Người sưu tầm những kỷ vật về Bác Hồ

NDO -

Tốt nghiệp Khoa Văn, Trường đại học Khoa học Huế năm 2000, Trần Nguyễn Khánh Phong (sinh năm 1976), quê ở thị trấn Tứ Hạ, huyện Hương Trà (Thừa Thiên Huế) tình nguyện lên vùng cao A Lưới dạy học. Sau mỗi giờ lên lớp là Phong cứ lọc cọc đi xe đạp vào các bản, làng. Nhất là thời điểm nghỉ hè, Phong "khăn gói" về sống với đồng bào.

Ông Lê Xuân Rác (người bên trái) trao bức tượng Bác Hồ cho thầy giáo Phong.
Ông Lê Xuân Rác (người bên trái) trao bức tượng Bác Hồ cho thầy giáo Phong.

Mười năm qua, đôi chân của thầy giáo Phong đã in dấu hết 160 bản, làng của 21 xã thuộc huyện A Lưới. Bản xa nhất là ở xã Hương Nguyên, hay thôn La Ngà, xã Hồng Thủy, nơi giáp ranh với tỉnh Quảng Trị. Ðến bất cứ đâu anh cũng nghe, cũng hỏi, rồi cùng ăn, ở, ra nương rẫy với đồng bào. Phong quyết tâm học tiếng dân tộc và đó cũng là chìa khóa giúp anh mở các "kho tư liệu sống" của bà con dân tộc Tà Ôi. Và trong những chuyến đi ấy, Phong thường nghe bà con kể và còn giữ được nhiều kỷ vật về Bác Hồ. Từ đó, anh có ý định sưu tầm những kỷ vật của đồng bào về Bác. Phong kể: "Một dạo, tôi phát hiện ở nhà ông Lê Xuân Rắc ở xã Hồng Quảng có một bức tượng đá tạc chân dung Bác rất đẹp. Tôi ngỏ ý xin chủ nhà để sau này tổ chức trưng bày những kỷ vật về Bác, ông Rắc cũng tiếc lắm khi trao cho tôi".

Tượng Bác đã gắn bó với gia đình ông Rắc gần 30 năm trời. Theo lời kể của ông Rắc, năm 1971, một đoàn cán bộ quân bưu miền bắc hành quân qua A Lưới, nghỉ lại tại xã Hồng Trung. Một chiến sĩ đã lấy đá tại A Lưới tạc bức tượng chân dung Bác tặng cho đồng bào. Ông có được pho tượng này là do một người bạn làm ở Bưu điện A Lưới tặng lại. Từ đó đến nay, gia đình ông Rắc luôn đặt ở chỗ trang trọng nhất trên bàn thờ.

Càng đi sâu vào việc sưu tầm, Phong cảm nhận được tình cảm mà đồng bào đối với Bác. Một lần khác anh đến nhà ông Vỗ Rơi ở thôn A Liêng, xã Tà Rụt, huyện Ða Krông (Quảng Trị). Qua câu chuyện với Khánh Phong, ông Rơi hứa sẽ tặng anh kỷ vật về Bác. Ông vào nhà trong, ăn mặc chỉnh tề, thành kính lấy trong ống nứa (được đặt trên bàn thờ) một bức ảnh chân dung Bác Hồ được làm bằng vải.

Ông Rơi giải thích: "Khi Bác Hồ qua đời, Huyện ủy Hướng Hóa tặng đồng bào những bức ảnh của Bác để thờ. Suốt mấy chục năm qua, Bác là nguồn động viên vô tận với gia đình tôi. Mỗi khi các cháu làm điều gì sai, học hành trễ nải, tôi đều chỉ trên bàn thờ bảo, làm như vậy không sợ có lỗi với Bác à?". Phong đã tặng lại ông Rơi một bức ảnh Bác Hồ khác to hơn có đóng khung cẩn thận và một lá cờ Tổ quốc.

Ðối với đồng bào dân tộc thiểu số, những kỷ vật về Bác dẫu rất nhỏ nhưng vẫn là tài sản vô giá được họ trân trọng, giữ gìn. Năm 1963, trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, Bác vẫn gửi muối vào cho đồng bào A Lưới. Nhiều gia đình đi mua hũ bỏ muối vào và cất giữ  hũ muối như một kỷ vật. Sau này, gia đình ông Hồ Phờn, thôn A Vin, xã Hồng Thái đã tìm đến Phong trao hũ muối ấy. Một dạo, rong ruổi trên các bản làng để đi sưu tầm, anh được ông Quỳnh Hiền ở thôn Hợp Thành, xã A Ngo tặng cuốn sách bỏ túi có nhan đề "Ðời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh". Nội dung của cuốn sách là toàn văn Di chúc của Bác. Theo ông Hiền kể lại, khi Bác Hồ mất, ông được chính quyền địa phương gửi tặng cuốn sách này. Nó trở thành kỷ vật "gối đầu giường" của ông từ năm 1969. Ông cất kỹ trong một cái hộp thuốc cùng với những kỷ vật của ông trong kháng chiến. Khi nghe anh ngỏ ý tặng lại một vật có giá trị mà ông thích nhưng ông Hiền từ chối vì đối với ông đây là kỷ vật rất đỗi thiêng liêng. Anh hứa với ông sẽ giữ gìn kỷ vật đó cho đồng bào Tà Ôi, Pa Cô.

Suốt những năm lăn lộn khắp bản làng A Lưới, cả Ða Krông (Quảng Trị), thầy giáo Phong đã sưu tầm được rất nhiều kỷ vật nhưng anh cho rằng quả không dễ tý nào. Anh bộc bạch: "Không như những lần đi sưu tập hiện vật, nhiều người không đổi cho mình những kỷ vật của Bác. Họ luôn trân trọng, giữ gìn như báu vật trong nhà. Những lúc như vậy, mình phải kiên nhẫn, thuyết phục, thậm chí phải kỳ công đi lại nhiều lần bà con mới tặng".

Theo thầy giáo Phong, việc sưu tầm những kỷ vật về Bác Hồ đã giúp giờ giảng môn văn của thầy giáo thêm sinh động. Từ đó, các em học sinh hiểu sâu hơn tấm lòng yêu quý của đồng bào với Bác Hồ. Phong dự định sau này sẽ xây dựng một bảo tàng tư nhân để trưng bày gần 400 hiện vật phản ánh sinh động và toàn diện đời sống kinh tế-xã hội và không gian văn hóa của đồng bào dân tộc Tà Ôi ở A Lưới mà người thầy giáo trẻ đã bỏ nhiều công sức thu thập nhiều năm nay, trong đó sẽ có một gian để trưng bày những kỷ vật về Bác Hồ với đồng bào vùng cao A Lưới.