Áp lực vĩ mô lấn át rủi ro nguồn cung kéo giá dầu suy yếu

NDO - Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần ngày 5/12, lực bán áp đảo trên thị trường hàng hóa đã kéo chỉ số MXV-Index giảm 2,3% xuống còn 2.395,4 điểm, ghi nhận phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp và đạt mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1 đầu năm nay.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư về những áp lực từ yếu tố vĩ mô như lạm phát và kế hoạch thắt chặt tiền tệ quay trở lại thị trường đã thúc đẩy lực bán trong phiên, đặc biệt là nhóm năng lượng và kim loại. Trong khi đó, đa phần các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên Sở Chicago cũng kết phiên trong sắc đỏ trước các tác động khác nhau lên cung cầu. Mặc dù vậy, thị trường hàng hóa vẫn đón nhận dòng tiền tích cực từ các nhà đầu tư. Giá trị giao dịch toàn Sở trong phiên hôm qua tăng 7,6% lên mức hơn 4.300 tỷ đồng.

Áp lực vĩ mô lấn át rủi ro nguồn cung kéo giá dầu suy yếu ảnh 1

Rủi ro vĩ mô kéo giá dầu quay đầu giảm mạnh

Sắc đỏ áp đảo bảng giá năng lượng trong phiên giao dịch đầu tuần. Kết phiên 5/12, giá dầu thô WTI đánh mất mốc 80 USD, giảm 3,81% còn 76,93 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 3,38% còn 82,68 USD/thùng trước những lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất.

Áp lực vĩ mô lấn át rủi ro nguồn cung kéo giá dầu suy yếu ảnh 2

Tiếp nối số liệu việc làm tích cực của tuần trước, hoạt động của ngành dịch vụ ở Mỹ tăng trưởng vượt mọi kỳ vọng, phản ánh qua chỉ số Quản lý thu mua (PMI) dịch vụ tháng 11 đạt 46,2 điểm, cao hơn so dự báo là 46,1 điểm. Đáng chú ý, chỉ số PMI phi sản xuất tăng mạnh lên 56,5 điểm, cao hơn mức 54,4 điểm của tháng 10 và cả mức dự báo 53,3 điểm. Các số liệu phản ánh rằng nền kinh tế Mỹ vẫn bền bỉ và vững vàng trước các đợt tăng lãi suất của FED, bất chấp các lo ngại về một cuộc suy thoái trong thời gian tới.

Tuy nhiên, những tin tức này thách thức khả năng FED sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất từ 75 điểm cơ bản còn 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 12, và khiến cho chỉ số Dollar Index bật tăng mạnh mẽ trong phiên lên 105,29 điểm. Điều này đã gây sức ép lên toàn bộ các thị trường tài chính nói chung, và thị trường dầu thô nói riêng. Nhiều nhà đầu tư đã tiến hành đóng các vị thế dầu thô để giảm thiểu rủi ro trong danh mục và biến động của thị trường.

Sức mua cũng hạn chế trong phiên hôm qua khi mà thị trường nhận ra rằng chính sách áp giá trần với dầu thô của Nga vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là khi Trung Quốc và Ấn Độ vẫn duy trì mua dầu thô của Nga, nên tác động của giới hạn giá sẽ bị giảm so kỳ vọng.

Yếu tố cuối cùng làm hạn chế sự phục hồi của giá dầu trong phiên hôm qua là số liệu xuất khẩu dầu của Venezuela. Quốc gia này đã xuất khẩu 619.300 thùng dầu thô và nhiên liệu mỗi ngày, tăng 16% so tháng 10, nhờ việc nối lại các chuyến hàng đến châu Âu và khởi động lại các nhà máy chế biến dầu.

Sắc đỏ áp đảo trên thị trường nông sản

Khép lại phiên giao dịch đầu tuần, lúa mì tiếp tục đà lao dốc và đóng cửa ở mức thấp nhất trong gần 1 năm qua. Nguồn cung toàn cầu đang dần ổn định hơn đã tạo sức ép mạnh tới giá mặt hàng này và khiến cho đà giảm liên tục được mở rộng.

