Chia sẻ tại buổi gặp mặt, cô giáo Nguyễn Thị Lê Dung, sinh năm 1969, đại biểu lớn tuổi nhất chương trình, cho biết: Trường tiểu học Vĩnh Hảo (xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) nơi cô công tác hiện còn nhiều khó khăn, tuy nhiên học sinh đều rất hiếu học, đội ngũ giáo viên cũng luôn nỗ lực cống hiến, tận tụy để dìu dắt các em nên người.
Cô giáo Nguyễn Thị Lê Dung chia sẻ về tình yêu với nghề. |
36 năm công tác, nay vừa nghỉ hưu được vài tháng nhưng cô Dung vẫn luôn mang nặng tình yêu nghề, nguyện đồng hành với học sinh trên mọi nẻo đường đời. Ngay cả khi các em tốt nghiệp, cô vẫn dõi theo như người thân trong gia đình. Nhờ đó, nhiều học sinh của cô Dung nay đã là luật sư, bác sĩ, giáo viên… nhưng vẫn giữ liên lạc, tìm đến những lời khuyên của cô mỗi lúc gặp khó khăn trong sự nghiệp.
“Tài sản lớn nhất của tôi là sự trưởng thành của các thế hệ học sinh. Trong đó, tôi nhớ nhất là trường hợp của một nữ sinh trầm cảm do bị xâm hại. Em chọn cách giấu kín nên gia đình không hề hay biết. Tôi đã tự mày mò các phương pháp tiếp cận, đồng hành để lấy lại niềm tin vào cuộc sống cho em. Hiện, em đã trở thành một sinh viên xuất sắc, tấm gương về học tập, rèn luyện và hoạt động vì cộng đồng trong nhà trường”, cô Nguyễn Thị Lê Dung nói.
Đến từ xã Chế Tạo, địa bàn xa nhất của huyện Mù Cang Chải nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung, thầy giáo Sùng A Trừ bộc bạch: “Có những học sinh ở thôn, bản, cách xa điểm trường đến 6-7 tiếng đồng hồ đi bộ đường núi, đường rừng, nhưng tôi và các đồng nghiệp vẫn đến nhà từng em để tuyên truyền, động viên phụ huynh cho con em tới trường để học cái chữ, để được vui chơi với bạn bè”.
Thầy giáo Sùng A Trừ bộc bạch về câu chuyện gieo chữ nơi vùng cao. |
Tình yêu với nghề, lòng thương học sinh nêu trên xuất phát một phần từ việc thầy Trừ cũng là một người con của núi rừng Yên Bái. Càng thấu hiểu những khó khăn của người dân địa phương, thầy Trừ càng thêm quyết tâm trên con đường đã chọn. Chính thầy Trừ là người đã đề ra sáng kiến ghép đôi học sinh lớn với đàn em nhỏ để cùng nhau học tập, rèn luyện. Tối tối, thầy lại dành thời gian kèm cặp các em theo mô hình trên và gặt hái nhiều kết quả tích cực.
Sau khi lắng nghe ý kiến của một số đại biểu tại buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Đảng, Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt, coi công tác giáo dục và đào tạo là một trong những quốc sách hàng đầu, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và các đối tượng thuộc diện chính sách.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt. |
Với những tình cảm thân thiết nhất, đồng chí Vũ Đức Đam nhiệt liệt biểu dương những cống hiến, đóng góp quý báu của 68 đại biểu chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022, nhận định: các thầy, cô giáo đến từ những nơi có điều kiện sinh hoạt, dạy và học khác nhau nhưng tất cả đều có điểm chung là luôn tận tụy, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.
“Nếu các thầy cô không có quyết tâm lớn như vậy, làm sao học sinh ở vùng sâu, vùng xa vươn lên thoát nghèo, thay đổi số phận của chính mình?”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bày tỏ băn khoăn về những vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo hiện nay, đồng chí Vũ Đức Đam cho rằng, truyền thống hiếu học của dân tộc ta chính là tiền đề quan trọng để phát huy mạnh mẽ công tác giáo dục và đào tạo, trong đó cần đặc biệt tập trung vào bậc đại học và công tác dạy nghề.
Theo Phó Thủ tướng, thực tế đã chứng minh rằng: những đất nước, vùng miền phát triển về giáo dục sẽ nhận được sự quan tâm, nhiều nguồn lực đầu tư hơn cả. Sự quan tâm đặc biệt, kỳ vọng lớn về giáo dục của dư luận hiện nay chính là động lực để khơi dậy sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị trong cổ vũ, động viên, tri ân đội ngũ giáo viên trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Từ những ý kiến của các thầy, cô giáo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lo ngại: hiện, có nhiều loại tiêu chí phấn đấu, phong trào thi đua đang “làm khổ, làm khó” thầy, cô giáo, gián tiếp gây ảnh hưởng không tốt đến học sinh. Vì vậy, công tác giáo dục và đào tạo cần quan tâm hơn đến việc tăng cường hàm lượng tri thức, khoa học, tính bền vững, sự hứng khởi cho cả học sinh và giáo viên.
Đồng chí Vũ Đức Đam đề nghị Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, đồng hành, chăm lo thầy và trò ở vùng sâu, vùng xa; phối hợp chặt chẽ với tổ chức Đoàn, Hội các cấp triển khai thêm nhiều hoạt động thiết thực, phát huy trí tuệ, sức mạnh của tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng các đại biểu chương trình sẽ không ngừng phấn đấu, rèn luyện, trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm với nghề, ngày càng hoàn thiện về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “trồng người”.