Hưởng ứng Ngày thế giới nhận thức về chứng tự kỷ 2-4, dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” giới thiệu tới các phụ huynh, người chăm sóc, nuôi dưỡng và kỹ thuật viên can thiệp tài liệu Hướng dẫn “Chơi cùng con”. Đây là tài liệu thuộc phợp phần của bộ tài liệu “Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ tại Việt Nam” thuộc dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam”.
Chương trình do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đồng khởi xướng, tài trợ kinh phí thực hiện trong năm năm.
Tài liệu Hướng dẫn “Chơi cùng con” được biên soạn nhằm cung cấp các thông tin về tự kỷ và kỹ năng chơi, hướng dẫn cha mẹ phát triển kỹ năng chơi của con qua các giai đoạn như cảm giác - vận động, chơi khám phá - điều khiển, chơi chức năng, chơi hợp tác… Toàn bộ cuốn tài liệu được thể hiện phần lớn bằng tranh vẽ, cùng các từ khóa cốt lõi đi kèm giúp cha mẹ dễ đọc, dễ hiệu và tiếp cận đúng cách, để có thể hướng dẫn con chơi vui vẻ, giúp con được can thiệp ngay tại gia đình.
Cấu trúc của tài liệu được trình bày theo nguyên tắc từ hiểu đúng cho đến can thiệp đúng, từ dễ cho đến khó. Vì vậy, nhóm tác giải khuyến khích cha mẹ nên đọc từ những trang đầu để có hiểu biết đúng và tốt nhất về tự kỷ và kỹ năng chơi, sau đó mới xem xét, học tập và làm theo các nội dung can thiệp được giới thiệu. Với cha mẹ đã có hiểu biết sâu sắc về vấn đề của con, có thể tiếp cận từ các can thiệp dựa trên chơi và lựa chọn nội dung mà cha mẹ muốn chơi cùng con để bắt đầu.
Dự án sẽ dành tặng 7.000 cuốn tài liệu cho các phụ huynh có con tự kỷ và người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tự kỷ, với số lượng một cuốn/người.
Rối loạn phổ tự kỷ (sau đây gọi tắt là tự kỷ) là một dạng rối loạn phát triển thần kinh, khởi phát vào giai đoạn phát triển đầu đời và được đặc trưng bởi hai nhóm suy yếu chính là: khó khăn, hạn chế trong tương tác, giao tiếp, chia sẻ mang tính xã hội; các hành vi, sở thích hạn hẹp và định hình lặp lại.
Tự kỷ có thể đi kèm với các dạng rối loạn khác như: Rối loạn phát triển trí tuệ, rối loạn cảm giác… Do đó, trẻ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và các hoạt động chức năng khác như vui chơi, học tập…
Để có thể cung cấp sự chăm sóc và giáo dục tốt nhất đến sự phát triển của trẻ tự kỷ, bên cạnh việc chuẩn bị tối đa các nguồn lực như chăm sóc và tài chính, sự quan tâm và dạy dỗ của cha mẹ là điều kiện không thể thiếu.
Tự kỷ là một trong những dạng rối loạn phức tạp, chưa xác định được nguyên nhân cụ thể, nên không dễ để quá trình tác động hay can thiệp có thể dẫn đến sự thay đổi tích cực. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và can thiệp đúng hướng, đúng cách, trẻ tự kỷ vẫn có thể phát triển và rút ngắn khoảng cách so với những trẻ cùng trang lứa khác. Trong can thiệp trẻ tự kỷ, phương pháp can thiệp dựa trên chơi là một trong những cách thức tốt nhất để tiếp cận và hòa mình vào “thế giới” của trẻ.
Tự kỷ ngày càng phổ biến với tỷ lệ chẩn đoán ở trẻ tăng lên qua từng năm ở tất cả các nước và khu vực trên thế giới. Việt Nam chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ, nhưng theo thống kê sơ bộ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nước ta có khoảng 200 nghìn người mắc chứng tự kỷ. Trong thực tế, số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị tự kỷ ngày càng tăng từ năm 2000 đến nay.