Theo báo cáo của Cục Kinh tế tài nguyên và nông nghiệp Australia (ABARES), nước này dự kiến sẽ có một vụ mùa bội thu trong năm tài chính hiện tại, với tổng sản lượng ngũ cốc vụ đông được dự báo ở mức 62 triệu tấn, mức cao thứ 2 trong lịch sử. Trong đó, dự kiến vụ lúa mì năm nay sẽ đạt sản lượng 36,6 triệu tấn, tăng 1% so mức kỷ lục được thiết lập trong năm ngoái.

Trong khi đó, theo dữ liệu từ chính phủ, nông dân Ấn Độ đã trồng lúa mì trên 21,2 triệu ha kể từ ngày 1/10, tăng 6% so cùng kỳ năm ngoái, do giá cao kỷ lục và độ ẩm thích hợp khuyến khích nông dân gieo trồng. Triển vọng nguồn cung tích cực từ mùa vụ của 2 nước sản xuất lớn đã thúc đẩy lực bán mạnh mẽ đối với giá lúa mì trong phiên hôm qua.

Áp lực vĩ mô lấn át rủi ro nguồn cung kéo giá dầu suy yếu ảnh 3

Ở một diễn biến khác, đậu tương nhìn chung chỉ biến động nhẹ so mức tham chiếu trước những thông tin cơ bản trái chiều.

Theo hãng tư vấn Hedgepoint Global Markets, vụ đậu tương niên vụ 2022/23 của Brazil đang phát triển tốt và có khả năng sẽ đạt sản lượng kỷ lục khoảng 148,8 triệu tấn, nhưng vẫn cần chú ý đến các tác động có thể xảy ra của mô hình khí hậu La Nina. Theo hãng tư vấn Agrural, tiến độ gieo trồng đậu tương niên vụ 22/23 của Brazil đã đạt 91% diện tích dự kiến, chậm hơn so mức 94% của năm ngoái.

Tuy nhiên, báo cáo Giao hàng xuất khẩu (Export Inspections) cho thấy, trong tuần kết thúc vào ngày 1/12, giao hàng đậu tương đã sụt giảm chỉ còn 1,72 triệu tấn, thấp hơn mức 2,23 triệu tấn trong tuần trước đó. Đây là thông tin chính đã gây sức ép lên giá.

Hai mặt hàng thành phẩm của đậu tương và khô đậu tương biến động khá mạnh và trái chiều trong ngày hôm qua. Giá đậu tương đã sụt giảm hơn 4% khi phải chịu sức ép từ giá dầu thô và lo ngại nhu cầu tiêu thụ. Đối với khô đậu, sự suy yếu của dầu cọ đã hỗ trợ mặt hàng này tăng hơn 2%, trong bối cảnh không có quá nhiều thông tin cơ bản.

Giá thức ăn chăn nuôi ổn định là cơ hội cho doanh nghiệp mua hàng

Theo MXV, thị trường nông sản nhìn chung đang duy trì ở vùng giá ổn định trong quý IV, sau một năm đầy biến động trước hàng loạt các biến số từ rủi ro địa chính và biến động về nhu cầu. Tuy nhiên, các áp lực hiện đã giảm bớt, và giá nguyên liệu đầu vào cho ngành thức ăn chăn nuôi đang ở mức tương đối hấp dẫn đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Để phục vụ cho nhu cầu tăng trước dịp Tết Nguyên đán sắp tới, các doanh nghiệp chăn nuôi đang tích cực tái đàn. Do tính chất liên thông trực tiếp với giá thế giới, giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại thị trường Việt Nam nhiều khả năng sẽ vẫn duy trì ở vùng giá ổn định, khó giảm mạnh. Đây cũng là cơ sở để các doanh nghiệp chăn nuôi và nhà máy nên mua hàng, nhập khẩu và chuẩn bị cho đợt hồi phục của giá nguyên liệu sắp tới.