[Ảnh] Người dân Hà Nội quây quần bên nồi bánh chưng đón Tết
NDO - Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão, tại nhiều con phố Hà Nội không khó để bắt gặp người dân bên nồi bánh chưng nghi ngút khói ngay trên vỉa hè, ngõ xóm.
Tại nhà 392 đường Khương Đình, gia đình cô Son đã nhiều năm nhận gói bánh chưng cho những người dân sống quanh khu vực.
Những chiếc bánh chưng xanh được gói bằng lá dong là thứ không thể thiếu vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, được cô Son chọn mua rất cẩn thận.
Năm nay gia đình cô Son bắt đầu gói từ ngày 23 Tết, những nguyên liệu được gia đình chuẩn bị từ rất sớm. Những nồi bánh chưng của gia đình cô Son đang sôi sùng sục.
Bánh chưng sau 12 tiếng mới có thể vớt ra, chưa kể phải cấp nước, cấp củi liên tục để bánh chưng chín đều. Gia đình cô Son cho biết phải thay nhau xuyên đêm canh nồi bánh chưng.
Năm nay gia đình cô Son gói khoảng 1.000 chiếc bánh các loại, đến tối 29 Tết sẽ không nhận thêm để làm nữa.
Cả gia đình cô Son mỗi dịp cận Tết lại ra ngồi quây quần bên nồi bánh chưng ấm áp.
Đêm xuống chỉ còn lại người lớn ở lại ngồi canh bếp, chờ đến sáng đúng giờ vớt bánh chưng.
Gia đình chú Minh Châu (445 Vũ Tông Phan) đã hàng chục năm nay giữ truyền thống gói bánh chưng vào những ngày cuối năm. Năm nay chú có thêm hai cháu nội đồng hành cùng trông nồi bánh chưng.
Chú Châu cho biết: việc gói bánh chưng không chỉ dạy cho các con, cháu trong gia đình về truyền thống của dân tộc, mà đây cũng là khoảng thời gian mà đại gia đình có thể quây quần được với nhau.
Chú Châu tâm niệm: "Năm nào tôi cũng nấu bánh chưng tuy vất vả nhưng quan trọng nhất là muốn cho con cháu hiểu và giữ được nếp sống này của gia đình tôi ngày Tết"
Vào những ngày giáp Tết Quý Mão, nhiều người dân Hà Nội vẫn giữ truyền thống cùng nhau ngồi gói bánh, canh bếp lửa chờ bánh chín. Đây là dịp để mọi người ngồi lại quây quần bên nhau chia sẻ lại những câu chuyện vui, buồn sau một năm bận rộn, chuẩn bị đón một năm mới ngập tràn hạnh phúc.
Hình ảnh người già trẻ nhỏ quây quần bên nồi bánh chưng tạo nên một bức tranh ngày Tết thật ấp áp, sum vầy.
Mọi người trong khu phố cùng tụm lại để vui chơi và ca hát để nấu bánh chưng xuyên đêm.
Trong khi mọi thứ đều có thể mua được ở chợ, siêu thị thì hình ảnh bếp bánh chưng với lửa hồng tại các vỉa hè, ngõ phố Hà Nội thật quý giá.
"Mặc dù bây giờ bánh chưng được bày bán trên thị trường nhiều nhưng đây là một nét văn hóa của dân tộc và tôi muốn góp phần giữ gìn nó. Năm nay tôi nấu hơn 50 chiếc bánh chưng để chia cho mọi người trong gia đình và làm quà tặng bạn bè", anh Tuyến (quận Thanh Xuân) chia sẻ.
Một nhà nấu bánh chưng cả con ngõ nhỏ tấp nập, người lớn trông bếp, trẻ nhỏ thì vui đùa cả đêm.
Bánh chưng đã trở thành một nét văn hóa, một món ăn truyền thống và lâu đời ở Việt Nam. Bếp lửa hồng không chỉ nấu bánh chưng mà còn giữ được nét đẹp xưa của người dân Hà Nội, cùng nhau sum vầy sau cả năm vất vả làm ăn.