An Giang: Môi trường kinh doanh có chuyển biến tích cực nhưng chưa rõ nét

Ngày 19/6, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang tổ chức hội nghị công bố “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI)”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Theo báo cáo, chính quyền tỉnh An Giang luôn xác định việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh là động lực quan trọng để thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, kết quả đánh giá PCI và DDCI năm 2023 cho thấy, mặc dù môi trường kinh doanh của tỉnh có chuyển biến tích cực nhưng không rõ nét, chưa ổn định.

Điều đó thể hiện qua 10 chỉ số thành phần của PCI có 6 chỉ số được cải thiện điểm nhưng vẫn còn 4 chỉ số giảm điểm so với năm 2022.

Trong khi đó, kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh của 20 sở, ban, ngành và 11 huyện, thị xã, thành phố (DDCI) cho thấy, một số ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh có tác động trực tiếp đến việc đầu tư, sản xuất kinh doanh chưa được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng điều hành kinh tế.

Một vài chỉ số thành phần tiếp tục giảm điểm có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có thể nhận diện một số nguyên nhân chủ yếu, như: Việc công bố công khai văn bản chỉ đạo điều hành trên cổng, trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị đôi lúc chưa kịp thời; công tác tự kiểm tra, giám sát thực thi nhiệm vụ, công vụ nội bộ của các cơ quan, đơn vị, nhất là tại các bộ phận trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính chưa được tiến hành kiểm tra thường xuyên, liên tục nên tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp có lúc, có nơi vẫn còn, chưa được khắc phục triệt để.

Vẫn còn hiện tượng một bộ phận cán bộ, công chức khi thi hành công vụ nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, xử lý...

Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, đề nghị các cấp, các ngành của tỉnh trong năm 2024 tiếp tục tham mưu, đề xuất để tháo gỡ kịp thời những rào cản, giải quyết nhanh chóng những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện một số giải pháp cụ thể.

Theo đó, tập trung bám sát và triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực và địa phương phụ trách. Kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp một cách hiệu quả, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tránh tình trạng giải quyết các kiến nghị, khó khăn cho doanh nghiệp kéo dài, mất nhiều thời gian.

Trên cơ sở kết quả đánh giá DDCI năm 2023 được công bố, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành và địa phương thấp điểm, thấp hạng phải tự xem xét, soi rọi, đánh giá lại cách thức điều hành của mình để chỉnh sửa cho phù hợp. Từ đây về sau, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ xem đây là một trong những tiêu chí để xem xét, bình chọn thi đua khen thưởng cuối năm.