Các vận động viên không chuyên môn bơi chải thuyền rồng tập luyện trên Hồ Tây.
Các vận động viên không chuyên môn bơi chải thuyền rồng tập luyện trên Hồ Tây.

[Ảnh] Môn thể thao "giữ lửa" văn hóa truyền thống và tăng cường gắn kết cộng đồng

NDO - Hàng nghìn năm qua, bơi chải đã trở thành nét đẹp truyền thống bám rễ sâu vào đời sống sinh hoạt cũng như tinh thần của người dân. Không chỉ xuất hiện trong những công việc thường ngày hay lễ hội dân gian đặc sắc, hình ảnh những chiếc thuyền rồng còn ghi dấu ấn trong nhiều trận chiến chống giặc ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi của ông cha ta. Ngày nay, bơi chải thuyền rồng đã được những người trẻ nghiên cứu, xây dựng thành môn thể thao cộng đồng, góp phần lưu truyền một phần tinh hoa dân tộc đến các thế hệ sau.

Đến Hồ Tây (Hà Nội) vào lúc bình minh ló rạng thời gian này, có thể dễ dàng nhận ra không ít tốp người hồ hởi tay chèo trên những chiếc thuyền rồng sơn màu đỏ-vàng nổi bật trên mặt nước xanh ngắt. Không khí tĩnh lặng thỉnh thoảng bỗng trở nên sôi động bởi tiếng mái chèo khua sóng, tiếng hô vang giữ nhịp của người chỉ huy trên mỗi con thuyền.

[Ảnh] Môn thể thao "giữ lửa" văn hóa truyền thống và tăng cường gắn kết cộng đồng ảnh 1

Những tay chèo nghiệp dư tập luyện trong khoảng thời gian từ 5-6 giờ sáng.

Đáng chú ý, phần lớn các tay chèo trên những chiếc thuyền rồng này không phải vận động viên chuyên nghiệp. Có người là "dân" công sở, văn phòng, nghiên cứu sinh, sinh viên, người lại sở hữu cửa hàng kinh doanh tư nhân hoặc lao động tự do.

[Ảnh] Môn thể thao "giữ lửa" văn hóa truyền thống và tăng cường gắn kết cộng đồng ảnh 2

Chiếc thuyền rồng dành cho việc luyện tập chuẩn bị được hạ thủy.

Trong số đó, Trịnh Văn Toản là người gắn bó với bộ môn bơi chải thuyền rồng suốt một thời gian dài. Ít người biết rằng, mặc dù đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sinh viên Việt Nam Trường Đại học Tài chính-Ngân hàng Hà Nội, nhưng Văn Toản đã nắm trong tay hàng loạt bộ huy chương canoeing ở các đấu trường trong nước cũng như khu vực.

[Ảnh] Môn thể thao "giữ lửa" văn hóa truyền thống và tăng cường gắn kết cộng đồng ảnh 3

Huấn luyện viên hỗ trợ các tay chèo đưa thuyền vào vị trí.

Vừa say mê lập thành tích cho thể dục-thể thao nước nhà, vừa cống hiến cho công tác Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, nhưng chàng trai quê Tuyên Quang vẫn luôn canh cánh việc gìn giữ, phát huy môn thể thao mang đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc.

Mới 23 tuổi, nhưng Văn Toản đã trở thành huấn luyện viên chính thức tại Câu lạc bộ Đua thuyền Hồ Tây với lượng "học trò" cùng bảng thành tích ấn tượng ở các giải đấu cộng đồng.

[Ảnh] Môn thể thao "giữ lửa" văn hóa truyền thống và tăng cường gắn kết cộng đồng ảnh 4

Các tay chèo bước vào buổi tập trong ánh bình minh rực rỡ.

Trịnh Văn Toản cho biết, tại Giải bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng lần thứ 5 - năm 2023 nhằm chào mừng kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2023), đã có nhiều đội đua với toàn bộ thành viên là sinh viên cơ sở giáo dục bậc đại học ghi danh tranh tài. Trong đó, có thể kể đến các Trường: Đại học Tài chính-Ngân hàng Hà Nội, Đại học Thủy lợi, Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Đại học Công đoàn, Đại học Giao thông vận tải...

[Ảnh] Môn thể thao "giữ lửa" văn hóa truyền thống và tăng cường gắn kết cộng đồng ảnh 5

Trịnh Văn Toản (đang đứng) hỗ trợ các học viên giữ nhịp, cầm lái chiếc thuyền rồng.

Đây là thành quả sau thời gian dài nỗ lực vận động, kết nối giữa Hội Sinh viên các trường và những câu lạc bộ, hội, nhóm vận động viên nghiệp dư ở các cơ quan, công sở, doanh nghiệp... với nền tảng nòng cốt là những cán bộ Hội, cộng đồng sinh viên năng nổ, nhiệt huyết, cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia, huấn luyện viên có kinh nghiệm trong các bộ môn bơi thuyền nói chung, môn bơi chải thuyền rồng nói riêng.

