Hành trình vượt qua bệnh tật trở thành người "dạy chữ"
Sinh ra ở xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ - Hà Nội) trong gia đình có 5 anh chị em, là con đầu, anh Phùng Văn Trường ra đời bình thường như những đứa trẻ khác.
Nhưng đến năm 3 tuổi, Trường có những triệu chứng kỳ lạ khiến gia đình phải lo lắng. Khi tới lớp 1, mặc dù chân vẫn có thể tự đi nhưng tay bắt đầu yếu dần, không cầm nổi bút để viết chữ. Gia đình anh lúc đó đã đi vay mượn, làm mọi cách chạy chữa cho anh nhưng cuối cùng bác sĩ kết luận rằng Trường đã mắc phải căn bệnh “Thoái hóa cơ tiến triển”.
"Lúc đấy tôi đã không còn có thể cầm, nắm cái gì được nữa. Gia đình tôi cũng không đủ điều kiện để cho tôi tiếp tục được đi học. Khi tôi ở nhà, nhìn các bạn đồng trang lứa được đi học, tôi cảm thấy đây là một dấu chấm hết cho cuộc đời mình.” Anh Trường ngậm ngùi kể lại câu chuyện quá khứ đời mình. (Ảnh: NHẬT QUANG) |
Vì phải nghỉ học ở nhà, Phùng Văn Trường bảo mẹ rằng muốn mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ ở đầu thôn để bán hàng phụ giúp cho gia đình. Nhưng khi bắt đầu bán hàng, vì căn bệnh của anh nên không biết bao nhiêu vấn đề đã nảy sinh.
“Ở vùng quê tôi, người dân thường hay mua chịu nên tôi phải ghi vào sổ chứ không thể nào nhớ hết được. Tôi sợ không ghi vào sổ thì sẽ bị quên và rất mang tiếng, vì vậy tôi quyết tâm viết, không viết bằng tay chân, thì viết bằng mồm. Tôi nhớ tấm gương vượt qua hoàn cảnh bệnh tật để trở thành thầy giáo của chú Nguyễn Ngọc Ký, đây chính là động lực soi sáng cuộc đời tôi trong những chuỗi ngày tăm tối này.”
Anh Trường quyết tâm học viết chữ, cầm bút bằng miệng để có thể giúp ích cho gia đình. “Bước đầu tôi học viết chữ bằng miệng thực sự khó khăn, khi cầm bút bằng miệng thường rất dễ bị nôn ọe và chảy nước miếng”. (Ảnh: NHẬT QUANG) |
Thầy giáo viết chữ bằng miệng lan tỏa yêu thương đến cộng đồng
Tìm đến thăm anh vào 1 buổi chiều cuối thu, cũng là lúc các cháu tan ca học chiều đến lớp học thêm của thầy giáo Trường. Ngay trước cửa lớp học là tấm biển: "Thư viện Hallo World", địa chỉ: Nhà anh Trường (thầy giáo viết chữ bằng miệng). Tôi lặng lẽ xin phép thầy âm thầm dự thính lớp học đặc biệt này để hiểu rõ hơn về tấm biển hiệu kia.
Cứ đến 6 giờ tối mỗi khi tan học về các em nhỏ trong thôn lại được bố mẹ đưa đến lớp của thầy Trường kèm chữ viết và tập đọc. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Lớp học chủ yếu là các em học lực yếu và tiếp thu chậm tại lớp nên thầy Trường phải rất kiên nhẫn và tận tình chỉ dạy để các em tiếp nhận kiến thức 1 cách từ từ. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Các em được thầy Trường tận tình chỉ bảo từng nét chữ và gọi thân thương là "Bác Trường". (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Hàng trăm học sinh ở xã Nam Phương Tiến đã được anh Trường kèm cặp và phụ đạo, nhiều em trong số đó đã thành học sinh giỏi đi thi viết vở sạch chữ đẹp. Với thầy giáo Trường, đây là niềm hạnh phúc nhỏ mà quý giá. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Tôi được biết câu chuyện từ năm 2010, anh Trường vô tình nhìn thấy vở viết của một học sinh với những con chữ xiêu vẹo. Anh đã quyết tâm và muốn phụ đạo cho cậu bé ấy, rèn chữ cũng như chỉnh nắn lại cách viết. Sau hai tháng, cậu học sinh ấy đã thực sự tiến bộ rõ rệt.
