Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên là mô hình Trường THPT chuyên biệt, dành riêng cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh, đóng vai trò mũi nhọn trong sự nghiệp giáo dục dân tộc của tỉnh Điện Biên.
Năm học 2023-2024, nhà trường có 19 lớp học bao gồm 8 lớp 10; 5 lớp 11; 6 lớp 12; với tổng số 665 học sinh thuộc 17 dân tộc, trong đó có 29 học sinh dân tộc rất ít người là Cống, Sila và Lự. |
Trường hiện có 19 phòng học, 6 phòng bộ môn, 21 phòng chức năng quản trị hành chính và 56 phòng nội trú được đầu tư kiên cố đáp ứng yêu cầu dạy và học của nhà trường trong giai đoạn hiện nay. |
Hằng năm, tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi chiếm trên 95%; học sinh có hạnh kiểm khá, tốt chiếm hơn 98%. Tỷ lệ học sinh đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT hằng năm đạt 100%. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp hằng năm đạt 100% trong đó tất cả các môn thi đều cao hơn mặt bằng chung toàn tỉnh, nhiều môn cao hơn mặt bằng chung toàn quốc dẫn đầu cụm thi đua các trường phổ thông dân tộc nội trú. |
Thực hiện Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên về việc nâng cấp quy mô các trường dân tộc nội trú giai đoạn 2018-2025, nhà trường đang được đầu tư, cải tạo, bổ sung cơ sở vật chất để nâng cấp quy mô từ 19 lớp học với 655 học sinh lên 30 lớp học, với hơn 1.000 học sinh. |
Ngoài việc nâng cao chất lượng trong dạy học chính khóa, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi luôn được nhà trường đặc biệt quan tâm trong nhiều năm qua. Tỷ lệ học sinh tham gia các đội tuyển các năm chiếm từ 45% tổng học sinh toàn trường. Tỷ lệ đoạt giải các năm từ 66% lượt học sinh dự thi, xếp vị trí thứ 2 toàn tỉnh, đứng thứ nhất trong các Trường THPT không chuyên toàn tỉnh. |
Các hoạt động ngoại khóa cũng được trường quan tâm và tạo điều kiện cho học sinh. Thầy và trò nhà trường đang tích cực tập luyện để tham gia hai cuộc thi là: Biểu diễn xòe Thái tỉnh Điện Biên năm 2024 và dân vũ dân ca điệu nhảy đường phố của học sinh sinh viên tỉnh Điện Biên lần thứ nhất. |
Tiết mục múa dự thi: Vòng xòe ngày xuân với sự tham gia của 180 em học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú đã hoàn thiện phần tập luyện để sẵn sàng đi thi. Các em rất háo hức và phấn khởi khi được tham gia ngày hội để có dịp giao lưu với bạn bè cùng trang lứa ở các địa phương khác trong tỉnh. |
Ngoài ra Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên quan tâm, chọn cử học sinh các lớp tham gia cuộc thi, hội thi do Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng như Thành đoàn thành phố Điện Biên tổ chức cụ thể như âm vang Điện Biên; thi dân vũ học đường; trình diễn trang phục dân tộc hưởng ứng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. |
Cùng với đó hoạt động ngoài giờ gắn với các chủ đề, chủ điểm gần gũi, phù hợp với tâm lý học sinh dân tộc thiểu số, đã giúp các em tự tin hơn trong cuộc sống. Điển hình như: Cuộc thi tìm hiểu về “An toàn giao thông”; “Thi tìm hiểu về ma túy”; “Nước sạch và vệ sinh môi trường”; “Tuyên truyền phổ biến pháp luật phòng chống buôn bán người và xâm hại trẻ em”; “Tuyên truyền về kiến thức cơ bản phòng chống HIV/AIDS”; “Cuộc thi tìm hiểu nét đẹp Bản sắc văn hóa dân tộc”… Nhờ đó, nhận thức toàn diện của các em học sinh trong trường đã được nâng cao. |
Sau giờ học chính khóa các hoạt động thể dục thể thao ngay trong khuôn viên của trường được các em rất yêu thích, vừa nâng cao sức khỏe vừa tăng tình đoàn kết giữa các bạn trong lớp cũng như với học sinh lớp bạn. |
Học sinh trong cùng 1 lớp sẽ được sắp xếp ăn ngủ và sinh hoạt cùng nhau trong 1 phòng với 8 bạn. Những lúc rảnh rỗi mỗi em lại chọn cho mình một cách thư giãn riêng, người nghe nhạc, người đọc sách, người chơi đàn. |
Với các em học sinh nơi đây, thầy giáo, cô giáo không chỉ là người truyền thụ cho kiến thức mà còn là chỗ dựa tinh thần, hướng dẫn các em những kỹ năng sống, những nề nếp hằng ngày từ ăn, uống, ngủ, nghỉ... |
Ngoài thời gian đứng lớp, các thầy giáo, cô giáo còn tranh thủ học thêm tiếng dân tộc thiểu số để gần gũi, truyền đạt kiến thức cho các em dễ dàng hơn. Cùng học trò tập đánh đàn, chơi bóng đá, bóng chuyền, cầu lông… Đồng hành trong cuộc sống hằng ngày với các em ngay cả những lúc nghỉ ngơi sau giờ học. |
Do ăn ở tập trung tại trường cho nên các em học sinh chỉ về thăm nhà vào những dịp nghỉ lễ, Tết dài ngày trong năm và thời gian hè. Chính vì vậy mọi liên lạc với gia đình đều qua điện thoại hằng ngày hoặc là những chuyến thăm bất chợt không hẹn trước của gia đình với các em. |