Bà nội hiến thận cứu cháu gái

NDO - Suy giảm chức năng tim trầm trọng nhất từ trước đến nay do suy thận mạn, bé gái 7 tuổi sẽ không thể kéo dài sự sống nếu như không được ghép thận. Ngày 27/5, bé gái chỉ nặng vẻn vẹn 18kg được hồi sinh sau khi nhận một quả thận hiến từ bà nội. 
0:00 / 0:00
0:00
Bệnh nhi đã bình phục sức khỏe sau ca phẫu thuật.
Bệnh nhi đã bình phục sức khỏe sau ca phẫu thuật.

G.L (7 tuổi) được phát hiện thiểu sản thận, suy thận mạn giai đoạn cuối từ tháng 7/2023, bé đã 7 tuổi mà chỉ nặng 18kg, kèm theo đó là bệnh lý tăng huyết áp, suy tim.

Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố đi làm xa, mẹ còn nuôi 2 em nhỏ mới sinh, từ lâu bé do bàn tay bà nội chăm sóc. Hơn một năm trời nằm điều trị tại khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương vì căn bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối, L. đã trải qua nhiều lần cấp cứu, cơ hội sống rất mong manh. Việc điều trị gặp nhiều trở ngại khiến nhiều lần gia đình đã suy sụp và có ý định bỏ cuộc.

Thương cháu đứt ruột, bà nội chỉ cầu mong cháu gái được sống khỏe mạnh, được tới trường như bao bạn bè cùng trang lứa.

Hơn 1 năm rong ruổi cùng cháu gái G.L (7 tuổi) để điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối, nhiều lần nhìn cháu phải vào viện cấp cứu, thoi thóp trên giường bệnh, không thể đến trường đi học như bạn bè cùng trang lứa, bà nội G.L luôn mong ước sẽ có ngày cháu được sống khỏe mạnh trở lại. Và rồi người bà đã quyết định hiến thận cứu cô cháu gái nhỏ.

G.L đã được điều trị thẩm phân phúc mạc, lọc máu để duy trì sự sống, nhưng liên tục phải gắn liền với giường bệnh, sức khoẻ yếu ớt, kèm theo nhiều lần phải cấp cứu do suy tim, có nguy cơ đe dọa tính mạng.

Thạc sĩ, bác sĩ Lường Hữu Bảy, Khoa Thận và Lọc máu cho hay, tại viện, có nhiều trẻ bị tình trạng suy thận mạn kèm theo suy chức năng tim được ghép thận tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nhưng bệnh nhi này là một trong những trường hợp suy giảm chức năng tim trầm trọng nhất từ trước đến nay, chức năng tim chỉ còn lại 1/3 so với bình thường.

"Nếu không được ghép thận, thì trẻ sẽ tử vong", bác sĩ Bảy nói.

Sau khi tiến hành kiểm tra, sàng lọc, các bác sĩ nhận thấy thận của bà nội tương thích với cô cháu gái bé bỏng, ngay lập tức, bà nội (56 tuổi) đã bày tỏ quyết tâm hiến thận cứu cháu.

Với quyết tâm cứu sống trẻ, dưới sự chủ trì của Tiến sĩ, bác sĩ Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện cùng sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc, các quy trình trước, trong và sau ghép thận cho bệnh nhi G.L được chuẩn bị và kiểm soát chặt chẽ.

Bà nội hiến thận cứu cháu gái ảnh 1
Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Ánh Dương – Trưởng khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa thăm khám cho bệnh nhi.

Ngày 27/5, các bác sĩ từ các chuyên khoa trong Bệnh viện như: Ngoại Tiết niệu, Tim mạch, Thận và Lọc máu, Gây mê hồi sức, Điều trị tích cực Ngoại, Nội tiết – Chuyển hóa-Di truyền, Chẩn đoán hình ảnh, Ngân hàng máu, Sinh hóa, Huyết học… đã phối hợp nhịp nhàng, thực hiện song song 2 cuộc mổ lấy thận trái từ bà nội và ghép cho bé G.L.

Sau 5 giờ đồng hồ căng thẳng, ca phẫu thuật diễn ra thành công, thận ngay sau khi được ghép vào đã hồng hào, tưới máu tốt và bắt đầu có nước tiểu. Sau khi ghép, bệnh nhi G.L được chuyển về Khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa để tiếp tục hồi sức và chăm sóc đặc biệt.

Tuy nhiên, với tình trạng suy tim nặng nề của trẻ trước phẫu thuật, sau khi ghép thận, việc phục hồi chức năng tim cần thời gian lâu dài và khó khăn hơn rất nhiều.

Gánh nặng hồi sức bệnh nhi ghép thận có tình trạng suy chức năng tim nặng đối với ê-kíp ghép thận bắt đầu ngay từ khi bước vào quá trình gây mê hồi sức tại phòng mổ cho đến sau mổ.

Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Ánh Dương, Trưởng khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa cho biết, việc duy trì thể tích tuần hoàn và kiểm soát huyết áp cho bệnh nhi G.L phải hết sức chặt chẽ.

"Đối với bệnh nhi ghép thận bình thường, huyết áp sẽ được giữ cao hơn để bảo đảm tưới máu thận, việc bù lại thể tích tuần hoàn do tình trạng đa niệu cũng được thực hiện thoải mái hơn, còn với trường hợp bệnh nhi G.L này, chúng tôi cần dùng các thuốc hỗ trợ chức năng tim, duy trì huyết áp ở mức hợp lý, vừa bảo đảm tưới máu thận tốt, vừa không làm ảnh hưởng nhiều tới tình trạng suy tim, việc bù dịch theo tình trạng đa niệu cũng rất cẩn thận để không làm tăng gánh nặng cho trái tim yếu ớt của trẻ và song song với đó là duy trì các thuốc chống thải ghép", bác sĩ Dương nói.

Ngoài ra, trẻ cũng được hỗ trợ các chức năng sống thường quy, kiểm soát và phòng chống nhiễm khuẩn, bảo đảm dinh dưỡng sau ghép thận.

Sau khi toàn trạng ổn định hơn, bệnh nhi được tiếp tục điều trị, theo dõi tại khoa Thận và Lọc máu. Sau 15 ngày, sức khỏe của trẻ đã tiến triển, tiểu tốt, các chỉ số sinh hóa về chức năng thận, nội tiết trở về giới hạn bình thường, huyết áp được kiểm soát, các vấn đề tim mạch cũng đã được cải thiện rất nhiều so với trước khi ghép.

Bà nội hiến thận cứu cháu gái ảnh 2

Bệnh nhi được xuất hiện ngày 14/6.

Ngày 14/6, cháu bé được ra viện. Trong niềm xúc động vô bờ, gia đình bệnh nhi đã bày tỏ lời cảm ơn các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã tư vấn, động viên, cứu chữa hết lòng mà cháu mới vượt qua được bệnh hiểm nghèo.

"Chúng tôi cũng chân thành cảm ơn Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện đã kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí cho ca phẫu thuật của cháu G.L, nếu không có sự chung tay giúp đỡ này, chúng tôi không biết phải làm thế nào để xoay xở được. Giờ tôi chỉ mong được nhìn thấy cháu khỏe mạnh, được đi học, vui chơi như các bạn nhỏ khác", gia đình bệnh nhi chia sẻ.