An Giang và Đồng Tháp là hai tỉnh thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu được thiên nhiên ban cho mùa nước nổi hay còn gọi mùa lũ với lắm sản vật tự nhiên cùng nguồn phù sa dồi dào. Theo quy luật tự nhiên, hằng năm, cứ tháng 7 âm lịch, nước từ thượng nguồn sông Mêkông tràn về ngập các cánh đồng rồi sau đó đến tháng 11 rút dần ra sông cùng sản vật tự nhiên.
Mùa cá - mắm
Ngư dân giăng câu trên sông Hậu. |
Nước nổi về ngập các cánh đồng tại An Giang như cái nôi êm ấm cho tôm cá trú ẩn đến sinh sôi, cây thủy sinh chen nhau mọc. Vì vậy, con nước đã tạo thu nhập ổn định cho hàng nghìn người như từ đánh bắt cá đến các làng nghề làm lọp, lưới, chài… Năm vừa qua, lũ thấp và do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 người dân hạn chế đi lại nơi công cộng, tập trung đông người nên mùa cá mắm không khí trầm lắng. Năm nay, nhịp sống trở lại bình thường nên trên sông nước ngư dân người chài cá, người câu giăng, người giăng lưới.
Cá linh là nguồn lợi của ngư dân. |
Rảo quanh các chợ cá tại các địa phương, chợ nào cũng bày bán các đặc sản của mùa nước nổi như cá heo đuôi đỏ, cá khoai, cá linh, cá sơn, cá rô biển, cá trèn bầu, tép đồng… Chúng tôi chứng kiến ngư dân Phạm Văn Quân, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên kéo vó cá lên khỏi mặt nước và cứ mỗi lần kéo là bắt dính mớ cá linh, cá thiểu, cá long tong, cá trạch, tép… Quân cho biết, đang mùa cá ra sông nên các ngư dân tranh thủ gấp rút đánh bắt lúc này. Như Quân, một ngày kéo vó có thể kiếm vài chục đến cả trăm kg cá các loại. Cá linh thì Quân đem ủ mắm, còn các loại cá khác đem ra chợ bán cho bạn hàng kiếm vài trăm nghìn đồng/ngày.
Cá heo đặc sản nước nổi. |
Còn dọc theo các đường nông thôn ở thành phố Châu Đốc, thị xã Tân Châu, huyện Tri Tôn, huyện Tịnh Biên…, nhiều phụ nữ ngồi làm cá linh, cá chốt. Chị Nguyễn Thị Vân, ngụ xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc nói, thời điểm này các cơ sở thu gom cá linh, cá chốt về ủ mắm chế biến nước mắm hay làm mắm sống… nên rất cần nhân công cắt đầu cá linh, cá chốt, làm sạch nội tạng bên trong cá để khi ủ mắm cá không bị hôi dầu, bị đắng.
Chị Vân cho biết, một ngày làm công được trả từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng tùy theo làm nhiều hay ít nên mấy ngày này phụ nữ vùng nông thôn siêng năng đều có thu nhập.
Phụ nữ vùng nông thôn làm công cắt đầu cá. |
Con nước mang niềm vui đến cho nhiều người, từ làng nghề đặt lợp bắt cua, bắt cá linh, nghề sản xuất lưới câu cho đến nghề du lịch nước nổi. Mấy tuần trước, người dân ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, huyện Phú Tân lo lắng nước không về không thể làm du lịch thì nay tất bật lên kế hoạch đón du khách. Ấp Vàm Nao do vị trí đất thấp nên mùa nước nổi nào cũng ngập đường lộ ảnh hưởng đến đi lại của người dân.
Nhưng đó là chuyện xưa, còn bây giờ nông dân cùng Hợp tác xã du lịch nông nghiệp An Giang đã tận dụng dòng chảy mùa lũ yên bình để khai thác du lịch, đón du khách trải nghiệm “Trải nghiệm cùng nông dân Vàm Nao”. Mô hình này đã có từ năm 2012 giúp nông dân Vàm Nao tăng thêm thu nhập. Đến đây, du khách đi thuyền máy trên sông nước, cùng người dân trải nghiệm cuộc sống sông nước như hái ấu, mò ốc, bắt cá... và sau đó cùng người dân chế biến.
Vui buồn cùng con nước
Trong mùa lũ, ngư dân kéo vó cá kiếm được nhiều tiền. |
Khác với các năm trước, năm nay ngư dân vui buồn lẫn lộn theo những chỉ dấu bất thường, đó là tháng 6 nước đột ngột dâng cao như dấu hiệu nước nổi về sớm rồi vài ngày sau nước rút. Sau đó, đến tháng 7, nước tràn về một mầu đỏ ối đặc trưng rồi sau đó mực nước vẫn thấp. Cứ thế, cho đến tháng 8, nước vẫn lừng chừng không vào đồng nên người nghèo lo ngại thất bại mùa cá tôm thì bất ngờ đến tháng 9 nước mới dâng cao phủ trắng đồng ruộng.
Mùa nước nổi giúp ngư dân có thu nhập ổn định từ đánh bắt thủy sản. |
Những ngày này, khi về các vùng đồng quê, các chợ cá chúng tôi lấy làm lạ sao cá linh năm nay kích cỡ đủ loại vì thông thường cá linh chỉ có cùng kích cỡ? Các ngư dân và người bán hàng cá xác nhận, đúng là năm nay cá linh kích cỡ loạn xạ.
Bà Nguyễn Thị Hằng, sống bằng nghề mua bán cá sông, cá đồng tại chợ Cây Mít thuộc xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, nói: “Mấy chục năm bán cá nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy đến tháng 11 này mà có cá linh con to cỡ đầu ngón tay út, ngón tay cái. Bình thường cá linh kích cỡ đều nhau hết nhưng không biết sao mùa này lại lộn xộn hết”.
Cá khoai đặc sản mùa nước nổi. |
Ngư dân Phạm Văn Quân, ngụ xã Nhơn Hưng, lý giải: “Có thể do năm nay đợt nước về sớm trong tháng 6 mang cá linh non về theo nên cá về trước thì lớn, cá về sau thì nhỏ? Do kích cỡ cá linh khác nhau nên những ngày đầu con nước khi cá linh có giá gần cả trăm nghìn đồng kg ngư dân đều đặt dớn bắt cá linh đủ kích cỡ, còn giăng lưới chỉ bắt được cá linh cỡ gần bằng ngón tay cái nhưng số lượng ít lắm”.
Ông Tư Phong, sống bằng nghề đánh bắt cá tôm tại thành phố Long Xuyên cho biết, mùa lũ này có những bất thường như lúc trước cá sơn, cá bống son, tôm càng xanh đánh bắt được rất ít nhưng nay lại có khá nhiều, còn các loài khác như cá heo, cá trạch, cá lòng tong… lại giảm so với trước đó. Điều này làm ngư dân lo ngại liệu con nước bị xáo trộn đã ảnh hưởng đến thích nghi của các loài thủy sản.
Ngư dân sau một đêm đánh bắt được nhiều cá tôm. |
Đó là điều lo lắng chung của ngư dân và những người sống dựa vào mùa nước nổi khi con nước mỗi năm càng khó đoán. Với họ, nước nổi về mang theo nguồn lợi lớn nhất là cá linh, cá linh là thức ăn của các loài cá khác như cá lóc, cá hú, cá lăng… nên không có cá linh các loài cá khác cũng giảm số lượng theo. Với ngư dân, cá linh là “thần tài” giúp họ dư giả trong 6 tháng nước lêu bêu nên năm nào nước kém đồng nghĩa với vắng mùa cá linh là cuộc sống eo hẹp.