ASEAN đóng vai trò là một mắt xích quan trọng trong các cơ chế hợp tác khu vực thông qua quan hệ và hợp tác với các đối tác bên ngoài. Thông qua các cơ chế như ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS)…, các nước ASEAN đã tạo dựng và duy trì cân bằng, linh hoạt quan hệ với các đối tác bên ngoài của ASEAN, giữ ổn định, tạo điều kiện phát triển. Các nước đều ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và chấp nhận các nguyên tắc, chuẩn mực chung của ASEAN.
Với tầm quan trọng của các hội nghị cấp cao kỳ này, Indonesia đặc biệt coi trọng công tác bảo đảm an ninh, an toàn. Khác với Hội nghị cấp cao ASEAN 42 lần vừa rồi được tổ chức hồi tháng 5 ở đảo Labuan Bajo - một nơi “dễ thở” hơn cho công tác bảo đảm an ninh, kỳ hội nghị cấp cao lần này tổ chức ở Thủ đô Jakarta đông đúc với dân số khoảng 11 triệu người, thường xuyên tắc đường, phức tạp hơn cho bảo đảm an ninh và đi lại. Chính vì vậy, nước chủ nhà đã huy động ít nhất gần 20 nghìn binh sĩ quân đội, cảnh sát, nhân viên an ninh với các phương tiện, trang thiết bị hiện đại tham gia bảo vệ nơi diễn ra các hội nghị, nơi ăn nghỉ của các đoàn, điều tiết giao thông, chống khủng bố…
Tại phiên khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43, lấy hình ảnh “con thuyền ASEAN” đang tiến ra biển lớn, rộng mở với thế giới, hợp tác với các đối tác vì mục tiêu chung hòa bình, an ninh và ổn định, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định mạnh mẽ, ASEAN nhất trí và kiên định không biến khu vực thành nơi “cọ xát quyền lực”, mà là nơi nuôi dưỡng hợp tác và đối thoại vì hòa bình và thịnh vượng; nhấn mạnh, đại dương rộng lớn không ai có thể đi một mình, ASEAN mong muốn hợp tác cùng có lợi với tất cả các nước, khẳng định vai trò là tâm điểm của tăng trưởng…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có một kỳ họp hết sức bận rộn với lịch trình dày đặc: tham dự 17 hội nghị cấp cao và 17 cuộc tiếp xúc song phương với các nhà lãnh đạo, nguyên thủ các nước, tổ chức quốc tế. Thủ tướng đã truyền tải các thông điệp lớn, quan trọng: Các nước ASEAN cùng các nước đối tác nỗ lực phối hợp, tăng cường hợp tác để giữ vững là tâm điểm tăng trưởng kinh tế thế giới, các nước gỡ rào cản, điểm nghẽn; thiết lập chuỗi cung ứng, tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do (FTA); duy trì môi trường hòa bình, ổn định, an ninh tạo tiền đề cho phát triển; luôn luôn lấy người dân làm trung tâm, mục tiêu, động lực của quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và phát triển quan hệ với các đối tác, bảo đảm sự phát triển bao trùm, bền vững, công bằng, không để ai bị bỏ lại phía sau; phát huy, tận dụng những động lực mới của tăng trưởng là kinh tế số, kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo, phát huy vai trò của công nghệ mới, ứng phó biến đổi khí hậu…
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu bật quan điểm: Trước vòng xoáy của cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, để ASEAN giữ vững vai trò trung tâm, câu trả lời duy nhất là phát huy sức mạnh tự thân, củng cố đoàn kết nội khối để khẳng định giá trị chiến lược của mình. Các nước ASEAN cần nêu cao tinh thần độc lập, tự cường, thượng tôn pháp luật và kiên định với các nguyên tắc cơ bản và chuẩn mực ứng xử của ASEAN.
Ở giữa tâm điểm cạnh tranh, ASEAN cần giữ vững cân bằng chiến lược với các nước lớn; phải thật sự trở thành một cầu nối tin cậy với năng lực điều hòa và cân bằng các mối quan hệ và lợi ích, kiên định mục tiêu xây dựng cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm và quan trọng nhất là thống nhất giữ vững lập trường nguyên tắc của mình trong các vấn đề có liên quan trực tiếp đến môi trường an ninh-phát triển của khu vực. Thủ tướng cũng nhấn mạnh ASEAN cần nỗ lực tăng cường đoàn kết, duy trì và củng cố lập trường chung về Biển Đông; khẳng định đây vừa là lợi ích, vừa là trách nhiệm chung của mọi quốc gia thành viên.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN+3, Thủ tướng đề nghị mở rộng các lĩnh vực hợp tác, nhất là chuyển đổi số, kinh tế số, thương mại điện tử, công nghệ tài chính Fintech, trí tuệ nhân tạo, tài chính xanh, công nghệ xanh… tạo thêm xung lực cho tăng trưởng bao trùm, hướng tới phát triển bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân; đồng thời, cần phối hợp bảo đảm an ninh lương thực từng quốc gia và toàn khu vực trong mọi tình huống.
Tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 18, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm vóc và giá trị chiến lược của EAS là nơi các lãnh đạo đối thoại, định hướng vì hòa bình, an ninh, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới, cùng nhau đẩy mạnh hợp tác, hóa giải xung đột, nâng cao nhận thức để tiến lại gần nhau hơn. định hình cấu trúc khu vực rộng mở, bao trùm, minh bạch và dựa trên luật pháp quốc tế.
Thủ tướng khẳng định, ASEAN sẵn sàng tham vấn, đối thoại và hợp tác bình đẳng, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, cùng ứng phó các thách thức chung, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển. Các nhà lãnh đạo, nguyên thủ cũng đánh giá rất cao thiện chí của Việt Nam trong việc đề xuất tăng cường phối hợp, bảo đảm an ninh lương thực trong tình hình bất ổn hiện nay.
Cùng với các hội nghị cấp cao, Thủ tướng Phạm Minh Chính tích cực tiếp xúc song phương với lãnh đạo chính phủ, nguyên thủ các nước nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực. Các đối tác khẳng định coi trọng quan hệ với Việt Nam, đánh giá cao các thành tựu của kinh tế Việt Nam, nỗ lực điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực mới tiềm năng như kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, chuyển đổi số.
Trong bối cảnh thế giới diễn biến đầy phức tạp, bất ổn, khó lường như hiện nay, ASEAN luôn duy trì độc lập, tự cường, là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế (năm 2022 đạt 5,6% so tăng trưởng toàn cầu chỉ đạt khoảng 2,9%; năm 2023 dự báo đạt 4,5%, cao hơn so dự báo tăng trưởng của nhóm nước phát triển).
ASEAN có không gian kinh tế rộng mở với tám FTA gồm Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và bảy FTA với các đối tác quan trọng, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tạo nên một khu vực thương mại tự do chiếm 30% dân số thế giới (với hơn 688 triệu người) và 32% GDP toàn cầu (quy mô hơn 3.600 tỷ USD năm 2022). Chính vì vậy, tăng cường hợp tác kinh tế luôn là chủ đề trọng tâm nổi bật trong các chương trình nghị sự.
Nằm trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao, Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN ABAC) đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAN BIS) 2023 thu hút đông đảo các quan chức, cộng đồng doanh nghiệp ASEAN, các chuyên gia tham dự.
Phát biểu trước đông đảo giới doanh nhân ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cục diện thế giới đa cực là một xu thế tất yếu, cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt, xu hướng phân mảnh, tập hợp lực lượng ngày càng rõ nét. ASEAN đứng trước sứ mệnh phải khẳng định “là một cực trong thế giới đa cực”, là trung tâm trong hợp tác cũng như cấu trúc ở khu vực, và ASEAN hoàn toàn có đủ khả năng đảm nhận được sứ mệnh đó. ASEAN cần tăng cường hội nhập khu vực sâu rộng hơn để khai thác tốt hơn các thế mạnh của nhau nhằm nắm bắt các cơ hội trong nền kinh tế toàn cầu mới, nhất là các động lực tăng trưởng mới.
Để ASEAN có thể tiếp tục phát huy vai trò, vị thế và tận dụng, nắm bắt những cơ hội từ trật tự thế giới hiện tại, Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN cần giữ vững cân bằng chiến lược trong quan hệ với các đối tác; duy trì cam kết lâu dài về mở cửa thị trường, thúc đẩy thương mại và đầu tư; luôn mở rộng cánh cửa cho các nhà đầu tư, ý tưởng sáng tạo và tài năng; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các FTA, liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, tạo sự kết nối liên thông của cả khu vực, mở ra không gian phát triển mới, giảm chi phí logistics, chú trọng mô hình hợp tác công-tư để phát huy sức mạnh, nguồn lực từ Nhà nước và doanh nghiệp. Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam được cả hội nghị nhiệt liệt hoan nghênh, hưởng ứng và đánh giá cao.
Chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 43 và các hội nghị cấp cao liên quan của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công tốt đẹp, đạt nhiều thành quả to lớn, thiết thực, có ý nghĩa quan trọng, khẳng định vai trò của Việt Nam trong ASEAN và tiến trình hợp tác khu vực; tiếp tục khẳng định Việt Nam là một thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm trong Cộng đồng ASEAN cũng như quốc tế, góp phần quan trọng vào hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng khu vực và thế giới.
Tạm biệt Indonesia tươi đẹp, hẹn gặp lại Lào dịp Hội nghị cấp cao ASEAN năm 2024.