Người dân phấn khởi
Tháng 4/2021, lực lượng chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chính thức tiến hành “phạt nguội” các phương tiện vi phạm giao thông trên quốc lộ 51 và nhiều tuyến đường trên địa bàn làm nức lòng không chỉ người dân địa phương.
Anh Nguyễn Văn Hưng, lái xe một công ty du lịch tại thành phố Vũng Tàu, chia sẻ: Chỉ sau một thời gian hệ thống camera giám sát thông minh đi vào hoạt động, ý thức chấp hành luật giao thông của người dân được nâng lên đáng kể. Tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, đi ngược chiều… đã giảm rất nhiều.
Từ lâu, quốc lộ 51, tuyến giao thông huyết mạch nối Bà Rịa-Vũng Tàu với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ không chỉ ám ảnh người tham gia giao thông về tình trạng kẹt xe, tắc đường mà còn là những vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Nhiều “điểm đen” trên tuyến đã được chỉ ra nhưng nổi cộm vẫn là ý thức chấp hành luật giao thông của người dân còn rất thấp.
Đại tá Lê Văn Ninh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, cho biết: Xác định tuyến quốc lộ 51 là điểm “nóng” về tai nạn giao thông, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã triển khai lắp đặt 89 camera giám sát suốt dọc đoạn từ Ẹo Ông Từ (Phường 12, thành phố Vũng Tàu) tới thị xã Phú Mỹ. Theo đó, có 4 điểm với 8 camera giám sát tốc độ, 8 camera giám sát an ninh-trật tự, có tầm quan sát rộng, 73 camera ghi các lỗi như: lấn làn, đi sai phần đường, dừng đỗ sai quy định, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông...
Hệ thống camera giám sát này có thể cùng lúc giám sát 6 làn xe, ghi rõ bằng hình ảnh biển số xe vi phạm không chỉ vào ban ngày, ban đêm mà cả trong điều kiện thời tiết xấu, như: mưa, sương mù… để giúp cơ quan công an “phạt nóng” tại chỗ hoặc “phạt nguội”.
Tương tự như vậy, sau khi chính thức đưa Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) vào hoạt động vào tháng 12/2020, 52 camera an ninh, giao thông của thành phố Vũng Tàu được tích hợp giám sát chặt chẽ tình hình an ninh-trật tự và giao thông trên địa bàn.
Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng triển khai lắp đặt 62 camera giám sát tải trọng phương tiện tại 17 điểm mỏ và một cảng thủy nội địa, nhằm giám sát các hành vi vi phạm về cơi nới kích thước thành, thùng xe. Nếu phương tiện chở hàng quá tải trọng, phần mềm xử lý sẽ tự động phân tích, gửi thông tin vi phạm về Ban An toàn giao thông tỉnh, Phòng Cảnh sát Giao thông-Công an tỉnh, Thanh tra Sở Giao thông vận tải sẽ cử lực lượng đến xử lý trực tiếp hoặc “phạt nguội” đối với chủ phương tiện...
Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu Hoàng Vũ Thảnh cho biết, Trung tâm IOC được xây dựng với 8 hạng mục chính, như: Hệ thống nền tảng trung tâm điều hành thông minh (IOC Platform), tích hợp 50 camera an ninh, 2 camera giao thông, ứng dụng phản ánh công dân, ứng dụng quản lý thông tin trên không gian mạng, hệ thống an toàn thông tin, ứng dụng quản lý lưu trú, hệ thống cảnh báo cháy thông minh.
Ngoài ra, Trung tâm IOC cũng cho phép tích hợp hiển thị lên các ứng dụng hành chính công, quản lý tàu cá, trang web thành phố, cổng thông tin du lịch thành phố, cổng thông tin ngành giáo dục thành phố...
