Ai Cập quyết tâm vượt khó

Trong chương trình hành động của chính phủ mới nhằm lèo lái đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly nêu bật nhiệm vụ trọng tâm là phục hưng kinh tế và ổn định chính trị. Quốc gia Bắc Phi hiện đứng trước hàng loạt sóng gió do lạm phát leo thang cùng bất ổn địa chính trị ở khu vực, đặc biệt là cuộc xung đột tại Dải Gaza và căng thẳng ở Biển Đỏ.
0:00 / 0:00
0:00
Ngũ cốc được bày bán tại khu chợ ở Cairo, Ai Cập. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngũ cốc được bày bán tại khu chợ ở Cairo, Ai Cập. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trách nhiệm nặng nề đang gây áp lực lên ban lãnh đạo mới của Ai Cập, đến mức Thủ tướng Mostafa Madbouly mô tả chính phủ mới do ông đứng đầu là “chính phủ của những thách thức”. Trước đó, trong bài phát biểu nhậm chức nhiệm kỳ thứ ba, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi cũng đánh giá đất nước đang trong giai đoạn có nhiều thách thức an ninh nhất trong nhiều thập niên qua.

Chương trình hành động của chính phủ mới dựa trên bốn trục chính, bao gồm bảo vệ an ninh quốc gia và cải thiện chính sách đối ngoại; cải thiện phúc lợi cho người dân; xây dựng nền kinh tế cạnh tranh để thu hút đầu tư; đạt được sự ổn định chính trị và gắn kết quốc gia. Thủ tướng Mostafa Madbouly cũng nêu bật một số nhiệm vụ quan trọng nữa, như đối phó thách thức do ảnh hưởng từ các cuộc khủng hoảng tại Ukraine và khu vực Trung Đông-Bắc Phi, nhất là cuộc chiến tại Gaza.

Chương trình hành động được đưa ra khoảng một tuần sau khi chính phủ mới gồm 30 thành viên, do Thủ tướng Mostafa Madbouly đứng đầu, tuyên thệ nhậm chức, trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi đang vật lộn với khó khăn, đặc biệt là cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Với mục tiêu phục hưng kinh tế, Chính phủ Ai Cập cam kết nâng mức độ tăng trưởng kinh tế trong nhiệm kỳ trước mắt lên 5%, đồng thời thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của khu vực tư nhân vào nền kinh tế.

Chương trình cũng hướng tới mục tiêu xóa bỏ khoảng cách giới tính trên thị trường lao động và đưa Ai Cập trở thành trung tâm hydro xanh vào năm 2030. Ai Cập đang đặt mục tiêu thu hút 30 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2028 và kỳ vọng trở thành một trung tâm toàn cầu về logistics và thương mại. Trong một động thái thể hiện tinh thần quyết tâm phát triển kinh tế, Chính phủ Ai Cập quyết định thành lập một số nhóm bộ trưởng để giải quyết các vấn đề về công nghiệp, kinh tế và năng lượng.

Thời gian qua, như nhiều nền kinh tế trên thế giới, nền kinh tế vốn rất mong manh của Ai Cập cũng chịu tác động mạnh từ đại dịch Covid-19 và hệ lụy từ các cuộc xung đột. Căng thẳng gia tăng ở Trung Đông đe dọa tình hình an ninh, ổn định của toàn khu vực và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Ai Cập.

Hồi tháng 4 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Phát triển kinh tế Ai Cập thông báo, doanh thu từ kênh đào Suez tính từ đầu năm 2024 đã sụt giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023 do căng thẳng ở Biển Ðỏ. Cuộc sống của khoảng 60% trong tổng số 106 triệu dân của Ai Cập ở mức dưới hoặc chạm ngưỡng nghèo. Ai Cập cũng đang cạn kiệt ngoại tệ do nguồn thu từ du lịch giảm sút và những bất ổn trên tuyến vận tải dọc kênh đào Suez. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trong giai đoạn 2013-2022, nợ nước ngoài của Ai Cập tăng từ 46 tỷ USD lên hơn 165 tỷ USD, đẩy nước này đến nguy cơ vỡ nợ lớn thứ hai, sau Ukraine.

Quốc gia Bắc Phi cũng đang đứng trước những thách thức an ninh nghiêm trọng. Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết, Ai Cập đang tiếp nhận hơn 9 triệu người di cư và tị nạn từ 133 quốc gia. Theo Thủ tướng Mostafa Madbouly, mỗi năm, Ai Cập phải chi hơn 10 tỷ USD để hỗ trợ những người tị nạn và di cư tại nước này. Các nhóm khủng bố cũng có thể lợi dụng những khoảng trống an ninh từ các cuộc xung đột ở Sudan và Gaza để tấn công các mục tiêu ở Ai Cập.

Giữ vai trò trung gian giữa các bên trong xung đột ở Gaza, Ai Cập đang tích cực thúc đẩy đàm phán, với mục tiêu sớm có một lệnh ngừng bắn. Theo giới chuyên gia, cuộc xung đột ở Gaza tạo ra nhiều thách thức, song cũng là cơ hội để Ai Cập khẳng định tầm ảnh hưởng tại khu vực. Với những chính sách mới, dư luận kỳ vọng quốc gia Bắc Phi sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.