[Ảnh] Nước thải sinh hoạt được xử lý thế nào trước khi "đổ vào" hồ Trúc Bạch?
NDO - Sau khi được thu gom, nước thải sinh hoạt sẽ được tiến hành xử lý bằng vi sinh trước khi đưa ra "nhập vào" hồ Trúc Bạch. Chất lượng đầu ra phải đạt chuẩn theo quy định và... trong vắt khi nhìn bằng mắt thường. Đây cũng là một quy trình xử lý nước thải sinh hoạt đô thị tiêu chuẩn trước khi đưa ra hồ điều hòa đang được thực hiện tại Hà Nội hiện nay.
Trạm xử lý nước thải Trúc Bạch được coi là "van lọc" quan trọng cho hồ Trúc Bạch-lá phổi xanh của toàn bộ khu vực các phường Quán Thánh, Nguyễn Trường Tộ, Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội).
Được đưa vào hoạt động từ năm 2005, đây là một trong 2 công trình xử lý nước thải đầu tiên trên địa bàn Hà Nội được thực hiện bằng công nghệ sinh học. Toàn bộ chất lượng nước đầu ra đều được giám sát chặt chẽ thông qua hệ thống máy móc hiện đại.
Việc vận hành kiểm soát chất lượng nước thải trước và sau khi xử lý có thể được thực hiện chỉ bằng 1 nhân sự, qua đó nâng cao chất lượng và năng suất công việc; đồng thời bảo đảm các thông số kỹ thuật cần thiết.
Quá trình xử lý nước thải được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt. Trước hết, nước thải đô thị thuộc 3 phường Trúc Bạch, Quán Thánh, Nguyễn Trường Tộ, thông qua hệ thống thu gom sẽ được dẫn vào bể đầu vào.
Tại đây, hỗn tạp chất rắn không tan sẽ được lọc bỏ thông qua hệ thống chuyên biệt...
Công nhân Xí nghiệp Quản lý các nhà máy xử lý nước thải (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vận hành van dẫn nước thải vào bể chứa.
Thông qua hệ thống lọc ban đầu, rác thải như cành cây, gạch đá sẽ được tách ra khỏi bể chứa. Các công nhân có nhiệm vụ nhặt sạch những "tạp chất" này trước khi tiếp tục xử lý nước thải.
Sau khi được tách các hợp chất rắn không tan, nước thải đô thị tiếp tục được dẫn sang khu vực xử lý sinh học. Tại đây, các vi sinh vật yếm khí được nuôi cấy sẵn trong bể có nhiệm vụ xử lý nước bẩn theo các tiêu chuẩn được quy định chặt chẽ.
Bùn thải lắng đọng sau khi xử lý vi sinh tại bể lắng sẽ tiếp tục được "vận chuyển" qua hệ thống ống dẫn khép kín lên tầng 2. Đây là nơi các công nhân sẽ tiến hành ép bùn thải.
Thông qua hệ thống máy móc, bùn sẽ được ép chặt lại. Toàn bộ "phế phẩm" này sau đó sẽ được mang đi chôn lấp, xử lý theo đúng quy định.
Nước thải trải qua quá trình xử lý sẽ tiếp tục được "giám sát" chất lượng thông qua hệ thống quan trắc tự động. Kết quả chất lượng nước sẽ được gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội với tần suất chỉ 5 phút/lần.
Tại bể xử lý tiếp theo, hệ thống vi sinh vật yếm khí sẽ "làm nhiệm vụ" xử lý các chất độc hại. Toàn bộ quá trình sẽ được kiểm soát chặt chẽ để nước sau khi lọc sẽ bảo đảm các thông số an toàn.
Tại bể đầu ra, nước đã trong hơn rất nhiều so với đầu vào.
Bằng mắt thường có thể thấy nước sau khi xử lý đã trong vắt, không còn cặn lắng. Ngoài ra, công trình bảo đảm không gây ô nhiễm mùi và tiếng ồn do các khu vực chứa nước thải đều được đậy kín, khử mùi bằng than hoạt tính, trạm bơm được đặt ngầm, cách mặt đất 6m. Toàn bộ trạm xử lý có công suất lên tới 2.300m3/ngày đêm.
Bên trái là nước sau khi lọc. Bên phải là nước đầu vào. Có thể nhận rõ sự khác biệt sau khi nước được xử lý. Nhờ "bộ lọc" đặc biệt này, nước được dẫn ra hồ Trúc Bạch luôn được bảo đảm an toàn, từ đó giữ sạch cho "lá phổi xanh" của quận Ba Đình.
Toàn cảnh lá phổi xanh hồ Trúc Bạch nhìn từ trên cao.