Ấn Độ cán mốc 1 tỷ liều vaccine Covid-19 nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng dịch

NDO -

Ấn Độ đã tiêm hơn 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 tính đến ngày 21/10. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo mối nguy đại dịch vẫn chưa kết thúc tại quốc gia 1,3 tỷ dân khi có hàng triệu người vẫn chưa tiêm chủng. 

Ấn Độ đang triển khai 1 trong những chiến dịch tiêm chủng lớn nhất thế giới. (Ảnh: Reuters)
Ấn Độ đang triển khai 1 trong những chiến dịch tiêm chủng lớn nhất thế giới. (Ảnh: Reuters)

Ấn Độ đạt được dấu mốc quan trọng này chỉ sau một vài tháng ứng phó với làn sóng Covid-19 khiến hàng nghìn người thiệt mạng.

Gần 90% số vaccine được sử dụng tại Ấn Độ do Viện Huyết thanh nước này (SII) sản xuất. SII đã tăng năng suất lên hơn 3 lần kể từ tháng 4/2021 và hiện có thể sản xuất 220 triệu liều vaccine mỗi tháng.

Thủ tướng Narendra Modi chia sẻ trên Twitter: "Ấn Độ đang viết nên lịch sử... Chúng ta đang chứng kiến sự thành công của khoa học Ấn Độ, doanh nghiệp và tinh thần tập thể của (1,3 tỷ) người Ấn Độ". 

Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Đông Nam Á Poonam Khetrapal Singh ca ngợi: “Tiến bộ của Ấn Độ phải được nhìn nhận từ góc độ nước này đã có những cam kết và nỗ lực đáng khen ngợi để bảo đảm các loại vaccine giúp cứu mạng người có thể được tiếp cận trên toàn cầu".

Theo Bộ Y tế Ấn Độ, tính đến ngày 16/10, khoảng 30% người trưởng thành tại Ấn Độ đã được tiêm chủng đầy đủ, trong khi tỷ lệ mới tiêm 1 mũi là 74%. Những thống kê vừa nêu không tính đến người dưới 18 tuổi, nhóm đối tượng chiếm tới 41% dân số nhưng chưa đủ điều kiện để tiêm ngừa Covid-19. Chính phủ nước này đang đặt ra mục tiêu tiêm chủng cho toàn bộ 944 triệu người trưởng thành ngay trong năm 2021.

Trung bình trong 1 ngày bình thường, Ấn Độ tiêm khoảng 8 triệu liều vaccine ngừa Covid-19. Hiệp hội Y khoa Ấn Độ đang kêu gọi chính phủ tạm ngừng xuất khẩu vaccine cho đến khi có nhiều người dân được tiêm chủng hơn.

Chiến dịch tiêm chủng xuyên qua 2 làn sóng 

Ấn Độ đã trải qua 2 làn sóng Covid-19, làn sóng thứ nhất xảy ra trong năm 2020, tức là trước khi có vaccine. Làn sóng tiếp theo bắt đầu xuất hiện chỉ ít tuần trước khi nước này triển khai chương trình tiêm chủng đầy tham vọng vào đầu năm 2021. 

Hồi tháng 1 vừa qua, những liều vaccine đầu tiên được tiêm cho những người dễ bị dịch bệnh tấn công nhất và nhân viên trên tuyến đầu chống dịch. Đây là 1 phần của nhóm đối tượng ưu tiên tiêm chủng gồm 300 triệu người, tương đương dân số nước Mỹ. 

Cũng trong thời điểm này, hàng triệu liều vaccine AstraZeneca do Ấn Độ sản xuất được xuất khẩu sang các nước khác và chuyển tới cơ chế phân phối vaccine toàn cầu COVAX.

Trao đổi ý kiến với CNN, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Ấn Độ, Tiến sĩ J. A. Jayalal cho rằng, Ấn Độ đã đối mặt với các khó khăn, trắc trở trong giai đoạn đầu của chiến dịch tiêm chủng do không thể đáp ứng được nhu cầu rất lớn và vẫn còn nhiều sự do dự, đặc biệt là giữa những người sống ở khu vực nông thôn.

Tỷ lệ tiêm chủng vẫn ở mức thấp khi làn sóng Covid-19 thứ 2 xuất hiện vào đầu tháng 3. Cuối tháng 3, Chính phủ Ấn Độ chính thức ngừng xuất khẩu vaccine để ưu tiên tiêm chủng cho người dân trong nước.

