Thay đổi để phát triển
Theo Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022, đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ…
Để thực hiện mục tiêu xuất khẩu đồ gỗ đạt mức 20 tỷ USD đến năm 2025, cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chủ quản, hiệp hội ngành hàng, đặc biệt là sự quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng của doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản; cùng với đó cần tăng cường các hoạt động xúc tiến giao thương tìm kiếm thị trường mới,… đẩy mạnh đầu tư liên doanh liên kết, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Các doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ đang đối mặt với rất nhiều khó khăn như đơn hàng giảm, chi phí nhân công tăng cao do trình độ thấp; máy móc, thiết bị hiện đại của các doanh nghiệp còn hạn chế nên chưa tạo được sản phẩm chất lượng tốt, phù hợp với đòi hỏi ngày càng cao của thị trường xuất khẩu.
Trong khi đó, áp lực về các khoản tín dụng ngày càng lớn, chi phí bảo hiểm thất nghiệp và các khoản phúc lợi xã hội cho công nhân do bị cắt giảm ngày càng tăng. Do vậy, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, bao gồm: sản phẩm tốt, giao hàng nhanh, giá bán rẻ, an toàn môi trường… đang trở thành một đòi hỏi tất yếu, cần khẩn trương thực hiện.
Nhiều chuyên gia khi nhận định về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ nói riêng cho rằng khó khăn sẽ có thể còn tiếp tục kéo dài. Về khách quan, cũng như các nước, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với một nền kinh tế thế giới đang bị suy thoái do chiến tranh, xung đột và những bất ổn về an ninh, chính trị.
Tuy nhiên, nhìn nhận thực lực, hiện các doanh nghiệp trong nước vẫn còn yếu kém, thậm chí ít đầu tư, nhất là đầu tư về công nghệ, máy móc, thiết bị nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, phù hợp với thị hiếu ngày càng cao của thị trường quốc tế. Đầu tư cũng là cách thức duy nhất để giải phóng lao động thủ công, giảm nhân lực và chi phí hành chính để từ đó chỉ còn mục tiêu lớn nhất là tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành để cạnh tranh hiệu quả.
Cơ hội đến từ cuộc triển lãm
Tại cuộc họp báo thông tin về triển lãm Hội chợ máy và nguyên liệu gỗ quốc tế Bình Dương 2023 (BIFA WOOD VIETNAM 2023) diễn ra mới đây, Chủ tịch Viforest Đỗ Xuân Lập cho biết, các cuộc triển lãm, xúc tiến thương mại, các sự kiện giao lưu và các diễn đàn gặp gỡ giữa các nhà đầu tư, sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng sẽ là cơ hội tạo ra lợi nhuận và lợi ích cần thiết. Các hiệp hội, doanh nghiệp cần phải đầu tư thỏa đáng cho các hoạt động giao lưu nhằm cập nhật thông tin, hình ảnh doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường cần cung ứng.
Để góp phần tạo ra những sân chơi bổ ích cho các nhà quản lý doanh nghiệp, từ ngày 9 đến 12/8/2023, tại Trung tâm Triển lãm quốc tế WTC Expo Bình Dương, Công ty cổ phần Hội chợ ngành gỗ Việt Nam (VIFOREST FAIR) phối hợp với Công ty ZhongFuYing Fair tổ chức Hội chợ máy và nguyên liệu gỗ quốc tế Bình Dương 2023-BIFA WOOD VIETNAM 2023. Hội chợ sẽ quy tụ hơn 100 doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế với khoảng 700 gian hàng, trưng bày, giới thiệu công nghệ, sản phẩm với các nhóm ngành hàng chính gồm máy móc, thiết bị công nghiệp chế biến gỗ của các doanh nghiệp.
Hội chợ lần này sẽ tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ, máy móc, thiết bị mới và các nguồn nguyên liệu đa dạng, hợp pháp. Thông qua hội chợ không những tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu gặp nhau, trao đổi thông tin, hợp tác kinh doanh mà còn hợp tác, tạo ra chuỗi liên kết từ các nhà cung ứng nguyên vật liệu, phụ kiện; cung cấp máy móc, công nghệ đến các nhà sản xuất, thương mại để các doanh nghiệp liên kết, hỗ trợ nhau phát triển ổn định và bền vững.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương, từ năm 2010 đến nay, các doanh nghiệp đã có sự đổi mới về việc sử dụng các thiết bị tự động hóa, CNC, máy Lazer, robot vào các vấn đề cắt gỗ, xử lý mặt cắt tinh xảo…, một số nhà máy còn đưa Công nghệ thông tin vào việc quản trị, vận hành. Hội chợ BIFA WOOD lần này, là cơ hội tốt để doanh nghiệp lựa chọn tại chỗ nhiều sản phẩm máy móc thiết bị mới, tiên tiến với công nghệ cập nhật theo hướng tự động hóa để tạo nên một dây chuyền sản xuất hiện đại nhằm tăng tối đa năng suất lao động.
BIFA WOOD VIETNAM 2023 được tổ chức thường kỳ sẽ là sự kiện nổi bật của ngành chế biến gỗ, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam và khu vực tiếp cận với sản phẩm, công nghệ tiên tiến, là cơ hội để tiếp cận với nhiều nguồn cung cấp gỗ nguyên liệu đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu làm hàng xuất khẩu đến thị trường toàn cầu… Đây cũng là dịp để giới chuyên môn, doanh nghiệp, người tiêu dùng trực tiếp đánh giá, lựa chọn tại chỗ các sản phẩm máy móc thiết bị tiên tiến theo hướng tự động hoá của nhiều nhà sản xuất uy tín đến từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc…
Trong thời gian diễn ra hội chợ, Ban tổ chức phối hợp với các cơ quan ban ngành, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong nước và quốc tế tổ chức các hội thảo chuyên đề … BIFA WOOD VIETNAM 2023 sẽ giúp các nhà sản xuất gỗ nâng cao tầm nhìn, thương hiệu của mình tại Việt Nam, khu vực và trên thế giới; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ở các khu vực tiềm năng mới như: Australia, Nga, Canada, Ấn Độ, châu Phi và các nước khu vực Nam Mỹ.