Gia cố thất bại, đường bị "nuốt chửng"
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Châu Phú, khoảng 7 giờ 30 phút ngày 27-7, người dân phát hiện vết nứt trên tuyến quốc lộ 91 đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ. Vết nứt ăn sâu vào một phần ba mặt đường nhựa, chạy dài khoảng 30 m, chiều rộng khoảng 1 cm, lan rộng dần những ngày sau đó. Vị trí xuất hiện vết nứt cách khu vực sạt lở hồi năm 2010 trên cùng tuyến quốc lộ này chỉ hơn 100 m hướng về thượng nguồn. Ðến khoảng 6 giờ ngày 31-7 vết nứt mở rộng 22 cm, chạy dài 50 m, sụt lún 22 cm so với mặt đường nhựa. Ðến khoảng 0 giờ ngày 1-8 tình trạng sạt lở diễn ra tại khu vực nêu trên, khiến một phần ba mặt đường nhựa sạt xuống sông Hậu. Khoảng hai giờ sau, sạt lở tiếp tục diễn ra, ăn sâu vào đường và "bứng" đi phân nửa mặt đường nhựa quốc lộ 91. Sạt lở tiếp tục diễn ra từ khuya đến sáng cùng ngày khiến tổng chiều dài mặt đường bị "cuốn trôi" lên đến 85 m, hướng về phía hạ lưu.
Trước tình hình nêu trên, ngày 27-7, UBND tỉnh An Giang ban bố tình huống khẩn cấp nguy cơ sạt lở nghiêm trọng quốc lộ 91 thuộc địa phận xã Bình Mỹ. Trong đó, giao Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh An Giang và Ban quản lý dự án Ðầu tư xây dựng công trình giao thông triển khai việc lấp cát, tạo mái dốc để bảo vệ bờ đường từ nguồn kinh phí tạm ứng của tỉnh. Ðồng thời giao Sở GTVT làm việc với đơn vị chức năng khảo sát, có phương án xử lý; khẩn trương hoàn thành tuyến đường tránh dài 5 km qua khu vực sạt lở từ cầu Bình Mỹ đến cầu Cây Dương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, giải pháp hiện thời ổn định mái dốc, sử dụng bao tải cát xử lý với tổng lượng cát 34.000 m3. Ðơn vị thi công đã cho thả bao tải cát với tổng khối lượng hơn 26.000 m3 xuống sông Hậu nhằm ổn định đường bờ, gia cố mái ta-luy để khắc phục sự cố. Tuy nhiên, đến ngày 19-8, công trình đang thi công thì tất cả bao tải cát có chiều cao hơn 1 m so với mặt sông đã bị trượt sạt hết. Ðến sáng 20-8, toàn bộ mặt đường nhựa còn lại của quốc lộ 91 tại khu vực này tiếp tục sạt lở. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Trần Thanh Nhã cho biết, các vết nứt tiếp tục xuất hiện trên mặt đường, đe dọa 11 hộ dân sống gần đó. UBND huyện đã vận động các hộ dân tạm di dời đến nơi an toàn; cảnh báo người dân tránh xa vùng nguy hiểm; cử lực lượng túc trực tại hai chốt ở khu vực sạt lở. Trước đó đã có 26 hộ dân trong vùng sạt lở được vận động di dời. Tuy nhiên đến nay còn lại 42 hộ khác nằm trong vùng bị ảnh hưởng.
