Theo các nguồn tin, đứng đầu chính phủ mới sẽ là lãnh đạo Mullah Abdul Ghani Baradar của lực lượng Taliban.
Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức trong lực lượng Taliban cho biết, ông Baradar, người đứng đầu nhánh chính trị của Taliban, sẽ lãnh đạo chính phủ mới. Lãnh đạo tôn giáo tối cao của Taliban, Haibatullah Akhundzada, sẽ phụ trách các vấn đề tôn giáo và điều hành trong khuôn khổ đạo Hồi.
Dự kiến chính phủ sẽ bao gồm 25 bộ và một hội đồng tham vấn gồm 12 học giả Hồi giáo. Theo kế hoạch, trong vòng 6 đến 8 tháng, Hội đồng đại diện sẽ được thành lập để thảo luận về Hiến pháp và cấu trúc của chính phủ tương lai.
Ưu tiên trước mắt hiện nay của chính phủ mới sẽ là cứu vãn nền kinh tế sau nhiều thập kỷ bị tàn phá bởi chiến tranh, giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và những nguy cơ từ các nhóm cực đoan đe dọa đến an ninh và ổn định của đất nước.
Hiện có nhiều thông tin khác nhau về thời điểm chính xác công bố chính phủ mới, theo đó việc công bố sẽ diễn ra sớm nhất là trong ngày 4/9 hoặc có thể sang giữa tuần tới.
Hiện tại cộng đồng quốc tế dành sự quan tâm tới việc Taliban sẽ thực hiện ra sao những cam kết về cơ chế lãnh đạo mới. Liên hiệp châu Âu (EU) tuyên bố sẵn sàng làm việc với chính phủ mới tại Kabul, nhưng mức độ hợp tác sẽ phụ thuộc vào "thiện chí của Taliban trong việc đáp ứng một số điều kiện", trong đó có việc thành lập chính phủ chuyển tiếp thông qua đàm phán với tất cả lực lượng chính trị tại Afghanistan.
EU cũng khẳng định sẽ liên hệ với Taliban kèm theo "những điều kiện chặt chẽ", nhưng điều này không đồng nghĩa rằng EU công nhận chính phủ mới do Taliban đứng đầu. Theo đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell, EU cần phải liên hệ với chính phủ mới ở Afghanistan để hỗ trợ người dân nước này. Mức độ liên hệ sẽ tăng tùy thuộc vào những hành động thực tiễn của chính phủ mới liên quan các vấn đề chống khủng bố, tôn trọng quyền con người, luật pháp...
Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi nỗ lực chung để đưa ra quyết định về việc "hợp thức hóa" một lực lượng chính trị tại Afghanistan, đồng thời cảnh báo sẽ không có lực lượng chính trị nào để đàm phán trực tiếp nếu quốc gia này tiếp tục bị phân mảnh. Theo hãng thông tấn RIA, phía Nga đang xúc tiến tiếp xúc với các thành viên của Taliban có thể tham gia chính phủ mới tại Afghanistan.
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, chưa có kế hoạch dỡ phong tỏa đối với tài sản trị giá hàng tỷ USD của chính phủ Afghanistan, bao gồm vàng, các khoản đầu tư và dự trữ ngoại hối được cất giữ tại Mỹ. Các tài sản này đã bị Washington đóng băng kể từ sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Kabul cách đây 2 tuần.
Trong ngày 3/9, Liên hợp quốc thông báo đã nối lại các chuyến bay cứu trợ nhân đạo tới nhiều vùng tại Afghanistan, kết nối Thủ đô Islamabad của Pakistan với vùng Mazar-i-Sharif ở Bắc Afghanistan và Kandahar ở miền nam quốc gia này.
Hãng hàng không Ariana Afghan cũng thông báo sẽ nối lại các chuyến bay nội địa tại Afghanistan trong ngày 3/9, bắt đầu với chuyến bay từ Mazar-i-Sharif đến Kabul sau khi được Taliban và giới chức quản lý hàng không "bật đèn xanh".
Các tổ chức dịch vụ tài chính như Western Union và Moneygram cũng thông báo chuẩn bị nối lại các dịch vụ chuyển tiền, để người dân Afghanistan có thể nhận được tiền gửi từ người thân ở nước ngoài.
Trong khi đó, Qatar cho biết các chuyên gia của nước này đang tham gia nỗ lực thúc đẩy việc mở cửa trở lại sân bay quốc tế ở Kabul, một điểm trung chuyển trọng yếu trong mạng lưới vận chuyển cứu trợ cho Afghanistan. Ngoại trưởng Qatar ngày 3/9 đã tới Kabul để thảo luận với giới chức Afghanistan để thảo luận về kế hoạch mở lại sân bay.