[Ảnh] Môn thể thao "giữ lửa" văn hóa truyền thống và tăng cường gắn kết cộng đồng ảnh 6

Không khí thi đua luyện tập sôi nổi một góc Hồ Tây.

Lần đầu tới Hồ Tây để thử sức với môn thể thao đầy nhiệt huyết trên, Ngô Đức Long, nhân viên văn phòng, chia sẻ: "Chỉ sau một buổi trải nghiệm, tôi nhận thấy bơi chải thuyền rồng không chỉ để rèn luyện sức khỏe, sức bền, mà còn góp phần kết nối cộng đồng, tạo điều kiện để người lao động tiếp xúc nhiều hơn với thiên nhiên và có cơ hội tìm hiểu thêm về truyền thống, văn hóa dân tộc sau những giờ làm việc căng thẳng".

[Ảnh] Môn thể thao "giữ lửa" văn hóa truyền thống và tăng cường gắn kết cộng đồng ảnh 7

Thành phần của các tay chèo rất đa dạng, từ sinh viên, công chức Nhà nước cho đến lao động tự do hay doanh nhân trẻ.

Thông thường, các đội thuyền nghiệp dư sẽ luyện tập vào các ngày cuối tuần trên Hồ Tây, đoạn tiếp giáp đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) với sự hướng dẫn, hỗ trợ từ Trịnh Văn Toản và nhiều huấn luyện viên dày dạn kinh nghiệm trong làng đua thuyền Thủ đô.

Tuy nhiên, lịch tập cũng có thể chuyển đổi linh hoạt vào một số ngày trong tuần tùy theo thời gian biểu của các tay chèo, đồng thời không vì vậy mà kém đi phần sôi nổi, hào hứng vốn có.

[Ảnh] Môn thể thao "giữ lửa" văn hóa truyền thống và tăng cường gắn kết cộng đồng ảnh 8

Một vận động viên chèo thuyền nghiệp dư người nước ngoài luyện tập trên Hồ Tây.

Là một tay chèo từng có kinh nghiệm tham gia Giải bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng lần thứ 5, bạn Đỗ Hạnh đến từ Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho hay: "Mỗi lần lên thuyền, tôi lại cảm nhận được luồng năng lượng tích cực được lan tỏa qua những nhịp chèo đều đặn của toàn thuyền. Đây là môn thể thao mang tính đồng đội, giúp mỗi vận động viên trau dồi tính kỷ luật, tác phong nhanh nhẹn, sự phối hợp ăn ý và nâng cao khả năng hòa nhập, kỹ năng làm việc nhóm... rất có lợi cho các bạn trẻ ngồi ghế giảng đường".

[Ảnh] Môn thể thao "giữ lửa" văn hóa truyền thống và tăng cường gắn kết cộng đồng ảnh 9

Không khí tập luyện hăng say phủ rộng ở cả nhóm vận động viên thuộc các đội tuyển quốc gia, cấp tỉnh, thành phố... trước ngày diễn ra Giải bơi chải thuyền rồng Hà Nội năm 2024.

Được biết, hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức Giải bơi chải thuyền rồng Hà Nội năm 2024 vào các ngày 12 và 13/10 tới đây tại khu vực vườn hoa Lý Tự Trọng.

Bên cạnh nội dung dành cho các đội thuyền quốc tế, các tỉnh, thành phố trên cả nước, Giải đấu còn dành một phần thời lượng tranh tài lớn cho những đội thuyền của các đại sứ quán, hội cựu sinh viên quốc tế, câu lạc bộ, đội nhóm, các trường đại học trên địa bàn Thủ đô.

[Ảnh] Môn thể thao "giữ lửa" văn hóa truyền thống và tăng cường gắn kết cộng đồng ảnh 10

Nhiều vận động viên còn rất trẻ rèn luyện kỹ năng làm chủ mái chèo ở trên bờ trước khi "thực chiến" dưới nước.

Bơi chải thuyền rồng không chỉ là môn thể thao dưới nước mang tính gắn kết cộng đồng, mà thực tế còn đóng vai trò quan trọng trong gìn giữ những nét tinh hoa về văn hóa của dân tộc, góp phần đẩy mạnh quảng bá truyền thống, lịch sử của Thủ đô, tạo hình ảnh đẹp nhằm phát triển du lịch nước nhà nói chung, thành phố Hà Nội nói riêng.

Sự tham gia tích cực, thường xuyên của các vận động viên nghiệp dư từ nhiều tầng lớp nhân dân đã cho thấy những tín hiệu tích cực trong bảo tồn, phát huy hiệu quả từ môn bơi chải thuyền rồng như một di sản quý giá cho muôn đời sau.

back to top