Sáng 20-10, thực hiện chương trình kỳ họp, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Báo cáo nêu rõ, mặc dù phải thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid -19 nhưng thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã có giải pháp linh hoạt trong việc thu thập kiến nghị của cử tri, do đó số lượng kiến nghị của cử tri được tổng hợp gửi đến kỳ họp thứ 9 là 2.390 kiến nghị, tăng 13,7% so với kỳ họp thứ 8. Các kiến nghị của cử tri đã được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay có 2.291 kiến nghị được giải quyết, trả lời, đạt tỷ lệ 95,86%.
Giải quyết khối lượng lớn kiến nghị của cử tri với trách nhiệm cao
Trong đó, các cơ quan của Quốc hội đã tiếp nhận và trả lời 69/69 kiến nghị. Cử tri đánh giá cao việc Quốc hội đã kết hợp hình thức họp trực tuyến và tập trung, thể hiện sự đổi mới linh hoạt trong cách thức tiến hành kỳ họp, vừa bảo đảm Quốc hội vẫn hoạt động hiệu quả, vừa bảo đảm phòng, chống lây nhiễm Covid-19, đồng thời có những quyết sách kịp thời khắc phục khó khăn do đại dịch gây ra để ổn định và phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Công tác điều hành kỳ họp linh hoạt mang lại hiệu quả cao trong hoạt động của Quốc hội, nhất là trong các phiên thảo luận. Nhiều kiến nghị của cử tri được tiếp thu như: quy định nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách từ “ít nhất 35%” lên “ít nhất là 40%” tổng số ĐBQH nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội; tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19...
Một số vấn đề được cử tri, dư luận xã hội quan tâm như: quy hoạch phát triển điện lực; đưa khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phục hồi và phát triển nền kinh tế, khắc phục tác động của đại dịch Covid-19; đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập; an ninh trật tự; công tác tư pháp... đã được Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tổ chức nghiên cứu, xem xét.
Đối với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, tiếp nhận 2.265 kiến nghị của cử tri, đã giải quyết, trả lời 2.166 kiến nghị, đạt tỷ lệ 95,63%. trong đó: 1.786 kiến nghị được giải trình, cung cấp thông tin; 91 kiến nghị đã giải quyết xong; còn 289 kiến nghị đang được xem xét, giải quyết.
Trong bối cảnh phải tập trung chỉ đạo phục hồi, phát triển kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra nhưng Chính phủ, các Bộ, ngành đã tập trung xem xét, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri với trách nhiệm cao. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm và yêu cầu các Bộ, ngành tiếp thu ý kiến giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khẩn trương xử lý, giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cử tri, những nguyện vọng chính đáng của cử tri. Theo đó, một khối lượng lớn kiến nghị của cử tri đã được nghiên cứu, tiếp thu giải quyết và trả lời.
Đáng chú ý, một số vấn đề cử tri đã kiến nghị nhiều lần chưa được giải quyết dứt điểm tại một số kỳ họp trước, nay đã được xem xét, giải quyết tại kỳ họp này, như: có giải pháp xử lý hữu hiệu nhằm ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư điện tử rác; khắc phục tình trạng ngập úng khi trời mưa tại các cống chui qua đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đoạn qua địa bàn huyện Việt Yên; thực hiện phương án chi trả tiền gửi hợp pháp cho người gửi tại các Quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, trong đó có Quỹ tín dụng nhân dân xã Hoằng Đồng (Thanh Hóa).
Rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị, không để lân sang nhiệm kỳ sau
Báo cáo cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri vẫn còn một số hạn chế. Điển hình như việc số Bộ, ngành chưa giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đúng thời hạn.
Cụ thể, đến nay vẫn còn 99 kiến nghị gửi đến kỳ họp thứ 9 chưa được giải quyết, trả lời. Vì vậy, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chưa có thông tin để kịp thời báo cáo với cử tri khi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 10. Do đó, kiến nghị các Bộ, ngành khẩn trương xem xét, giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số văn bản trả lời chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị; kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết do còn có sự không thống nhất về trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước; một số Bộ, ngành mặc dù chậm trình ban hành hoặc ban hành văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền nhưng khi trả lời cử tri vẫn không có lộ trình cụ thể để giải quyết kiến nghị của cử tri; vẫn còn xảy ra việc ban hành văn bản hướng dẫn chưa phù hợp với quy định của Luật hoặc ban hành quy định không thống nhất nên không triển khai được trên thực tế.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát các lĩnh vực: ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tư pháp, đặc biệt là những vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn.
Các Đoàn ĐBQH, ĐBQH thường xuyên cập nhật và giải đáp ngay với cử tri các thông tin liên quan đến quá trình xây dựng, thảo luận, tiếp thu, chỉnh lý và thông qua các dự án luật; các chế độ, chính sách đã được ban hành và các kiến nghị của cử tri đã được giải quyết, trả lời từ các kỳ họp trước; tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện các lời hứa của các bộ, ngành trong các văn bản trả lời cử tri; nâng cao hơn nữa chất lượng tổng hợp kiến nghị của cử tri.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế như đã nêu trên; rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, hạn chế chuyển kiến nghị chưa được giải quyết sang kỳ họp sau hoặc nhiệm kỳ sau.