Để xứng tầm với vị thế vốn có, tỉnh đang tập trung nỗ lực phấn đấu đưa địa phương trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, bao gồm cả cảng biển du lịch và các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao và các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao.
Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được định hướng phát triển không chỉ là trung tâm du lịch cấp vùng, cấp quốc gia, mà còn trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, mang đẳng cấp quốc tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết: Với vị trí địa lý, các tiềm năng, lợi thế tự nhiên của vùng Đông Nam Bộ, nơi đóng góp 32% GDP, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước, vùng sản xuất ra lượng hàng hóa lớn nhất cả nước, chiếm 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam..., các yếu tố này chính là nguồn tài nguyên, nguồn lực quan trọng và bền vững có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ nói chung, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng.
Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương duy nhất có bờ biển dài với bãi cát thoải, sạch, nước trong, đủ điều kiện phát triển du lịch chất lượng cao.
Tỉnh cũng có nhiều cảnh quan hấp dẫn, môi trường trong lành; các di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia, nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc như: quần đảo Côn Đảo vừa là di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng, vừa là khu bảo tồn thiên nhiên rừng, biển-một trong những khu du lịch nổi tiếng được thế giới công nhận, đánh giá cao.
Cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch ngày càng được nâng cao, đồng bộ cả về chất lượng và số lượng. Đặc biệt, Bà Rịa-Vũng Tàu là điểm cuối của dải ven biển từ miền trung trở vào, cộng thêm vị trí địa lý liền kề với các trung tâm kinh tế, tập trung đông đúc dân cư của vùng Đông Nam Bộ, với thị trường hơn 18 triệu dân có thu nhập cao gấp 1,5 lần mức bình quân đầu người của cả nước, tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh.
Các yếu tố nêu trên, hội tụ đủ điều kiện để tỉnh trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, công nghiệp, cảng biển, logistics của vùng Đông Nam Bộ và các vùng lân cận.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Công Vinh cho biết: Để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức các hoạt động kinh tế-xã hội theo bốn vùng chức năng gồm: ba vùng lãnh thổ trên đất liền, một vùng không gian biển-hải đảo; đồng thời, hình thành các trục kinh tế động lực ngoài du lịch.
Nhận thức được tầm quan trọng, thế mạnh của tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ, Bà Rịa-Vũng Tàu đã triển khai thực hiện Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với tinh thần: “Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh”.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 69 bến cảng được quy hoạch, đưa vào khai thác 48 dự án với công suất 141,5 triệu tấn/năm. Riêng khu vực Cái Mép-Thị Vải có 35 bến cảng, đã đưa vào khai thác 22 bến cảng (19 dự án chính thức, ba dự án tạm khai thác), với công suất 117,8 triệu tấn/năm; trong đó, bao gồm bảy cảng container với công suất 6,8 triệu TEU/năm.
Hệ thống cảng container Cái Mép-Thị Vải được đầu tư với quy mô lớn và hiện đại bậc nhất Việt Nam, có khả năng tiếp nhận những tàu container lớn nhất thế giới và là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có những chuyến tàu đi thẳng đến châu Mỹ, châu Âu. Theo dự kiến, đến năm 2025 các hoạt động liên quan đến cảng biển sẽ đóng góp khoảng 100.000 tỷ đồng cho ngân sách tỉnh.
Tỉnh quy hoạch và xây dựng hệ thống 15 khu công nghiệp gắn với cảng biển, với tổng diện tích khoảng 8.510ha. Các khu công nghiệp đã thu hút nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có tính lan tỏa cao như nhà máy sản xuất PPP và kho ngầm chứa LPG của Tập đoàn Hyosung với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD; Tổ hợp hóa dầu miền nam với vốn đầu tư 5,4 tỷ USD; Trung tâm Điện lực Long Sơn với vốn đầu tư 4,5 tỷ USD…
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang khẩn trương triển khai các kế hoạch nhằm hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ theo tinh thần Nghị quyết 24-NQ/TW đề ra như, sớm hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ, thu hút các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, năng lực quản lý đến khu thương mại tự do, tập trung vào các ngành kinh tế trụ cột của tỉnh như: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển-logistics, du lịch-thương mại, công nghệ-tài chính, kinh tế số.
Vùng chức năng du lịch và đô thị du lịch ven biển theo hướng đông bắc-tây nam chủ yếu phát triển du lịch, các dịch vụ phục vụ du lịch. Vùng chức năng nông nghiệp và cân bằng sinh thái nằm ở khu vực phía bắc và đông bắc của tỉnh.
Tập trung phát triển kinh tế, ổn định đời sống dân cư khu vực nông thôn, tăng mật độ che phủ của cây xanh, bảo vệ nguồn nước ngọt, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ gắn liền với du lịch.
Vùng không gian biển và hải đảo, tỉnh sẽ quy hoạch phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao, đẳng cấp khu vực và quốc tế; phát triển điện gió trên vùng biển gần bờ ngoài khơi các huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ.
Ông NGUYỄN VĂN THỌ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Với quan điểm phát triển đồng bộ, nhanh, tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, tỉnh luôn tiếp cận theo hướng tối ưu hóa nguồn lực và các cơ hội. Đó là, liên kết với các địa phương nội vùng, liên vùng, tập trung nguồn lực phát huy các thế mạnh tốt nhất của tỉnh, góp phần cùng với các thành viên trong vùng đồng tâm, hiệp lực, tạo ra lợi thế so sánh của Việt Nam với các quốc gia khác trên thế giới.
Tỉnh xác định hai nguồn tài nguyên quan trọng sẵn có trong vùng Đông Nam Bộ: Thị trường dân số với nguồn nhân lực dồi dào, sức mua lớn so với cả nước; sản xuất ra lượng hàng hóa lớn nhất cả nước, chiếm 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.
Khu thương mại tự do gắn với cảng biển nước sâu tại khu vực Cái Mép Hạ sẽ thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực châu Á, quốc tế và phát triển theo đúng tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.
Ông PHẠM VIẾT THANH, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu