An Giang xử lý khu vực sạt lở trên Quốc lộ 91

NDO - Ngày 5/1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp tỉnh An Giang cho biết đã tiến hành xử lý khu vực sạt lở Quốc lộ 91 đoạn qua huyện Châu Phú.
0:00 / 0:00
0:00
Xử lý khu vực sạt lở đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.
Xử lý khu vực sạt lở đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.

Đây là dự án xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông Hậu đoạn qua thị trấn Vĩnh Thạnh Trung và xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang quyết định đầu tư; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp tỉnh An Giang là chủ đầu tư.

Mục tiêu của dự án nhằm khắc phục sự cố, giải quyết hậu quả do thiên tai khu vực thị trấn Vĩnh Thạnh Trung và xã Bình Mỹ, đồng thời giảm thiểu hiện tượng sạt lở đường bờ, bảo vệ cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, giúp giao thông trên Quốc lộ 91 được thông suốt, liên tục và an toàn, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội, du lịch của địa phương và khu vực. Việc xử lý cũng nhằm tạo ổn định bờ sông trong giai đoạn cấp thiết, bảo đảm an toàn dân cư phía trong Quốc lộ 91, tạo tiền đề phát triển cơ sở hạ tầng trong vùng ổn định và phát triển bền vững đời sống vật chất và tinh thần, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội cho dân sinh khu vực.

An Giang xử lý khu vực sạt lở trên Quốc lộ 91 ảnh 1
Từ khi xảy ra sạt lở, người dân trong khu vực đi lại khó khăn.

Thời gian thi công mỗi công trình dự kiến hơn 8 tháng, trong đó, dự án xử lý khắc phục sạt lở khẩn cấp bờ sông Hậu khu vực thị trấn Vĩnh Thạnh Trung có tổng chiều dài 570m, gồm 2 đoạn. Dự án khắc phục sạt lở, khôi phục mặt đường bảo đảm giao thông và gia cố phòng, chống sạt lở Quốc lộ 91 đoạn khu vực xã Bình Mỹ với tổng chiều dài 130m, gồm 2 đoạn.

Phần khắc phục sạt lở khu vực xã Bình Mỹ được thiết kế gồm dầm chân, dầm đỉnh kè và liên kết dầm chân và đỉnh bằng bê-tông cốt thép; gia cố dầm chân và dầm đỉnh kè bằng cọc khoan nhồi đường kính 60cm, khoảng cách 3m/cọc; tạo mái kè bằng cát gói vải địa kỹ thuật, gia cố mái từ chân đến đỉnh kè bằng thảm đá trên lớp vải địa kỹ thuật. Phần khôi phục mặt đường, nền được gia cố bằng cọc xi măng đất đường kính 60cm, đắp nền đường bằng cát gói vải địa kỹ thuật, mặt đường láng nhựa, tiêu chuẩn nhựa 4,5kg/m², nền đường bằng đá cấp phối trên lớp vải địa kỹ thuật.

Đây là thông tin vui đối với người dân trong khu vực sạt lở. Trước đó, Báo Nhân Dân đã đưa tin, trong tháng 8/2019 và tháng 5/2020 xảy ra sạt lở nghiêm trọng trên Quốc lộ 91 với tổng chiều dài hơn 150m đã ảnh hưởng đến đời sống 29 hộ dân trong khu vực.

Từ khi xảy ra sạt lở, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang cho mở tuyến đường tránh không qua đoạn này nhưng 2 đầu khu sạt lở đặt rào chắn cấm lưu thông qua lại khiến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, mua bán của người dân trong khu vực này bị hạn chế. Các hộ dân ở 2 khu sạt lở mong mỏi có khu tái định cư hoặc cho phục hồi lại hiện trạng 2 điểm sạt lở trên để trở lại cuộc sống bình thường.