Tiếng lành đồn xa, rất nhiều phụ huynh trong xã đã liên hệ và nhờ anh Trường kèm cặp hộ con em mình. Anh Trường đồng ý và nhất quyết không lấy học phí của các cháu. Đỉnh điểm, lớp học của anh Trường đã có đến hai mươi mấy học sinh, nên anh phải chia thành hai ca sáng và chiều.
Quang cảnh lớp học của anh Trường tại thôn Nhân Lý. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
“Tôi không học qua trường lớp nào nên chỉ đủ khả năng kèm cho các cháu bậc tiểu học. Tôi không thể cầm tay, luyện viết cho các cháu như những chỗ khác, nhiều khi tôi nghĩ các cháu cho rằng tôi không viết đẹp thì sao dạy được các cháu?". (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Ông Lê Văn Vũ (59 tuổi), người thôn Nhân Lý có 2 cháu nội đang theo học ở nhà anh Trường bảo: "Thầy Trường viết chữ đẹp lắm, hai đứa cháu nhà tôi nghịch lắm nên chẳng chịu học hành gì. Từ ngày cho học ở lớp của thầy Trường, các cô giáo ở lớp khen tiến bộ hẳn. Chúng nó bé thế nhưng cũng biết nhìn tấm gương thầy Trường mà chịu khó học hành hơn đấy". (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
“Khi tôi nhìn thấy những em học sinh với nét chữ xiêu vẹo, tôi đã cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm để dạy dỗ lại sao cho các em viết chữ được ngay ngắn và nắn nót nhất. Em nào chưa biết chữ thì mình luyện viết các chữ cái để các em viết theo. Em nào chưa biết đọc thì mình luyện đọc, em nào chưa biết tính thì mình dạy Toán.”. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Những nét chữ đã dần đẹp hơn dưới bàn tay chỉ dạy của người thầy tật nguyền. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Người thầy không dám nhận mình là Nhà giáo
Kết thúc tiết học, anh Trường cười và chia sẻ: “Mình chưa bao giờ tự nhận mình là thầy, nhưng người làng cứ gọi mình là thầy nên mình quen từ lúc nào không biết.”
Thầy giáo Trường chia sẻ cùng phóng viên Báo Nhân Dân. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
“Tôi không học qua trường lớp nào nên chỉ đủ khả năng kèm cho các cháu bậc tiểu học. Tôi không thể cầm tay, luyện viết cho các cháu như những chỗ khác, nhiều khi tôi nghĩ các cháu cho rằng tôi không viết đẹp thì sao dạy được các cháu?. Tôi viết mẫu chữ để các cháu viết theo, chỉ cho các cháu khổ chữ cao bao nhiêu li, kéo xuống bao nhiêu li để các cháu viết đúng và chỉ biết động viên các cháu “phải viết thật đẹp vào”. Có những cháu nghe lời, chăm chỉ, nên nét chữ cũng tiến bộ rất nhanh”, anh Trường nói và cho biết nguyện vọng của anh chỉ mong các cháu học hành thành đạt, sau này về xây dựng vùng quê nghèo.
Học sinh quây quần bên người thầy tật nguyền. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Khi được hỏi nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, anh có muốn chia sẻ điều gì?
Anh Trường ngậm ngùi: "Gần đây, sức khỏe của tôi ngày một yếu dần, không thể tự lên xuống xe lăn, dạy học đều đặn cho các cháu như trước được nữa. Tôi chỉ mong nếu ông trời ban cho sức khoẻ, ngày nào còn sức khoẻ là tôi còn dạy học, tôi xin chúc các thầy cô giáo trên mọi miền đất nước sức khỏe, hạnh phúc và thành công, chúc các thầy cô cố gắng hết mình cho thế hệ trẻ hôm nay".
"Người thầy viết chữ bằng miệng" bên các em học sinh với những lời chúc giản dị nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Hình ảnh người thầy tật nguyền thầm lặng hằng ngày dạy chữ "tô ánh sáng cho đời". (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |