1/ Trên dòng sông Đáy, đoạn chảy qua Hà Nội, nước sông bị ô nhiễm nặng do chịu ảnh hưởng từ các hoạt động sản xuất và dân sinh trên địa bàn. Từ khu vực trung lưu đến hợp lưu sông Nhuệ - sông Đáy tại TP Phủ Lý (Hà Nam), môi trường nước tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi nước thải sinh hoạt, hoạt động sản xuất và tưới tiêu. Điều này tác động nặng nề đến sinh kế và cuộc sống thường nhật của người dân trong khu vực, do không thể trồng rau, nuôi cá bè và cũng không thể đánh bắt cá, bởi nước sông ô nhiễm tới mức không cá, tôm nào sống được.
Trước đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khảo sát và thống kê về sự ô nhiễm trên hai dòng sông này. Theo đó, hệ thống sông Nhuệ - Đáy có khoảng 700 nguồn nước thải đổ vào với lưu lượng rất lớn. Tính riêng làng nghề Vạn Phúc (Hà Đông) mỗi ngày đã xả thải ra hệ thống sông này khoảng 1.000 m³ với nhiều tạp chất tách ra từ vải sợi, chất bẩn, dầu, hợp chất chứa ni-tơ, péc-tin, hồ tinh bột, NaOH, H2SO4, các loại thuốc nhuộm, hóa chất trơ… Ngoài làng nghề Vạn Phúc, nhiều cơ sở dệt nhuộm, sản xuất công nghiệp khác cũng tập trung ven các con sông này. Đó là chưa kể nguồn nước thải sinh hoạt đổ xuống sông cũng ngày một lớn. Bởi thế, những dòng sông này bị ô nhiễm nặng. Kết quả quan trắc cho thấy, nước sông Nhuệ và sông Đáy không thể dùng để tưới tiêu, nước sông bốc mùi hôi nồng nặc, tràn vào hệ thống kênh mương đến đâu, cá chết nổi trắng đến đó, cây trồng cũng không thể sống nổi.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong giai đoạn 2008 - 2020, chất lượng nguồn nước mặt sông Nhuệ - Đáy vẫn chưa được cải thiện, khoảng 64% số điểm quan trắc trên hai con sông cho chỉ số chất lượng nước (WQI) ở mức xấu đến rất xấu. Trong đó, 31% số điểm quan trắc chất lượng nước bị ô nhiễm nặng, tập trung trên đoạn sông Nhuệ chảy qua Hà Nội (từ điểm Phúc La đến điểm Cống Thần); các điểm Cầu Tó, Cự Đà luôn ở mức ô nhiễm. Đoạn sông chảy qua địa bàn các huyện Thường Tín, Phú Xuyên cũng bị ô nhiễm nặng. Lý giải về thực trạng trên, đại diện Tổng cục Môi trường chỉ rõ, lượng nước chủ yếu chảy vào lưu vực sông Nhuệ - Đáy là nước thải chưa được xử lý gây ô nhiễm (khoảng 2.000 nguồn thải, với tổng lưu lượng nước thải xả hàng triệu mét khối/ngày đêm)…
2/ Hiện nay, hầu hết lưu vực sông trong cả nước đang đứng trước tình trạng ô nhiễm, chưa có biện pháp khắc phục triệt để. Trong đó, riêng Hà Nội có nguồn thải khoảng 65%, chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ từ nước thải sinh hoạt. Lượng nguồn thải còn lại là từ các tỉnh, thành phố đổ ra sông Nhuệ, sông Đáy.
Với nỗ lực cải thiện tình trạng ô nhiễm trên các dòng sông, Chính phủ cũng như các địa phương đã dành nguồn lực không nhỏ để thực hiện đầu tư những trạm quan trắc môi trường trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Hà Nam, Hòa Bình… Trong đó, bài toán quan trọng nhất chính là kiểm soát nước thải sinh hoạt. Hiện, các khu công nghiệp, làng nghề trên địa bàn Hà Nội bước đầu đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, dự kiến trong năm 2021 một số công trình xử lý nước thải sẽ được hoàn thành. Hiện tại, ở tỉnh Hà Nam và Nam Định đã đầu tư ba trạm xử lý nước thải và các trạm xử lý chất thải rắn trước khi xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, vấn đề xử lý nước thải hiện nay rất thấp, vẫn còn từ 60 - 90% nước thải sinh hoạt chưa được xử lý chảy vào hai dòng sông.
Một trong những giải pháp trước mắt là cần phải điều tiết các trạm bơm, xử lý nước thải gây ô nhiễm sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy và vận hành các trạm cống ở Thanh Liệt, trạm bơm Yên Sở… trước khi đưa nước thải ra sông Hồng. Ngược lại, hút nước sông Hồng để pha với nước ô nhiễm đang được xử lý ở các trạm, khi nào xử lý xong, đạt tiêu chuẩn cho phép mới được xả thải.
Mới đây, tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội của UBND TP Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng cho biết, liên ngành thành phố đã khảo sát và đưa ra phương án bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua cống Liên Mạc. Phương án này không chỉ giúp bổ cập cho sông Tô Lịch mà cho cả sông Nhuệ. Vì thế, Sở Xây dựng lên kế hoạch xây tám trạm bơm dã chiến tại khu vực cống Liên Mạc để bổ cập nước cho sông Nhuệ, sông Tô Lịch, công suất dự kiến khoảng 9 m³/s.
Cùng với đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã được Quốc hội thông qua và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2022, sẽ là tiền đề cơ sở thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo luật định. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành luật, trong đó có quy định rõ về vấn đề xử lý nước thải, bảo vệ môi trường lưu vực sông. Trong năm 2021, cần hoàn thành việc lập ba quy hoạch: quy hoạch môi trường, quy hoạch đa dạng sinh học và quy hoạch quan trắc môi trường. Đây là cơ sở để lập quy hoạch từng lưu vực sông, giúp các địa phương xác định được chỉ tiêu, giải pháp nguồn lực thực hiện.