[Ảnh] Tháp Tường Long, di tích lịch sử nghìn năm trên đất Hải Phòng
NDO - Không chỉ nổi tiếng là điểm đến du lịch biển với phong cảnh hữu tình, ít ai biết được Đồ Sơn, Hải Phòng còn sở hữu một di tích khảo cổ học tiêu biểu của văn hóa Việt Nam thời Lý -Trần. Đó là quần thể chùa tháp Tường Long tọa lạc trên đỉnh Long Sơn (phường Ngọc Xuyên), ngọn núi đầu tiên trong 9 ngọn chạy dọc bán đảo Đồ Sơn.
Tháp Tường Long (còn gọi là tháp Đồ Sơn) ngày nay được dựng trên nền móng của tòa tháp được xây từ thế kỷ thứ 11. Được phỏng dựng vào năm 2007, sau 10 năm, công trình kiến trúc Phật giáo này được hoàn thiện, là công trình kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long-Hà Nội. Tháp được phỏng dựng trên bãi đất rộng khoảng 2.000m2, thuộc địa phận phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn.
Tháp có hình vuông, gồm 9 tầng, cao 37,14m. Công trình đuợc xây bằng gạch và đá có kích thuớc khác nhau. Ngoài loại gạch xây, còn có loại gạch ốp ngoài vỏ tháp với nghệ thuật trang trí độc đáo như hoa sen, hoa cúc, hoa chanh. Cách trang trí này biểu hiện nghệ thuật điển hình thời Lý. Lòng tháp rỗng và là nơi đặt tượng Phật A Di Đà. Đây là bức tượng bằng đá ngọc nguyên khối được phỏng dựng như tượng Phật A Di Đà tại chùa Phật Tích (Bắc Ninh).
Theo Đại Nam nhất thống chí: Tháp Tường Long có 9 tầng, tháp cao 100 thước (1 thước = 0,45m), dựng trên khu đất rộng 1.000m2. Tháp Tường Long được xây dựng ở ngọn núi cao 126m so với mực nước biển, tháp cao khoảng 45m. Với vị trí này tháp Tường Long được coi là ngôi tháp cao nhất so với các công trình kiến trúc thời bấy giờ. Ngoài mục đích tôn giáo, tháp Tường Long còn có vai trò bảo vệ sự an nguy cho quốc gia, bởi đây là đài quan sát bảo vệ bờ cõi phía Đông Bắc của tổ quốc.
Qua những di vật còn lại, các nhà khảo cổ cho biết tháp Tường Long được xây cùng thời với tháp Báo Thiên ở kinh thành Thăng Long. Tháp Tường Long nhiều lần được tu tạo và khôi phục trong triều Trần và triều Lê, nhưng đến năm Gia Long thứ 3 (1804), triều đình nhà Nguyễn đã cho phá tháp để lấy gạch xây thành Hải Dương. Điều này chứng tỏ tháp Tường Long xưa vô cùng qui mô, bề thế.
Năm 1978, di tích tháp Tường Long lần đầu được các nhà khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật chính thức nhằm nghiên cứu toàn diện về ngọn tháp độc đáo này.
Kết quả cuộc khai quật, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nền móng tháp xây theo kiểu giật 3 cấp, móng có hình vuông, lòng rỗng. Cấp dưới cùng có cạnh rộng nhất là 7,96m, cấp giữa dài 7,36m, cấp trên cùng có cạnh dài 6,92m.
Ngoài ra nhiều di vật được phát hiện như gạch xây tháp, bệ tượng A di đà bằng đá xanh, chân tảng hoa sen và các con giống đất nung. Dấu tích của tượng Phật A Di Đà của tháp Tường Long được khai quật cho thấy tượng có kích thước, trang trí giống như tượng Phật A Di Đà của chùa Phật Tích.
Những viên gạch được tìm thấy có mặt mịn. Trên mỗi viên gạch xây tháp đều có hàng chữ nổi bằng chữ Hán: “Lý gia đệ tam đế Thái Bình tứ niên tạo”, được xác định từ triều Lý, thế kỷ 11.
Thời điểm thích hợp nhất để du lịch chùa tháp Tường Long là từ tháng 4 - tháng 10 hoặc tháng 1 - tháng 5 bởi thời tiết thuận lợi, dễ chịu, thuận tiện cho việc di chuyển.
Từ vị trí tháp Tường Long có thể nhìn bao quát vùng biển Đồ Sơn, đồng ruộng xanh tươi, phong cảnh hữu tình của núi và biển cả, thực sự mang tới trải nghiệm tuyệt vời, mang lại cảm giác an yên.