Ấn tượng trưng bày "Mỗi kỷ vật một câu chuyện"

Những ngày này, đến với Bảo tàng Hồ Chí Minh, công chúng được tận mắt chiêm ngưỡng gần 200 tài liệu, hiện vật độc đáo thuộc trưng bày chuyên đề "Mỗi kỷ vật một câu chuyện" (sưu tập tặng phẩm Bác Hồ 1945-1969). Càng tìm hiểu về những kỷ vật, càng ngưỡng mộ, khâm phục phong cách sống giản dị, chân tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thêm trân quý tình cảm sâu sắc mà đồng bào trong nước và nhân dân thế giới dành cho Người.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân tham quan Trưng bày chuyên đề “Mỗi kỷ vật một câu chuyện”.
Người dân tham quan Trưng bày chuyên đề “Mỗi kỷ vật một câu chuyện”.

"Mỗi kỷ vật một câu chuyện" trưng bày những tài liệu, hiện vật tiêu biểu nhất nằm trong bộ sưu tập tặng phẩm đồng bào trong nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế đã tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh và những món quà Người tặng đồng bào, bạn bè quốc tế. Khối hiện vật mang tính độc bản, nguyên gốc này hiện đang được bảo quản, lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ðiều đặc biệt là không chỉ mang trên mình những giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, mỗi kỷ vật còn gắn liền những câu chuyện cảm động, thú vị khiến mỗi người thêm nhớ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Ấn tượng trưng bày "Mỗi kỷ vật một câu chuyện" ảnh 1

Hiện vật trưng bày. (Ảnh: Ngọc Anh/ VOV5)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho thiếu niên, nhi đồng một tình yêu bao la. Dù bận việc nước, Người vẫn thu xếp thời gian quan tâm đến thế hệ măng non - chủ nhân tương lai của đất nước. Ðáp lại tình yêu thương to lớn ấy, những món quà chân thành, giản dị đã được chính tay các cháu thiếu niên, nhi đồng làm gửi tặng Bác Hồ. Ấm lòng biết bao khi được ngắm nhìn chiếc túi đeo thêu hoa điểm 10 do học sinh Trường Nữ công Khối 76, Hoàn Kiếm (Hà Nội) làm tặng Bác nhân dịp năm mới 1965; chiếc làn cói xách tay do Ðội Thiếu niên Tiền phong huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đan tặng Bác năm 1968; hay bộ dụng cụ bàn ăn làm bằng tre vót gồm đũa, dao, dĩa, que xiên do cháu Nguyễn Thị Băng Tâm, học sinh Trường tiểu học Nguyễn Văn Sắc (Hà Nội) tự làm tặng Bác ngày 10/2/1964…

Tham quan phần một của trưng bày với tên gọi "Tấm lòng đồng bào Việt Nam", bắt gặp những kỷ vật giản đơn mà ý nghĩa như: chiếc túi đựng bút máy do chị Lý Thị My, người Dao ở Cao Bằng làm tặng Bác năm 1961; chiếc khăn rằn Nam Bộ do Trung ương miền nam gửi tặng Bác năm 1963; lọ hoa trang trí hình con hươu bằng tre đan nhuộm màu ốp gỗ do cụ Nguyễn Văn Khiếu (Hà Nội) tặng Bác năm 1962; hay chiếc đài radio hiệu GrunDig - kỷ niệm của Việt kiều Thái Lan kính tặng Bác năm 1960…, càng thấm thía trong sâu thẳm trái tim mỗi người con Việt Nam, dù trẻ hay già, dù ở miền xuôi hay miền ngược, miền bắc hay miền nam, trong nước hay nước ngoài cũng luôn hướng đến Bác Hồ với sự kính yêu và lòng biết ơn sâu sắc.

Ấn tượng trưng bày "Mỗi kỷ vật một câu chuyện" ảnh 2

Các đại biểu xem trưng bày. (Ảnh: Ngọc Anh/ VOV5)

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi qua nhiều vùng đất, tiếp xúc nhiều tầng lớp nhân dân, gặp gỡ và thân thiết nhiều chiến sĩ cách mạng, chính khách quốc tế. Phong cách giản dị, thân mật cùng tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng của Người đã thắp lên tình cảm yêu mến, cảm phục và kính trọng của nhiều bạn bè quốc tế, dù họ là nguyên thủ quốc gia, người nổi tiếng hay người dân bình thường. Tình cảm ấy đã phần nào được thể hiện ở phần hai của trưng bày mang tên "Thắm tình bạn bè quốc tế" với hiện vật là nhiều món quà nhỏ nhưng ý nghĩa, mang bản sắc dân tộc mỗi quốc gia được nhân dân thế giới gửi tặng Bác Hồ mỗi dịp sinh nhật Người, vào những ngày quốc lễ Việt Nam hay các chuyến thăm ngoại giao, công tác. Những kỷ vật như: đĩa "Tuyên ngôn La Habana" ghi âm các bài phát biểu của Chủ tịch Fidel Castro - Lãnh tụ cách mạng Cu Ba được Ðoàn Quân sự Cu Ba sang thăm Việt Nam kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 28/4/1962; cuốn sách "Buổi sáng của kỷ nguyên vũ trụ" do Anh hùng vũ trụ Liên Xô G.Titốp kính tặng Bác Hồ năm 1962; hay bộ đĩa hát được nhà báo Pháp Madeleine Riffaud kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1969, ghi âm những bài hát của ca sĩ, diễn viên Pháp nổi tiếng Maurice Chevalier mà Bác thường nghe trong thời kỳ hoạt động cách mạng ở Paris… thêm lần nữa đã khẳng định tình cảm yêu mến, ngưỡng vọng của nhân dân thế giới dành cho vị Chủ tịch kính yêu của Việt Nam.

Bất cứ ai tham quan trưng bày có lẽ đều ấn tượng với phần ba: "Hành trình kỷ vật", nơi tập trung giới thiệu những hiện vật được Bác Hồ lựa chọn làm quà tặng cho đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế thân thiết. Những món quà tuy đơn sơ, giản dị nhưng đều thiết thực với công việc, cuộc sống hằng ngày của người được tặng và đặc biệt chất chứa trong đó là tình cảm gần gũi, chân thành, sự quan tâm, thấu hiểu của vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thân thương biết mấy khi bắt gặp hình ảnh chiếc áo len gile Bác dành tặng NSƯT Linh Nhâm - người từng vinh dự nhiều lần được biểu diễn phục vụ Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cấp cao. Năm 1967, trước khi chuẩn bị vào chiến trường khu IV phục vụ bộ đội, nghệ sĩ Linh Nhâm được mời vào Phủ Chủ tịch ăn cơm cùng Bác. Bà được Bác tặng chiếc áo cùng lọ thuốc trừ muỗi và một lát sâm trắng với lời căn dặn: "Áo cháu mặc lúc lạnh, còn trong rừng rất nhiều muỗi, cháu lấy thuốc ra bôi, sâm thì cháu ngậm lúc nào thấy mệt". Vượt lên giá trị một món quà, chiếc áo ấy còn là biểu trưng của sự quan tâm, cổ vũ mà Bác dành cho đội ngũ nghệ sĩ, giúp họ vượt qua những khó khăn để thực sự là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa văn nghệ.

Cũng thật ấm áp khi ngắm nhìn bức tranh tùng-hạc Bác tặng Ðại tá L.Nordlinger trong cuộc gặp mặt diễn ra đầu tháng 10/1945 bàn việc Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện giúp đỡ Ðoàn cứu tế của Hoa Kỳ hoàn thành nhiệm vụ và quân Ðồng minh giúp đỡ Chính phủ Việt Nam vận chuyển lương thực từ nam ra bắc để giải quyết nạn đói. Bức tranh được Ðại tá Nordlinger treo ở nơi trang trọng nhất trong nhà riêng của ông tại New York. Năm 2006, nhân kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cháu dâu của Ðại tá Nordlinger đã trân trọng trao tặng lại bức tranh cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Trải qua hơn 60 năm, vượt hàng nghìn cây số, món quà từ nước Mỹ bên kia bán cầu đã trở về Việt Nam mang theo thông điệp hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng...

Những kỷ vật trong trưng bày giúp công chúng hôm nay càng trân quý những di sản của Bác, để từ đó được hun đúc tinh thần đoàn kết dân tộc, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thêm trân trọng tình hữu nghị giữa bạn bè quốc tế với đất nước, con người Việt Nam

Có một điều đặc biệt là những món quà Bác Hồ tặng đều được người nhận trân trọng suốt cuộc đời, truyền lại cho đời sau tiếp tục gìn giữ. Và theo những cách riêng, những món quà ý nghĩa ấy sau nhiều năm lại theo chân người nhận hoặc thân nhân họ trở về gần bên Người. Họ tin tưởng trao tặng lại để bảo tàng lưu giữ lâu dài, để những di sản văn hóa Hồ Chí Minh được phát huy, giới thiệu rộng rãi tới đông đảo công chúng trong, ngoài nước.

Có dịp tham quan trưng bày ở Bảo tàng Hồ Chí Minh trong chuyến công tác từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, anh Nguyễn Minh Thông, Phó Bí thư Ðoàn Thanh niên Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam không giấu nổi niềm hào hứng và xúc động. Anh chia sẻ đã có dịp về thăm quê Bác và đi tới nhiều bảo tàng lưu giữ những tư liệu, hiện vật liên quan cuộc đời, sự nghiệp của Người, song trưng bày "Mỗi kỷ vật một câu chuyện" vẫn khiến anh bất ngờ, hạnh phúc bởi được cảm nhận sâu sắc hơn về tình yêu bao la Bác dành cho nhân dân Việt Nam và thế giới thông qua góc nhìn mới từ những món quà Bác đã tặng và được tặng…

Mở cửa đón công chúng tới tham quan đến hết tháng 12/2022, những kỷ vật trong trưng bày giúp công chúng hôm nay càng trân quý những di sản của Bác, để từ đó được hun đúc tinh thần đoàn kết dân tộc, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thêm trân trọng tình hữu nghị giữa bạn bè quốc tế với đất nước, con người Việt Nam…