Đến nay, qua thống kê cho thấy đã có hàng chục nghìn lượt người sử dụng ứng dụng phản ánh công dân VungtauIOC; tiếp nhận hàng nghìn phản ánh từ người dân về các lĩnh vực đô thị, môi trường…
Nỗ lực chuyển đổi số
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Văn Tuấn chia sẻ: Năm 2021 được xem là một năm có nhiều đột phá nhất trong hành trình chuyển đổi số của tỉnh.
Theo đó, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4; là tỉnh thứ 8 và là tỉnh đầu tiên khai trương mạng 5G sau khi đợt dịch lần 4 được cơ bản kiểm soát. Trong lĩnh vực nông nghiệp, đã hỗ trợ tạo lập 9.000 tài khoản cho hộ sản xuất nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử; tiến hành thử nghiệm Trung tâm giám sát, điều hành Đô thị thông minh (IOC) của tỉnh; thử nghiệm tổng đài giải đáp dịch vụ công tự động dựa trên công nghệ AI.
Ngoài ra, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng là tỉnh đầu tiên trên toàn quốc tích hợp dịch vụ chứng thực chữ ký số trên nền tảng di động vào cổng dịch vụ công của tỉnh; đưa vào hoạt động sàn thương mại du lịch...
Với khối lượng công việc rất lớn, thuộc 5 lĩnh vực, gồm: đất đai, bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn-biến đổi khí hậu, biển và hải đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường là 1 trong 7 sở, ngành, địa phương của tỉnh được ưu tiên chọn triển khai mô hình “đô thị thông minh, chính quyền điện tử”.
Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Sở Tài nguyên và Môi trường) Phạm Huỳnh Quang Hiếu cho biết, thời gian qua, Sở đã hoàn thành xây dựng sổ tay quản lý đất đai chạy trên cả 2 hệ điều hành Android và iOS, triển khai đến phòng tài nguyên và môi trường, UBND các cấp để truy cập cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ công tác quản lý ở địa phương. Hoàn thành ứng dụng Quản lý đất công, tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu cho 7.571 khu đất với tổng diện tích 11.104,20 ha và thực hiện công bố dữ liệu đến công dân và doanh nghiệp trên Internet…
Sở cũng đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích và môi trường mạng mức độ 3, 4; triển khai thanh toán phí, lệ phí và các chi phí khác để người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau.
Tại Hội nghị triển khai chương trình hành động thúc đẩy chuyển đổi số giữa Bộ Thông tin-Truyền thông và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu diễn ra đầu năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ một lần nữa khẳng định, việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hướng đến chuyển đổi số. Phát triển đô thị thông minh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xây dựng “Đề án phát triển đô thị thông minh tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2020-2022, định hướng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Bước đầu, các chương trình trên đã mang lại kết quả thiết thực như: đưa vào vận hành trung tâm tích hợp, nền tảng chia sẻ, kết nối dữ liệu của tỉnh; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt 69%, mức độ 4 đạt 55%; phần mềm 1 cửa điện tử triển khai thống nhất 3 cấp hành chính của tỉnh kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia; nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, lĩnh vực được triển khai; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến triển khai từ cấp tỉnh đến cấp xã và kết nối hệ thống hội nghị trực tuyến trung ương; cổng thông tin điện tử các cơ quan nhà nước tăng cường công khai, minh bạch thông tin quản lý, giúp người dân, doanh nghiệ tiếp cận thông tin và tương tác chính quyền dễ dàng hơn.
Bà Rịa-Vũng Tàu đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ tích hợp các dịch vụ theo hướng tập trung phục vụ người dân và doanh nghiệp. Toàn bộ thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4 và tích hợp lên cổng dịch vụ công của tỉnh. Từng bước triển khai kinh tế số, xã hội số trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, như: du lịch, dịch vụ, cảng biển, tài nguyên môi trường, y tế, giáo dục, giao thông, đô thị... Đến năm 2030, tỉnh cơ bản hoàn thiện chuyển đổi số và hình thành mô hình đô thị thông minh.