Ấn Độ lần đầu đăng cai kỳ họp của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO

Phóng viên TTXVN tại New Delhi cho biết, năm nay Ấn Độ dự kiến sẽ lần đầu tiên đăng cai và chủ trì một kỳ họp thường niên của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO, diễn đàn thường công bố các di sản mới của thế giới. Đây sẽ là kỳ họp lần thứ 46 của cơ quan quốc tế này, dự kiến diễn ra từ 21-31/7 tới.
Biểu tượng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại trụ sở ở Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Biểu tượng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại trụ sở ở Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Đại diện thường trực của Ấn Độ tại UNESCO, ông Vishal V Sharma, ngày 9/1 dẫn tuyên bố chính thức của UNESCO cho biết “tại phiên họp bất thường lần thứ 19 (UNESCO, 2023), Ủy ban Di sản Thế giới đã quyết định rằng kỳ họp thứ 46 sẽ diễn ra ở Ấn Độ”. Thời điểm và nghị trình của kỳ họp được ấn định theo đề xuất của chính quyền Ấn Độ và với sự tham vấn của Tổng Giám đốc UNESCO.

Việc trở thành tâm điểm của các cuộc thảo luận toàn cầu về bảo tồn di sản được cho là cơ hội quan trọng để Ấn Độ phát huy và quảng bá nền văn hóa rất đa dạng và bề dầy lịch sử của mình. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên một quốc gia vừa được đăng cai vừa được chủ trì sự kiện thường niên quan trọng nhất của Ủy ban Di sản Thế giới.

Cuộc họp của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO diễn ra mỗi năm một lần với sự tham gia của đại diện 21 quốc gia thành viên, và các nước có di sản được đề cử bổ sung vào danh sách các Di sản Thế giới của UNESCO. Trong kỳ họp lần thứ 45 được tổ chức vào tháng 9/2023 tại Saudi Arabia, quần thể vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà đã được UNESCO chính thức công nhận và trở thành di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.