Di tích đặc biệt
Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ được lấy tên theo tên làng Phong Lệ xưa. Trong quá khứ, đây là vùng đất được chuyển giao từ vương quốc Chămpa sang Đại Việt sau cuộc hôn nhân lịch sử giữa vua Champa Chế Mân và công chúa Huyền Trân. Trải qua nhiều biến cố xã hội và qua nhiều thời gian, địa điểm khảo cổ Chăm Phong Lệ bị lãng quên, hoang phế... Việc khai quật khu di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ tình cờ vào tháng 4-2011, gia đình ông Ông Văn Tồn và bà Lê Thị Út, trú tại xóm Cấm (tổ 3, phường Hòa Thọ Đông) khi đào móng làm nhà đã phát hiện ra một pho tượng cổ đầu người mình chim và nhiều gạch Chăm. Ngay sau đó, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã thực hiện khai quật khẩn cấp, tiếp đó, năm 2012 và năm 2018, di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ tiếp tục được khai quật khảo cổ. Kết quả khảo cổ cho thấy tại đây là di tích của ít nhất ba ngôi tháp Chăm xây dựng vào khoảng thế kỷ XI, đến nay có niên đại khoảng 1.000 năm, đây là di tích tiêu biểu trong các di tích Chăm tại Đà Nẵng có điều kiện khảo sát đầy đủ nhất, đồng thời là di tích duy nhất cho đến nay trong toàn bộ hệ thống đền tháp Chăm có điều kiện để nghiên cứu và giới thiệu về phần nền móng kiến trúc. Trong đó, có một ngôi tháp còn lại phần cấu trúc lòng tháp dưới mặt đất (gọi là hố thiêng) lần đầu tiên được khám phá, nghiên cứu; ngoài ra Miếu Bà là di tích thời Tự Đức (1862) có giá trị về di sản kiến trúc và tín ngưỡng dân gian.
Trước yêu cầu về việc bảo tồn di tích, phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục gắn với phát huy giá trị di tích góp phần phát triển kinh tế xã hội của thành phố và đem lại lợi ích cho nhân dân địa phương; gìn giữ một di tích văn hóa có 1.000 năm tuổi, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu UBND TP Đà Nẵng phê duyệt ranh giới bảo vệ với diện tích 2.653 m² tại Quyết định số 6314/QĐ-UBND ngày 12-9-2013, đồng thời, Sở Văn hóa và Thể thao giao Bảo tàng Điêu khắc Chăm chịu trách nhiệm quản lý di tích; Năm 2017, UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định số 6236/QĐ-UBND ngày 1-11-2017 về việc phê duyệt Đề án khảo cổ và phát huy giá trị Khu di tích Chăm Phong Lệ; theo đó, ngoài ranh giới Khu vực I bảo vệ di tích với diện tích 2.653 m² nêu trên, UBND thành phố thống nhất phê duyệt sơ đồ ranh giới sử dụng đất Mở rộng quy hoạch định hướng bảo tồn phát huy Khu di tích Chăm Phong Lệ với diện tích 17.087 m², bao gồm Khu vực bảo vệ II: diện tích 1.626 m² và Khu vực phục vụ du lịch - phát huy giá trị di tích: diện tích 15.461 m².
Bảo tồn gắn liền phát triển du lịch
Để tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của di chỉ khảo cổ này, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam đề nghị quận Cẩm Lệ, Sở Văn hóa và Thể thao cùng các đơn vị liên quan tiếp tục tham mưu UBND thành phố xây dựng Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm giai đoạn 2 và bảo quản, tu bổ, phục hồi Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ trình UBND thành phố phê duyệt làm cơ sở cho việc tu bổ, tôn tạo và phát huy bền vững giá trị di sản trong thời gian tới. “Kết hợp chặt chẽ với ngành du lịch trong việc xây dựng các chương trình, các tour du lịch đến với di tích nhằm giới thiệu cho du khách biết đến quận Cẩm Lệ là mảnh đất có bề dày văn hóa, lịch sử. Tiếp tục nghiên cứu, điền dã khảo cổ để làm sáng tỏ hơn nữa các tầng ý nghĩa của di tích khảo cổ độc đáo này. Từ đó, tìm ra giải pháp trùng tu, tôn tạo, phục dựng phù hợp và tối ưu nhất nhằm phát huy giá trị của di tích trong bối cảnh đời sống xã hội hiện đại. UBND TP Đà Nẵng sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan cùng phối hợp địa phương để góp phần vào công việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích cấp thành phố này”, ông Nam cam kết.
Theo ông Nguyễn Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho biết, việc xếp hạng di tích cấp thành phố đối với Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ là cơ hội điều kiện tốt góp phần đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, du lịch tại địa phương. Tương lai gần, khu di tích Chăm Phong Lệ sẽ là một phần trong cụm các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương được liên kết để phát triển du lịch nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân nơi đây cũng như quảng bá hình ảnh địa phương.
Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng khẳng định, đây là một di tích lịch sử, văn hóa rất quan trọng đối với Đà Nẵng. Việc bảo tồn di chỉ khảo cổ Phong Lệ phải thực hiện đúng Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa vì đó là căn cứ pháp lý duy nhất để trùng tu, tôn tạo di tích. Chúng tôi sẽ bảo tồn trước và phát huy giá trị di tích sau theo đúng lộ trình. Hiện nay Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng đã xin ý kiến UBND thành phố và đang lấy ý kiến của các chuyên gia đầu ngành để hoàn thiện đề án trùng tu khu di tích nhằm phát huy khu di tích trên phương diện giới thiệu văn hóa lịch sử của thành phố đồng thời giúp phát triển du lịch của thành phố trong tương lai, ông Tuấn nói.