học cảnh báo, nguyên nhân chủ yếu khiến nhiệt độ tăng cao kỷ lục hiện nay xuất phát từ tình trạng biến đổi khí hậu, mà phần lớn do con người gây ra, chẳng hạn như các hoạt động sản xuất gây phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Hệ quả là thế giới sẽ chứng kiến hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện với cường độ và tần suất ngày càng cao.