Triển lãm "Mùa nước nổi” của họa sĩ Ca Lê Thắng

NDO -

Từ ngày 9/12 đến 18/12, triển lãm cá nhân được ấp ủ suốt 10 năm với tên gọi “Mùa nước nổi” của họa sĩ Ca Lê Thắng diễn ra tại không gian trưng bày Art Space, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu, Hà Nội).

Hoạ sĩ Ca Lê Thắng tại lễ khai mạc triển lãm.
Hoạ sĩ Ca Lê Thắng tại lễ khai mạc triển lãm.

Triển lãm giới thiệu tới công chúng 50 bức tranh được đánh số cùng tên “Mùa nước nổi”, bên cạnh nhiều tác phẩm đặt tên theo cảnh trí đặc trưng vùng nông thôn sông nước như “Cơn giông”, “Khói đốt đồng”, “Bên dòng kênh”, “Giữa đồng”, “Cánh diều”… được thể hiện bằng phong cách bán trừu tượng. Đây là loạt tranh được họa sĩ Ca Lê Thắng sáng tác liên tục trong vòng 10 năm trở lại đây, khởi nguồn là 3 tác phẩm sơn dầu từ năm 1987: “Đồng Tháp”, “Đất thở I” và “Đất thở II”. 

Nói về triển lãm, một nhà phê bình mỹ thuật cho biết rất “ngạc nhiên và nể phục” với tài năng, sức sáng tạo và ảnh hưởng của họa sĩ Ca Lê Thắng trong nền mỹ thuật Việt Nam đương đại. Các tác phẩm này như một lời cảm tạ mà họa sĩ dành cho quê hương với nhiều cảm xúc sâu lắng.

Mùa nước nổi, hay mùa lũ tràn đồng, là mùa mà cư dân đồng bằng sông Cửu Long trông đợi, hy vọng, với đất đai hồi sinh, cá tôm trù phú. Ý tưởng này được Ca Lê Thắng theo đuổi với trên dưới 100 tấm tranh khổ lớn, được vẽ liên tục, cho thấy tác giả đã tìm được ngôn ngữ hội họa tâm đắc để duy trì mạch sáng tác của mình mà không ngại bị lặp. 

Thiên nhiên mùa nước nổi vừa là ngọn nguồn cảm hứng nghệ thuật, vừa tạo ra các chủ đề thỏa mãn phương pháp kỹ thuật và quan niệm tạo hình của Ca Lê Thắng. Đó là trời nước mênh mang nhòe ranh giới, có nhịp điệu vạch ngang của đáy, vớ lưới giăng, xiên chéo lau sậy, tầm vông, điên điển, có ngược xuôi ghe xuồng chống sào đồng cạn đồng sâu… 

Những gam màu ấm, nóng, giàu năng lượng là sự lựa chọn yêu thích của Ca Lê Thắng trong các tác phẩm. Theo liên tưởng của nghệ sĩ điêu khắc Đào Châu Hải, khi xếp những tấm tranh của Ca Lê Thắng nối nhau theo chiều ngang, ngay lập tức sẽ thấy một mảng màu lớn chạy dài, như một dòng chảy, là sóng, nước, mây trời, là chuyển động của đất bùn, phù sa, cỏ cây, đá, loang thành màu của thời gian, của thiên nhiên hoang dã,

Nhận định về các tác phẩm tại triển lãm, họa sĩ Lý Trực Sơn cho rằng: “Sau nhiều miệt mài sáng tác, thể nghiệm, phân vân, chủ đề “Mùa nước nổi” đã đến với Ca Lê Thắng. Ở mảng tranh này Ca Lê Thắng đã tìm thấy con đường riêng của mình. “Mùa nước nổi” trong tranh của ông không diễn tả mùa nước nổi như nhìn thấy, cũng không phải trừu tượng hóa cái nhìn thấy. Nó phản ánh sự hợp làm một giữa cảnh giới tâm thức của ông với cái bao la mênh mông như thuở ban sơ của quê hương ông. Tôi cũng muốn nói rằng cùng với Nguyễn Sáng, Nguyễn Hải và Nguyễn Trung, Ca Lê Thắng là một nghệ sĩ tạo hình xuất sắc. Họ rất Nam Bộ và rất Việt Nam.”

Còn họa sĩ Vũ Huy Thông thì tin rằng “Mùa nước nổi” sẽ giúp Ca Lê Thắng nhận được nhiều con mắt đồng điệu, hơn thế nữa, ông có thể tự tin vào thành tựu đã hồi sinh sung mãn và rực rỡ trong sáng tạo nghệ thuật của mình.

Họa sĩ Ca Lê Thắng sinh năm 1949 tại Bến Tre, theo gia đình tập kết ra Hà Nội năm 1955. Ông từng theo học rồi trở thành giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Sau 1975, Ca Lê Thắng làm việc tại TP Hồ Chí Minh với vai trò giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và từng giữ chức Phó Tổng thư ký thường trực Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Ông đã tham gia các triển lãm mỹ thuật nhiều quy mô ở trong và ngoài nước, đáng chú ý là: Triển lãm nhóm tranh trừu tượng (1992); Triển lãm Nhóm 10 người tại TP Hồ Chí Minh (Nguyễn Trung, Đào Minh Tri, Ca Lê Thắng, Nguyễn Tấn Cương, Đỗ Hoàng Tường, Trần Văn Thảo, Hứa Thanh Bình, Nguyễn Trung Tín, Vũ Hà Nam, Nguyễn Thanh Bình) liên tục các năm 1991, 1992, 1993, 1994, 1995; một số triển lãm nhóm tại Singapore, Hàn Quốc.