Thế giới ghi nhận ngày 22/7 là ngày nóng nhất trong lịch sử

NDO - Theo dữ liệu sơ bộ từ cơ quan giám sát của Liên minh châu Âu (EU), thứ hai (ngày 22/7) được ghi nhận là ngày nóng nhất trong lịch sử.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách tại Granada, Tây Ban Nha, ngày 22/7/2024. (Ảnh: Reuters)
Du khách tại Granada, Tây Ban Nha, ngày 22/7/2024. (Ảnh: Reuters)

Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của cho biết thế giới tiếp tục ghi nhận ngày 22/7 là ngày nóng nhất từ trước đến nay, vượt qua kỷ lục vừa được xác lập ngày 21/7.

Theo C3S, nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu đã tăng lên 17,15 độ C, cao hơn 0,06 độ C so với kỷ lục 17,09 độ C ghi nhận ngày 21/7.

Kỷ lục gần đây nhất được xác lập trong 4 ngày liên tiếp là vào đầu tháng 7/2023. Trước đó, ngày nóng nhất được ghi nhận trong tháng 8/2016.

Theo nhà khoa học khí hậu Karsten Haustein (Đại học Leipzig, Đức), ngày 22/7 vừa qua có thể đã lập kỷ lục toàn cầu mới về nhiệt độ trung bình cao nhất từ trước đến nay. Đáng chú ý, kỷ lục này đã bị phá vỡ khi thế giới đang ở trong vùng trung lập và không còn chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino.

Những ngày gần đây, các thành phố của Nhật Bản, Indonesia và Trung Quốc ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục. Các quốc gia vùng Vịnh cũng phải chịu nắng nóng do chỉ số nhiệt - bao gồm cả độ ẩm - vượt quá 60 độ C. Trong khi đó, nhiệt độ ở nhiều nơi tại châu Âu đã tăng quá 45 độ C.

Các nhà khoa học cho rằng, việc lạm dụng nhiên liệu hóa thạch dẫn tới biến đổi khí hậu là nguyên nhân đứng sau các kỷ lục về nắng nóng. Diễn biến thời tiết năm nay khác với năm 2023 khi những kỷ lục về nắng nóng được ghi nhận kèm hiện tượng khí hậu El Nino.