An dân để phát triển

Ngay từ những ngày đầu năm mới, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương gấp rút giải quyết những nhóm vấn đề tồn đọng kéo dài để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân; trong đó, có việc thành lập tổ công tác (có thể nâng lên thành ban chỉ đạo) để có đầu mối giải quyết công việc, cũng như chịu trách nhiệm trước thành phố và người dân về chức trách được phân công.
0:00 / 0:00
0:00

Một trong những vấn đề tồn đọng, kéo dài gây bức xúc trong nhân dân, kìm hãm sự phát triển của thành phố trong nhiều năm là các dự án chậm triển khai. Ðằng sau những dự án kéo dài hơn 20 năm như: Khu đô thị Bình Quới-Thanh Ða (quận Bình Thạnh), Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, khu dân cư Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), Khu công nghiệp Tây Bắc giai đoạn 2; Thảo cầm viên Sài Gòn (Củ Chi), Bắc Rạch Chiếc (thành phố Thủ Ðức)… là quyền lợi, là cuộc sống, là số phận của hàng nghìn gia đình mà hết năm này qua năm khác họ chờ đợi được "xóa treo". Nói như lời đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, người dân chờ lâu đến nỗi còn tổ chức "ăn mừng kỷ niệm" 30 năm dự án treo, rất châm biếm, khiến thành phố phải nhìn lại mình.

Quy hoạch là công cụ quan trọng để quản lý phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, nếu quy hoạch không hiệu quả hoặc không được thực thi thì sẽ dẫn đến những hệ lụy không chỉ kìm hãm sự phát triển mà còn đánh mất niềm tin của nhân dân. Ai đã từng sống trong vùng quy hoạch mới hiểu hết nỗi thống khổ của người dân. Ngoài thiếu thốn về đường, trường, trạm không được đầu tư thì dân còn phải chịu nhiều thiệt thòi khác khi nhà cửa xuống cấp khó sửa chữa, muốn bán cũng không ai mua, mọi quyền lợi về tài sản như thế chấp, vay mượn vốn làm ăn cũng bị đóng băng…

Muốn chữa được bệnh phải tìm đúng bệnh. Ðể chấm dứt tận gốc các quy hoạch không khả thi, các dự án chậm triển khai, cần quy trách nhiệm cụ thể những cá nhân, đơn vị liên quan để quy hoạch kéo dài hàng chục năm không thực hiện.

Chính vì pháp luật hiện hành chưa có bất cứ một khuôn khổ pháp lý nào điều chỉnh trách nhiệm của cơ quan lập và phê duyệt quy hoạch cho nên mới có những bản quy hoạch phóng tay, không có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn thực hiện. Trước mắt, để xử lý dứt điểm dự án chậm triển khai, thành phố cần tiến hành rà soát, phân loại tổng thể các dự án đã giao đất từ 12 tháng trở lên nhưng chưa thực hiện. Dự án nào thu hồi toàn bộ, dự án nào thu hồi một phần; phân tích các nguyên nhân dẫn đến dự án chậm triển khai, kịp thời có phương án giải quyết.

Ðối với dự án chủ đầu tư không có khả năng đầu tư hoặc có sai phạm trong quá trình triển khai thì bắt buộc phải thu hồi giao lại đất cho người dân sản xuất hoặc phải quy hoạch lại và điều chỉnh chức năng sử dụng đất. Trong quá trình thu hồi, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa thành phố, sở, ngành và chính quyền các địa phương để tránh những khiếu kiện phát sinh không đáng có. Các dự án sau khi thu hồi nhưng phù hợp quy hoạch thì cần đấu thầu, đấu giá chặt chẽ, minh bạch, thẩm tra năng lực của chủ đầu tư về vốn, về năng lực quản lý, nhân sự để lựa chọn được chủ đầu tư thích hợp.

Chỉ khi nào nguồn lực đất đai được khai thác và sử dụng hiệu quả, quyền lợi giữa người dân, nhà đầu tư, Nhà nước được hài hòa thì khi ấy các chính sách phát triển kinh tế của thành phố mới căn cơ, bền vững.