Các phim được trình chiếu tập trung ở 4 cụm rạp lớn và một màn ảnh khổng lồ cho các buổi chiếu phim ngoài trời (Busan Yachting Center Outdoor Theater).
Có lẽ thuận lợi nhất là cụm rạp Megabox Heundae với 10 phòng chiếu phim được đặt ở tầng 6 của một trung tâm mua sắm lớn và nằm ngay khu trung tâm nổi tiếng sầm uất nhất Busan - Haeundae, và chỉ mất chưa tới 15 phút đi bộ là ra đến bờ biển, cũng là nơi được du khách ưu ái ghé tới nhiều nhất. Thế nên rạp này chủ yếu trình chiếu các phim tranh giải. Áo lụa Hà Đông của Việt Nam tranh giải New Currents cũng được chiếu ở đây.
Nữ diễn viên Hải Yến lộng lẫy trong chiếc đầm trắng thướt tha, sang trọng bước đi trên thảm đỏ dài 300m từ bên ngoài vào đại sảnh trong nhiều tiếng hô lớn gọi tên cô ở đêm khai mạc liên hoan 12-10-2006.
Nhắc đến đêm khai mạc, đạo diễn Quang Hải không khỏi tấm tắc khen vợ mình... đẹp bằng cách khoe ngay với bạn bè hình ảnh Hải Yến trong chiếc máy ảnh kỹ thuật số nhỏ xinh của anh. Hai vợ chồng anh bay thẳng từ Hà Nội sang Pusan vào đúng ngày khai mạc để mở đầu cho cuộc hành trình đem phim mình đi giới thiệu với bạn bè thế giới.
Sau 10 ngày tích cực đồng hành cùng bộ phim Chuyện của Pao ở Liên hoan phim quốc tế Pusan, Quang Hải và Hải Yến sẽ tiếp tục đem phim giới thiệu tại giải Kim Kê ở Thượng Hải (Trung Quốc). Sau đó sẽ là chuyến hành trình qua 10 trường đại học lớn của Mỹ để giới thiệu Chuyện của Pao .
Còn Áo lụa Hà Đông (đạo diễn Lưu Huỳnh) buổi đầu ra mắt khán giả Hàn và khán giả quốc tế tại 2 phòng chiếu: 7 và 8 của cụm rạp Megabox Haeundae. Phim tuy khá dài (136 phút) nhưng điểm thành công của phim không những giữ chân được khán giả mà còn tạo nên nhiều cảm xúc.
Với trường đoạn nhân vật An, con gái của Dần và Gù (hai nhân vật chính) chết vì bom chiến tranh, đâu đó trong hàng ghế khán giả bật ra tiếng nức nở. Hai người phụ nữ Hàn ngồi cạnh tôi liên tục lau nước mắt.
Trong khi ấy, nhà sản xuất phim Đinh Thái Bình (Hãng phim Phước Sang) thì chốc chốc quay xuống để quan sát thái độ đón nhận phim của khán giả; và đã đôi lần thấy được tín hiệu vui, anh "nháy" với đạo diễn Lưu Huỳnh ngồi cách đó mấy ghế.
Kết thúc buổi chiếu là buổi giao lưu giữa đoàn phim và khán giả trong chương trình Guest Visit (giao lưu với đoàn làm phim), đạo diễn Lưu Huỳnh nhận được nhiều sự đồng cảm.
Anh chia sẻ với khán giả: "Tôi đã làm bộ phim này với tất cả tình cảm và cảm xúc của mình". Bộ phim cũng nhận được sự quan tâm của báo chí Hàn Quốc, các tờ báo tập trung đưa tin về liên hoan, thường xuyên xuất hiện hình ảnh và bài giới thiệu về phim.
Người được quan tâm nhiều hơn một chút là diễn viên Trương Ngọc Ánh, cô nhận được nhiều câu hỏi về vai diễn của mình và với hầu hết các câu chuyện giao lưu đều mở đầu bằng lời khen: cô rất đẹp, trong phim đẹp và bây giờ còn đẹp hơn. Quả thật trong chiếc áo dài mầu đen được "trang điểm" thêm chiếc khăn đỏ dài vắt qua một bên vai trông Trương Ngọc Ánh thật đẹp. Khán giả rất quan tâm làm sao một người phụ nữ trẻ như chị lại có thể hóa thân được thành một người phụ nữ với số phận nhiều biến động qua các cuộc chiến tranh?
Chị bộc bạch rằng đó chính là một trong những áp lực lớn của chị khi làm phim này, và chị đã phải tìm đọc rất nhiều sách về lịch sử, dành nhiều thời gian đi tìm hiểu về những người phụ nữ từng sống ở thời đó, và quan trọng là chị đã "sống" cùng nhân vật.
Sau buổi trò chuyện ấy, diễn viên Trương Ngọc Ánh là người "đắt hàng" nhất, khán giả sau một lúc e ngại đã dồn đến xin chữ ký và chụp ảnh cùng chị.
Phim Áo lụa Hà Đông còn có thêm 2 buổi chiếu vào ngày hôm qua 16-10-2006. Còn Chuyện của Pao sẽ chiếu và giao lưu ở 2 phòng chiếu vào ngày 19-10-2006.
Ý kiến Ronnie Scheiba: "...Chuyện của Pao đem lại cho khán giả những cảm xúc đẹp về một quãng thời gian trong đời của những người phụ nữ ở nông thôn, thông qua vẻ quyến rũ của những khuôn hình với các giai điệu tuyệt vời, những góc nhìn hẹp mang đến vẻ đẹp đặc trưng của những người phụ nữ thuộc dân tộc thiểu số. Phim giành giải Cánh diều vàng - một phiên bản Oscar của Việt Nam - cho hình ảnh và các nữ diễn viên trong phim nhưng rất tiếc lại thất bại nặng nề về mặt doanh thu phòng vé". Richard Kuipers: "Thông qua câu chuyện do ngôi sao Trương Ngọc Ánh đã diễn xuất rất tốt vai cô gái tên Dần kiên cường, phim có vẻ quyến rũ độc đáo với hình ảnh của những người phụ nữ tận cùng đau khổ nhưng cũng rất rộng lượng, bao dung và giới thiệu vẻ đẹp của biểu tượng cho văn hóa trang phục Việt Nam là áo dài". (Trích từ nhận xét và giới thiệu tóm tắt về hai bộ phim nói trên trong bài viết của Ronnie Scheiba và Richard Kuipers về Liên hoan phim quốc tế Pusan lần thứ 11 trên tạp chí Variety điện tử ) |