12 năm công tác tại Đội Kế hoạch hướng nghiệp và dạy nghề (Trường Giáo dưỡng số 2), "gia tài" lớn nhất của Đại úy Trần Đại Lượng chính là gần 300 học sinh đã tốt nghiệp với tấm chứng chỉ nghề. Đối với người thầy đặc biệt này, công tác giáo dục ở ngôi trường giáo dưỡng là "gieo mầm thiện trên những trang đời bất hảo". |
Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định, thầy giáo Trần Đại Lượng về công tác ở Trường Giáo dưỡng số 2 vào năm 2013. Thời gian đầu làm quen với công việc, anh đã gặp không ít khó khăn bởi học trò luôn tỏ thái độ thiếu hợp tác, bất cần. |
Đây là điều không quá khó hiểu, bởi dù chỉ mới 12-18 tuổi, nhưng những học sinh của anh đều từng có những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội như giết người, hiếp dâm, trộm cắp, buôn bán và tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy... trước khi vào trường. |
Những trở ngại ấy không những không làm Đại úy Trần Đại Lượng e ngại, mà trái lại đã củng cố quyết tâm gieo mầm thiện lương trong "đàn con thơ" của mình. "Giáo dục các em chính là cứu cuộc đời, là mang lại hạnh phúc cho gia đình các em và đồng thời mang lại bình yên cho xã hội", anh chia sẻ. |
Với quyết tâm đó, Đại úy Lượng không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu sâu về tâm lý trẻ vị thành niên để xây dựng giáo án phù hợp hơn mỗi ngày. Bên cạnh những kiến thức, kỹ năng trên lớp, anh còn thường xuyên trao đổi, động viên, nắm bắt tâm tư, hoàn cảnh của từng học sinh. |
Nhờ đó, có nhiều học sinh đã trở nên thân thiết với người thầy giáo sinh năm 1989. Một số học sinh sau khi ra trường vẫn thường xuyên giữ liên lạc với anh. Trong đó, không ít trường hợp từ chỗ lầm lì, khó bảo khi mới vào trường đã kết thúc chương trình học tập đặc biệt với chứng chỉ loại giỏi, sau này gặt hái nhiều thành công trong cuộc sống. |
Giống như thầy giáo Trần Đại Lượng, Đại úy Lê Thị Hồng Lụa đã giảng dạy tại Trường giáo dưỡng số 2 được xấp xỉ một thập kỷ. Từ nhỏ, chị đã không ngừng nuôi dưỡng ước mơ được trở thành nhà giáo. Sau này khi lớn hơn, trong một lần tham quan ngôi trường đặc biệt nằm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình này, cô giáo sinh năm 1990 đã được nghe kể về cuộc đời những học sinh lầm lỡ tại đây. |
Không những không sợ hãi, cô gái có dáng người nhỏ nhắn đã quyết định nắm lấy mái chèo của "con đò" vô cùng đặc biệt, với những "hành khách" từng là nỗi lo của cộng đồng. Năm 2012, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Hoa Lư (Ninh Bình), chị Lụa được tuyển dụng vào Đội giáo viên văn hóa của Trường giáo dưỡng số 2. |
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, cô giáo Lê Thị Hồng Lụa cho biết, phần lớn học sinh bỏ học đã lâu, ý thức và mục tiêu học tập cũng gần như không còn. Do đó, bên cạnh việc dạy kiến thức, chị đã chú trọng hình thành trong các em lối sống lành mạnh, có trách nhiệm, hướng thiện để trở thành công dân có ích cho xã hội. |
Tương tự như những đồng nghiệp khác, mỗi "chuyến đò", cô giáo trẻ lại được tiếp xúc với những trường hợp học sinh khác nhau. "Có em rất thông minh và tiếp thu nhanh, nhưng cũng có em lại rụt rè, ít nói. Bên cạnh đó, không ít trường hợp các em có hoàn cảnh đặc biệt như mồ côi, bố mẹ ly hôn nên phải sống với ông bà đã cao tuổi...", Đại úy Lê Thị Hồng Lụa cho hay. |
Trong đó, học sinh nữ cũng có nhiều em từng tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, làm việc ở các quán karaoke trá hình, thậm chí phát tán video clip đồi trụy của bản thân để kiếm tiền. Vì vậy, cô Lụa càng phải nắm bắt tâm tư, hoàn cảnh để gần gũi, sẻ chia với các em. Trong ảnh là một trong những nữ sinh đang gấp nội vụ nhờ sự chỉ dẫn trước đó của cô giáo Lụa. |
"Trước khi vào trường, do môi trường xấu, nhiều em gái rơi vào tình trạng bất cần, thậm chí giữ vai trò cầm đầu trong những đường dây bất hảo. Tuy nhiên, khi đến với ngôi trường này, không ít trường hợp lại trở nên tự ti, mặc cảm và sợ hãi chính bản thân. Vì vậy, tôi luôn nhẹ nhàng khuyên nhủ, gợi mở ra hướng đi để các em tìm lại sự thiện lương đã vô tình bỏ quên ở một góc nào đó của trái tim", cô giáo quê Ninh Bình nói. |
Bằng tâm huyết với nghề và sự khéo léo, kinh nghiệm giảng dạy, các thầy, cô giáo của ngôi trường đặc biệt luôn không ngừng tìm tòi những hướng đi mới, sáng tạo để gieo mầm ước mơ chính đáng và đúng đắn trong tâm hồn học sinh từng lầm lỡ. |
Được biết, Đại úy Trần Đại Lượng và Đại úy Lê Thị Hồng Lụa là 2 trong số tổng cộng 4 giáo viên thuộc các trường giáo dưỡng của Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Bộ Công an) được tuyên dương trong khuôn khổ chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2024, do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long phối hợp triển khai. Đây cũng là lần đầu tiên chương trình vinh danh các thầy, cô giáo trường giáo dưỡng. |