An ninh văn hóa thời kỳ công nghệ số

An ninh văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm cho phát triển văn hóa bền vững, và là một bộ phận không thể tách rời của an ninh quốc gia. Trong thời kỳ công nghệ số, với sự hỗ trợ của các thành tựu khoa học, việc lan tỏa các giá trị văn hóa trở nên nhanh chóng, thuận lợi nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho công tác bảo vệ an ninh văn hóa.

An ninh văn hóa thời kỳ công nghệ số

An ninh văn hóa được hiểu là việc bảo đảm ổn định, an toàn cho phát triển văn hóa trong đó gồm các giá trị văn hóa, các quyền tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng công tác bảo đảm an ninh văn hóa. 

Kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn mấy chục năm qua, cho thấy, trong chiến lược “diễn biến hòa bình” với Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động, cực đoan thường lấy tư tưởng-văn hóa như một trọng điểm để tấn công nhằm gây ra tình trạng “tự diễn biến” về tư tưởng, văn hóa, lối sống, từ đó dẫn đến “tự chuyển hóa” về chính trị, âm mưu làm cho chế độ chủ nghĩa xã hội dần đi chệch hướng. 

Bằng nhiều cách thức khác nhau, các thế lực thù địch không ngừng truyền bá lối sống, văn hóa ngoại lai, tư tưởng coi trọng vật chất, chạy theo lợi ích cá nhân, mưu đồ khiến người dân Việt Nam bị tha hóa, mất kết nối với các giá trị vốn là nền tảng văn hóa tinh thần dân tộc. Giai đoạn trước đây, quá trình này diễn ra âm thầm và thường diễn ra trong một thời gian dài, nhưng hiện nay với sự hỗ trợ đắc lực của internet và các phương tiện kỹ thuật khác, âm mưu “diễn biến hòa bình” trên phương diện văn hóa ngày càng công khai, nhanh chóng hơn và vì vậy cũng phức tạp, khó lường hơn.
 
Tính đến đầu năm 2022, Việt Nam có hơn 72 triệu người sử dụng internet, tương ứng với hơn 73% dân số. Nếu tận dụng tốt lợi thế này, chúng ta sẽ có cơ hội lớn trong việc xây dựng, phát triển và lan tỏa các giá trị văn hóa. Bởi công nghệ số cho phép truyền tải nhanh chóng các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc đến với cộng đồng, từ thành thị đến nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, giúp người dân có cơ hội tiếp cận, thưởng thức và sáng tạo văn hóa nhiều hơn. 

Công nghệ số trao phương tiện kỹ thuật hiện đại giúp chúng ta có thể sản xuất nhiều hơn, nhanh hơn, hấp dẫn hơn các sản phẩm văn hóa, vừa có ý nghĩa về lịch sử, xã hội vừa mang lại giá trị cao về kinh tế.

Công nghệ số hỗ trợ đắc lực cách thức quảng bá, tuyên truyền, đưa các sản phẩm văn hóa của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế một cách nhanh chóng và hiệu quả. Nhưng tỷ lệ hơn 73% dân số sử dụng internet cũng chính là mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch triển khai nhiều hoạt động chống phá như đăng tin bịa đặt, vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam, kích động chống phá, mở lớp học trực tuyến để tuyên truyền cái gọi là “xã hội dân sự”, tổ chức các diễn đàn trên mạng nhằm lôi kéo, chuyển hóa tư tưởng của người dân, trong đó có cả các cán bộ, đảng viên.

Lợi dụng những kẽ hở pháp lý về vấn đề an ninh mạng ở Việt Nam, nhất là các dịch vụ OTT (dịch vụ truyền thông được cung cấp trực tiếp đến người sử dụng thông qua internet) nằm ngoài sự kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước, những đối tượng phản động không ngừng tiến hành “diễn biến hòa bình” dưới mác cung cấp các “sản phẩm văn hóa”. 

Trên các nền tảng số, chúng tăng cường đưa các phim, ảnh, bài viết có nội dung bôi nhọ, bóp méo lịch sử dân tộc Việt Nam, các sản phẩm văn hóa lai căng làm tha hóa giới trẻ, băng hoại đạo đức xã hội. Việc đưa tin giả, xuyên tạc nói xấu cán bộ lãnh đạo, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng được thực hiện với tần suất dày đặc, trắng trợn. Đồng thời các đối tượng, tổ chức chống phá, thù địch liên tục phát tán các clip, các chương trình hòng xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận những thành quả cách mạng của nhân dân ta, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng cũng không ngừng cổ xúy cho các “giá trị” được gọi là “văn minh”, đề cao vấn đề “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền” với mục tiêu kích động phần tử chống đối trong nước và các tổ chức người Việt lưu vong ở nước ngoài hợp lực, chống phá chế độ. 

Thực tế, trên không gian mạng chúng ta đang phải đối mặt với cuộc tấn công hằng ngày, hằng giờ của các thế lực thù địch, cực đoan, thiếu thiện chí nhằm phá hoại an ninh văn hóa, an ninh quốc gia. Việc can thiệp để gỡ, xóa bỏ những nội dung xấu độc không thể dễ dàng và khó có thể thực hiện triệt để trên không gian mạng rộng lớn, khi máy chủ của các dịch vụ thường nằm ngoài biên giới quốc gia. Bởi vậy, cuộc chiến về thông tin trên mạng là một cuộc chiến hết sức cam go, hoàn toàn có khả năng gây sát thương về kinh tế, chính trị, đặc biệt là văn hóa, do văn hóa là thứ không dễ để nắm bắt, có khả năng thẩm thấu hằng ngày, hằng giờ vào mỗi cá nhân thông qua nhiều loại hình đa dạng như sách báo, phim ảnh, thông tin... 

Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, cần hết sức cảnh giác với những hệ lụy khó lường từ các sản phẩm văn hóa độc hại xuất hiện dày đặc trên mạng tác động tiêu cực tới nhận thức của người dân. Những thay đổi trong tư tưởng, văn hóa thường không dễ nhìn thấy trên bề mặt nhưng khi nó đã biểu hiện ra thì có thể gây ra những hậu quá rất nghiêm trọng. Tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên tha hóa về đạo đức, lối sống, một bộ phận thanh niên “nhiễm” tư tưởng sống gấp, hưởng thụ, thiếu lý tưởng cống hiến... đã cho thấy một phần là do các yếu tố tiêu cực về văn hóa, tư tưởng tác động từ bên ngoài. Đây là bài học để chúng ta nhìn nhận sâu sắc hơn về tầm quan trọng của công tác an ninh văn hóa.

Để bảo đảm an ninh văn hóa trong tình hình mới, đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, mà trước hết là nâng cao nhận thức về vị trí và vai trò của văn hóa trong phát triển ổn định và bền vững đất nước. Muốn như vậy, cần phải lấy con người làm trung tâm. Nâng cao tầm hiểu biết của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên về văn hóa sẽ giúp tạo ra “vắc-xin đề kháng” mạnh mẽ chống lại các tác nhân độc hại xâm nhập từ bên ngoài. 

Trong bối cảnh các đối tượng xấu không ngừng tấn công với mong muốn làm suy yếu “hệ miễn dịch” văn hóa của người dân, chúng ta càng phải tận dụng triệt để các lợi thế của công nghệ để tuyên truyền, giáo dục, phổ cập cho người dân những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam. Một cách biện chứng, muốn bảo đảm an ninh văn hóa, phải định lượng hài hòa các yếu tố mới và cũ, tức là bên cạnh sáng tạo những giá trị của hôm nay, phải không ngừng các biện pháp giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều năm qua có lúc có nơi xuất hiện tình trạng xem nhẹ văn hóa truyền thống, trong khi vội vàng, dễ dãi du nhập cái mới từ bên ngoài khiến cho bản sắc văn hóa dân tộc có nguy cơ bị phai nhạt. Do vậy, cần tuyên truyền, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa những yếu tố nòng cốt trong định hướng phát triển văn hóa của Đảng và Nhà nước để người dân thấm nhuần, từ đó có ý thức điều chỉnh hành vi ứng xử phù hợp. 

Ngoài ra, trong chiến lược về văn hóa với tầm nhìn lâu dài, cần ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó chú trọng sản xuất, sáng tạo các sản phẩm giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Sử dụng thành thục các nền tảng công nghệ số để đưa các sản phẩm văn hóa Việt Nam ra thế giới, đồng thời tiếp thu một cách có chọn lọc các tinh hoa văn hóa của nhân loại, cũng như bảo đảm quyền được hưởng thụ văn hóa của người dân; cung cấp nhiều hơn các sản phẩm văn hóa, giải trí lành mạnh, hạn chế những nội dung độc hại, lai căng, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam. 

Bảo đảm an ninh văn hóa thời kỳ công nghệ số còn thể hiện ở việc tăng cường nhiều biện pháp đấu tranh nhằm vô hiệu hóa các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên nền tảng số, quản lý hiệu quả các thông tin trên các dịch vụ OTT xuyên biên giới, hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để khi cần có thể yêu cầu xóa bỏ kịp thời những nội dung độc hại, không phù hợp, có ảnh hưởng xấu tới an ninh văn hóa và an ninh quốc gia. Cùng với đó không thể xem nhẹ công tác đấu tranh phản bác, lên án các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, các phần tử cực đoan, cơ hội chính trị để người dân hiểu rõ và tin tưởng hoàn toàn vào đường lối của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là vấn đề về văn hóa, tư tưởng. 

Văn hóa hiện diện ở khắp mọi nơi, trên mọi lĩnh vực. Nơi nào có hoạt động của con người, nơi đó có văn hóa. Luôn song hành cùng sự phát triển của quốc gia, dân tộc, văn hóa là ngọn đèn “soi đường cho quốc dân đi”, như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhìn từ lịch sử, những thay đổi về mặt xã hội thường bắt đầu từ văn hóa. Khi con người (là trung tâm của văn hóa) có những thay đổi về nhận thức, tư tưởng thì sẽ dần thay đổi hành vi, theo cả nghĩa tích cực và tiêu cực. Quản trị quốc gia sẽ khó có thể lường hết hậu quả nếu việc tổ chức, quản lý, định hướng phát triển xã hội thiếu đi bản lĩnh và sự tỉnh táo trong công tác điều hành các hoạt động về văn hóa. Không phải vô cớ các thế lực thù địch luôn thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” bắt đầu từ văn hóa. Đặc biệt, trước thực tế chống phá của kẻ thù ngày càng gia tăng trong thời kỳ công nghệ số, chúng ta không được xem nhẹ công tác an ninh văn hóa. Việc giữ vững ngọn cờ tư tưởng, văn hóa sẽ giúp cho con thuyền cách mạng Việt Nam vững vàng ra biển lớn, hội nhập với thế giới mà vẫn giữ được bản sắc riêng có của mình.