Đến tháng 4/2021, trước khi làn sóng thứ 2 chạm đỉnh với hơn 400.000 ca mắc mới/ngày, nguồn cung vaccine đã cạn kiệt, ít nhất 5 trong số 29 bang tại Ấn Độ báo cáo tình trạng thiếu vaccine trầm trọng. Theo Bộ trưởng Y tế nước này Rajesh Tope, một số quận tại bang miền tây Maharashtra thậm chí phải tạm dừng tiêm chủng.

Đến ngày 17/9, Ấn Độ đã lập kỷ lục tiêm chủng mới với hơn 25 triệu liều vaccine/ngày. Cũng trong tuần đó, nước này đã ghi nhận dấu mốc đáng chú ý khi có hơn 60% dân số trưởng thành được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. 

Ấn Độ cán mốc 1 tỷ liều vaccine Covid-19 nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng dịch -0

Người dân xếp hàng vào siêu thị tại Mumbai, Ấn Độ, khi làn sóng thứ 2 bùng phát. (Ảnh: Reuters) 

Tuy nhiên, giống nhiều quốc gia khác, Ấn Độ có tỷ lệ tiêm chủng chưa đồng đều. Theo số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ, trong khi tỷ lệ người được tiêm ít nhất 1 liều vaccine tại nông thôn là 64% thì con số này tại thành thị là gần 35%. Thách thức trước mắt của Ấn Độ là cải thiện tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc, và quan trọng hơn nữa là tiêm chủng cho trẻ em. 

Thận trọng trước làn sóng thứ 3

Kể từ khi đại dịch bùng phát, chưa đến 1% số ca tử vong do Covid-19 tại Ấn Độ là trẻ dưới 15 tuổi. Song, một số bang đang triển khai các biện pháp đặc biệt và chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất trong trường hợp làn sóng dịch bệnh thứ 3 kéo đến. 

Vaccine đầu tiên được dùng cho thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên tại Ấn Độ là ZyCov-D do hãng dược phẩm Cadila Healthcare phát triển.

Vaccine nội địa Covaxin do Công ty Bharat Biotech và Hội đồng Nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICMR) phát triển dự kiến sẽ sớm được cấp Quyền sử dụng khẩn cấp (EUA) cho trẻ từ 2 đến 18 tuổi. Tuy nhiên, WHO vẫn chưa phê duyệt vaccine này cho cả người lớn và trẻ em. 

Trong lúc chạy đua với thời gian để tiêm chủng đầy đủ cho toàn bộ người trưởng thành, Ấn Độ đã đã quyết định mở cửa đất nước và xuất khẩu hàng triệu liều vaccine. 

Ngày 15/10, du khách nước ngoài đầu tiên đã đến Ấn Độ sau gần 18 tháng nước này đóng cửa. Ở trong nước, dự kiến hàng triệu người dân sẽ di chuyển vào các dịp lễ hội, đặc biệt là trong lễ hội ánh sáng Diwali sắp diễn ra vào tháng 11 tới.

Giới chuyên gia quan ngại hoạt động di chuyển giữa các bang và khả năng xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể gây ra làn sóng lây nhiễm thứ 3, trong đó người chưa tiêm chủng và trẻ em sẽ là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. 

Chính phủ Ấn Độ vẫn chưa công bố lệnh cấm các cuộc tụ tập tôn giáo và di chuyển giữa các bang, song hối thúc người dân giữ cảnh giác và tránh di chuyển nếu không thật sự cần thiết.

Tiến sĩ Anant Bhan, chuyên gia về chính sách và y tế toàn cầu tại TP Bhopal, Ấn Độ, đánh giá: “Rất khó dự đoán vì kinh nghiệm của toàn cầu cho thấy mọi việc có thể diễn biến xấu đi bất cứ lúc nào. Nhưng xu hướng hiện nay tại Ấn Độ rất đáng khích lệ. Số vaccine được tiêm đang ở mức cao và số ca mắc không tăng mạnh”.

Đến nay, có hơn 34,1 triệu ca mắc và 452.000 ca tử vong do Covid-19 tại Ấn Độ, phần lớn số liệu này được ghi nhận trong đợt dịch thứ 2 bùng phát từ giữa tháng 4 đến tháng 5 vừa qua.

Cuộc đua vaccine Covid-19