Sáng 21-8, tại hiện trường vụ sạt lở, mặt đường nhựa của tuyến quốc lộ 91 đã bị dòng nước sông Hậu "nuốt chửng", ăn vào sát mép sân và nhà của người dân. Từng mảng đường nhựa lớn đã bị tách rời ra, có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Bà Phạm Thị Bỉ (63 tuổi) nuối tiếc vì căn nhà của mình đã bị đổ sập theo dòng nước xiết ngay trận lở đầu tiên. Bà Bỉ kể lại: Lúc đó là nửa đêm, cả xóm bị kêu thức dậy. Tôi chạy ra khỏi nhà chẳng bao lâu thì đất bắt đầu lở. Nhà tôi chỉ kịp gỡ tôn, tháo ván. Lực lượng công an, chính quyền hỗ trợ tháo dỡ, đập bỏ, lấy được cái gì thì lấy, còn lại bị sụp hết xuống sông. Còn ông Trần Văn Ðảm có căn nhà đang nằm trong vùng nguy hiểm, cho biết: Hôm trước tôi thấy có hiện tượng nứt đường dài khoảng 4 m, ăn sâu vào khoảng 0,6 m, rồi tiếp tục lan rộng. Thời điểm đó, công nhân đang thả rọ bao cát, thổi cát lên cao thêm khoảng 1 m. Bất ngờ đoạn giữa có hiện tượng lún xuống, lập tức công nhân bỏ chạy hết lên bờ. Chỉ trong tích tắc phần cát vừa gia cố sụp xuống hết, chỉ còn thấy nước. Mấy chục năm ở đây tôi mới thấy trận lở đất kinh hoàng như vậy.
Tiếp tục tìm giải pháp hiệu quả
Sau khi xảy ra sự cố, đơn vị thi công tạm dừng thi công, phối hợp ngành chức năng khảo sát khu vực sạt lở để xử lý tiếp. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, dự án kiên cố hóa quốc lộ 91 với tổng chiều dài hơn 1.300 m bảo vệ nhà cửa cho hàng chục hộ dân, dự toán kinh phí hơn 160 tỷ đồng. Việc chống sạt lở này phải kết hợp với chỉnh trị dòng chảy. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân ban đầu được xác định là do địa hình đáy sông Hậu có lạch sâu áp sát bờ, tạo hàm ếch và tác động của các phương tiện giao thông gây ra sạt lở. Các nhà khoa học khẳng định, điều đó có phần đúng nhưng chưa đủ và chưa chuẩn xác. Nguyên nhân sâu xa là do khai thác cát. Lớp cát dưới đáy sông như phần xương sống của cơ thể, nếu không có lớp cát này thì hai bên bờ sông sẽ lở. Hiện nay, lượng cát về không đủ nên bờ biển bị xói lở dữ dội.
Chỉ hơn 15 năm qua, trên hai con sông Tiền, sông Hậu đã mất đi hơn 200 triệu tấn cát, làm cho đáy sông hạ thấp trung bình 1,3 m. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái đồng bằng sông Cửu Long phân tích: Sạt lở là khuynh hướng còn tiếp diễn, bài toán bây giờ là so sánh giữa lợi nhuận khai thác cát và tổn thất do sạt lở cùng với tái định cư, ổn định sinh kế; giữa bờ này và bờ kia, bên nào cần bảo vệ hơn; giữa phương án bảo vệ và phương án tái định cư, làm đường tránh. Phương án lấp hố xoáy là rất đắt đỏ và ngược quy luật tự nhiên, không bảo đảm an toàn về lâu dài, cần cân nhắc giải bài toán trước khi thực hiện. Riêng đối với đoạn sạt lở quốc lộ 91, cần cân nhắc thêm phương án gồm tái định cư và làm đường tránh, cần cân nhắc cẩn thận về tính khả thi kỹ thuật, giữa lợi ích và chi phí.
Phó Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn cho rằng, UBND tỉnh An Giang đã có nhiều giải pháp khắc phục vụ sạt lở, tuy nhiên những giải pháp này chưa thật sự phát huy hiệu quả. Ðể giải quyết căn cơ, về lâu dài, cơ quan chức năng cần phải có sự đánh giá tổng thể trên toàn tuyến ở cả khu vực thượng lưu, hạ lưu, bờ đối diện khu sạt lở, mặt cắt dưới sông. Ðồng thời, tiến hành điều tra kỹ lưỡng, chi tiết, quan trắc diễn biến khu vực sạt lở, từ đó đưa ra các phương án, giải pháp vừa mang tính bảo vệ vừa kết hợp chỉnh trị phù hợp. Giải pháp kết hợp vừa bảo vệ vừa chỉnh trị sẽ làm giảm tác động của hố xoáy cũng như giảm tác động tiêu cực của dòng chảy vào bờ.