ASEAN và Hội đồng hợp tác vùng Vịnh hướng đến chân trời hợp tác mới

Khu vực Đông Nam Á và vùng Vịnh Trung Đông đã gắn kết với nhau từ cách đây nhiều thế kỷ trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp và tiềm năng hợp tác to lớn. Hội nghị cấp cao lần đầu tiên giữa ASEAN và Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) được tổ chức tại thủ đô Riyadh tươi đẹp, trái tim của Saudi Arabia, Xứ sở hai thánh đường Hồi giáo linh thiêng nhất của thế giới đạo Hồi, là một dấu mốc lịch sử, mở ra kỳ vọng đưa quan hệ hai bên lên một tầm cao mới vì hòa bình, hợp tác và cùng phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Giám đốc điều hành Quỹ Phát triển Saudi Arabia. (Ảnh: Dương Giang)
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Giám đốc điều hành Quỹ Phát triển Saudi Arabia. (Ảnh: Dương Giang)

Trong bối cảnh đó, việc Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu tham dự hội nghị cấp cao này có một ý nghĩa hết sức quan trọng, đóng góp tích cực vào thành công chung của sự kiện, mở ra chân trời hợp tác mới cho hai bên trên các lĩnh vực, qua đó tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam ở khu vực cũng như trên thế giới.

Viết nên một câu chuyện thành công

GCC là tổ chức khu vực quan trọng hàng đầu ở Trung Đông gồm 6 quốc gia thành viên ở khu vực vùng Vịnh (4/6 nước GCC là thành viên tổ chức OPEC, trong đó Saudi Arabia và UAE có vai trò lãnh đạo trong tổ chức này) có nền kinh tế rất phát triển, với GDP đạt khoảng 2.000 tỷ USD năm 2022.

Các nước GCC cơ bản thực thi đường lối đối ngoại ôn hòa, đẩy mạnh chính sách Hướng Đông, quan tâm đến hợp tác với Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và triển khai các chính sách tạo thuận lợi cho việc phát triển quan hệ hai bên. Trong bối cảnh đó, việc ASEAN và GCC tổ chức hội nghị cấp cao đầu tiên kể từ khi thiết lập quan hệ năm 1990 có ý nghĩa hết sức quan trọng, đáp ứng nhu cầu hợp tác và phát triển của cả hai bên.

GCC là tổ chức khu vực quan trọng hàng đầu ở Trung Đông gồm 6 quốc gia thành viên ở khu vực vùng Vịnh (4/6 nước GCC là thành viên tổ chức OPEC, trong đó Saudi Arabia và UAE có vai trò lãnh đạo trong tổ chức này) có nền kinh tế rất phát triển, với GDP đạt khoảng 2.000 tỷ USD năm 2022.

Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC đã diễn ra tại khách sạn Ritz Carlton nguy nga và lộng lẫy ở thủ đô Riyadh.

Lãnh đạo các nước nhất trí củng cố và hoàn thiện các cơ chế hợp tác, đồng thời đẩy mạnh hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, nhằm khai thác hiệu quả dư địa và tiềm năng hợp tác còn rất lớn giữa hai bên. Các nước nhấn mạnh cần chú trọng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, bảo đảm chuỗi cung ứng bền vững, kết nối, hợp tác biển, an ninh năng lượng, lương thực, công nghiệp Halal, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, du lịch, hợp tác lao động, chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu,…

Phát biểu tại sự kiện quan trọng này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thế giới càng biến đổi nhanh, ASEAN và GCC càng phải thích ứng năng động, chung tay khơi dậy ý chí tự cường, khơi thông các nguồn lực phát triển, khởi tạo các ý tưởng đột phá, triển khai các hành động cụ thể với quyết tâm chính trị cao nhất để tiến trình hợp tác giữa hai khu vực thực sự bứt phá mạnh mẽ, trở thành điểm sáng của hợp tác khu vực và toàn cầu.

Với tinh thần đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất 3 giải pháp chính, đó là: ASEAN và GCC phải cùng nhau tạo thuận lợi hơn nữa để kinh tế, thương mại và đầu tư trở thành trụ cột chính, là động lực phát triển quan hệ hai bên; cần nhanh chóng thể chế hóa hợp tác ASEAN-GCC bằng các cơ chế hợp tác thường xuyên, thực chất, hiệu quả trên từng lĩnh vực cụ thể; tăng cường hợp tác đa phương để cùng nhau giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển.

Thế giới càng biến đổi nhanh, ASEAN và GCC càng phải thích ứng năng động, chung tay khơi dậy ý chí tự cường, khơi thông các nguồn lực phát triển, khởi tạo các ý tưởng đột phá, triển khai các hành động cụ thể với quyết tâm chính trị cao nhất để tiến trình hợp tác giữa hai khu vực thực sự bứt phá mạnh mẽ, trở thành điểm sáng của hợp tác khu vực và toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Với thế mạnh là những tổ chức khu vực rất thành công, nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam nêu bật, ASEAN và GCC cần hỗ trợ nhau để phát huy vai trò trung tâm, đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định và phát triển của hai khu vực và trên thế giới. Thông điệp và đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính được các nhà lãnh đạo ASEAN và GCC nhiệt liệt đồng tình, hưởng ứng.

Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm trụ sở của GCC tại thủ đô Riyadh. Tổng Thư ký GCC Jassim Muhammad Al-Budaiwi đã nồng nhiệt chào đón Thủ tướng ngay từ ngoài sảnh.

Trao đổi với Tổng Thư ký, Thủ tướng đánh giá cao vai trò của GCC và khẳng định Việt Nam coi trọng việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác cùng có lợi với GCC và các nước thành viên; nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối, thúc đẩy hợp tác ASEAN-GCC, hai khu vực phát triển năng động hàng đầu trên thế giới, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Về phần mình, Tổng Thư ký Jassim Muhammad Al-Budaiwi khẳng định cả 6 nước GCC đều có quan hệ rất tốt đẹp với Việt Nam và hai bên còn rất nhiều tiềm năng hợp tác. Ban Thư ký GCC sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy hợp tác với các nước thành viên trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh.

Ông cho rằng ASEAN và GCC “chắc chắn sẽ viết nên một câu chuyện thành công” vì cả hai khu vực đều ổn định, năng động, yêu chuộng hòa bình và đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác vì lợi ích của người dân.

Hội nghị cấp cao cũng là dịp để nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam có các cuộc gặp gỡ quan trọng với nhiều nhà lãnh đạo, nguyên thủ các nước ASEAN và GCC, qua đó tăng cường quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực.

Hiện thực hóa tầm nhìn phát triển

Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC, Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến thăm Vương quốc Saudi Arabia với nhiều hoạt động sôi nổi, bận rộn nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại và đầu tư, hiện chưa phát triển tương xứng tiềm năng mỗi nước. Quan hệ hai nước được đánh giá đang ở thời điểm bước ngoặt, khi mà phía bạn đang thúc đẩy đa dạng hóa nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào dầu khí, hướng đến hiện thực hóa mục tiêu chiến lược quốc gia “Tầm nhìn 2030” và Việt Nam cũng đang đẩy mạnh công cuộc phục hồi và phát triển mạnh mẽ.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Saudi Arabia, phát biểu chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Liên đoàn các Phòng Thương mại Saudi Arabia (FSC) Hasan Al Hwaiziy mong muốn hàng hóa của Saudi Arabia được thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam, đồng thời đa dạng hóa hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường nước này.

Ông bày tỏ hai bên có rất nhiều tiềm năng hợp tác, do đó cần tận dụng mọi lợi thế cạnh tranh, tích cực tham gia các sáng kiến chuỗi cung ứng toàn cầu, hành lang kinh tế giữa Ấn Độ, các nước vùng Vịnh, châu Âu, trong đó Saudi Arabia đóng vai trò là trục chiến lược và Việt Nam đóng vai trò là điểm khởi đầu của hành lang chiến lược này.

Theo ông, nhiều lĩnh vực khác cũng đang mở ra chân trời hợp tác mới cho hai bên và diễn đàn là cơ hội góp phần phát triển hợp tác song phương, phù hợp sức mạnh, vị thế toàn cầu của Saudi Arabia và vai trò của Việt Nam.

Về phần mình, trước đông đảo các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Saudi Arabia, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, hai nước có thể bổ sung thế mạnh của nhau; bày tỏ tin tưởng rằng, quan hệ hợp tác giữa các nước ASEAN với các nước vùng Vịnh sẽ được tăng cường mạnh mẽ; Việt Nam hoàn toàn ủng hộ chiến lược phát triển của Saudi Arabia, ủng hộ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với Saudi Arabia để hiện thực hóa Tầm nhìn 2030. Diễn đàn này là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, là cơ hội tốt để hai bên cùng nhau trao đổi, đề xuất các giải pháp, kế hoạch hợp tác mới để hiện thực hóa các mục tiêu; qua đó, thúc đẩy nâng tầm mối quan hệ giữa hai nước tương xứng với vai trò, vị thế và tình hữu nghị giữa hai nước.

Trả lời phỏng vấn kênh tin tức tài chính Asharq Economy with Bloomberg ngay trong dịp diễn ra diễn đàn, Thủ tướng bày tỏ ngưỡng mộ “Tầm nhìn 2030” của Saudi Arabia, cho rằng tầm nhìn này có nhiều điểm tương đồng Tầm nhìn của Việt Nam và Việt Nam có nhiều tiềm năng hợp tác, sẵn sàng hỗ trợ Saudi Arabia với những chủ trương, chính sách cụ thể sau chuyến thăm này.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam coi trọng và sẵn sàng tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Saudi Arabia, trong đó có hợp tác, ủng hộ trong quá trình triển khai chiến lược “Tầm nhìn 2030”, đề nghị hai bên tiếp tục triển khai các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án hợp tác cụ thể sau chuyến thăm.

Trong buổi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, các lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp, quỹ đầu tư hàng đầu của Saudi Arabia đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép họ vào Việt Nam khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư, nhất là lĩnh vực hóa dầu, hoặc mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực thép, dầu khí, năng lượng tái tạo, hạ tầng…; cam kết dành các nguồn vốn lớn để tài trợ các dự án đầu tư ở Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn, doanh nghiệp, Quỹ đầu tư Saudi Arabia trong việc đầu tư kinh doanh và mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp tại Việt Nam.