Từ sau phong trào Ðồng khởi ở miền nam vào năm 1960, Mỹ-ngụy tăng cường lực lượng, khí tài để dồn dân lập ấp chiến lược hòng tách dân ra khỏi Đảng. Chúng tổ chức hàng loạt chiến dịch lớn như “Sóng tình thương”, “Ðức Thắng 1”, “Ðức Thắng 2”, “Lê Lợi” để đánh phá mạnh vào các vùng căn cứ.
Trong tình thế ấy, thực hiện nghị quyết của Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy và Quân khu 9 xác định Cà Mau là địa bàn điểm để triển khai chiến dịch phá “quốc sách ấp chiến lược” mà Mỹ-ngụy đang ráo riết thực hiện. Chi khu Ðầm Dơi và Cái Nước được lựa chọn làm điểm mở màn của chiến dịch nhằm tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, hỗ trợ quần chúng nổi dậy, mở rộng vùng giải phóng nam Cà Mau.
Đại tá Lê Quang Luật, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau kể lại, để chuẩn bị tiến đánh chi khu Đầm Dơi và Cái Nước, lực lượng ta xây dựng kế hoạch hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa bộ đội địa phương, du kích, dân quân cùng với bộ đội chủ lực. Việc tiến đánh được giữ bí mật để giành lợi thế bất ngờ. Đúng như kế hoạch, lúc 0 giờ 40 phút ngày 10/9/1963, ta nổ súng tiến công chi khu Cái Nước.
Chỉ trong 1 giờ chiến đấu, ta đã tiêu diệt và bắt sống gần như toàn bộ quân địch. Thời điểm này, chi khu Ðầm Dơi được báo động nên giặc tăng cường cảnh giác. Vì vậy, ta không còn yếu tố bất ngờ nên ém quân chờ thời cơ. Ðến 4 giờ 10 phút sáng cùng ngày, khi địch lơi lỏng cảnh giác, ta đã nổ súng tiến công và giành thắng lợi nhanh chóng. Sau khi đánh chi khu Ðầm Dơi xong, trên đường lui quân, Tiểu đoàn U Minh và các lực lượng phối hợp tiếp tục đánh quân tiếp viện, tiêu diệt hơn 100 tên, gây tổn thất lớn cho địch.
Thất bại ở 2 chi khu nêu trên, Mỹ-ngụy gia cố phòng thủ ở các cứ điểm còn lại, đặc biệt là cứ điểm Chà Là nằm giữa các chi khu Đầm Dơi, Cái Nước và Đầm Cùng, khống chế đường thủy Cà Mau-Năm Căn. Đây là cứ điểm rất quan trọng được địch xây dựng kiên cố, với hệ thống phòng thủ liên hoàn, vững chắc, bố trí lực lượng mạnh cả về quân số và khí tài quân sự.
Theo kế hoạch tiến công, đúng 0 giờ ngày 23/11/1963, ta nổ súng tấn công cứ điểm Chà Là và làm chủ toàn bộ cứ điểm này sau hơn 3 giờ chiến đấu. Quyết không để mất Chà Là, 8 giờ ngày 24/11/1963, địch sử dụng trực thăng, cho quân đổ bộ bằng đường không để phản công. Từ bài học Chiến thắng Ấp Bắc, ta phục kích chờ máy bay địch đến để “đánh bồi, đánh nhồi” và bắn rơi 4 chiếc, số còn lại phải tháo chạy. Cuộc đổ quân chi viện lần thứ nhất của địch xem như thất bại. 2 lần chở quân đổ bộ của địch sau đó bằng trực thăng vào lúc 12 giờ 30 và 14 giờ cùng ngày bị bộ đội ta bắn cháy đến 19 máy bay các loại và ta giành thắng lợi hoàn toàn.
Trong vòng nửa tháng, với sự phối hợp, hỗ trợ của lực lượng bộ đội chủ lực Quân khu 9, lực lượng vũ trang và nhân dân Cà Mau đã giáng cho Mỹ-ngụy liên tiếp 3 đòn sấm sét, tiêu diệt hoàn toàn chi khu Đầm Dơi, Cái Nước và cứ điểm quân sự quan trọng Chà Là. Tiêu diệt và bắt sống hơn 1.000 tên địch, bắn hạ hàng chục máy bay các loại, phá hủy nhiều đồn bốt, mở rộng vùng giải phóng, thu được một lượng lớn vũ khí, quân trang, quân dụng của địch.
Nhớ lại trận đánh năm xưa, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Văn Khởi (thường gọi Năm Khởi), ngụ Khóm 2, Phường 5, thành phố Cà Mau cho biết, khi ấy ông là bộ đội thuộc Tiểu đoàn U Minh. Trận đánh vào năm 1963 ở Cà Mau, hiệu suất chiến đấu của quân ta rất cao, cứ điểm Chà Là trở thành “mồ chôn” máy bay địch và quân nhảy dù.
Theo đánh giá từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau, Chiến thắng Ðầm Dơi-Cái Nước-Chà Là được tổng kết là 1 trong 7 chiến thắng lớn nhất của miền nam trong năm 1963. Ðây cũng là lần đầu tiên, miền nam tiêu diệt được 2 chi khu cùng thời điểm. Riêng trận cứ điểm Chà Là, ta tiêu diệt được nhiều máy bay địch nhất lúc bấy giờ.
Chiến công vang dội này đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc trong phong trào đấu tranh cách mạng của Ðảng bộ, dân và quân Cà Mau sau Ðồng khởi, từ đây mở màn cho phong trào các lực lượng vũ trang đánh vào chi khu khác của địch; cổ vũ mạnh mẽ phong trào phá ấp chiến lược của địch trên khắp chiến trường Cà Mau. Vùng giải phóng của Cà Mau cũng dần được mở rộng với 17 xã ở nam Cà Mau và hàng chục xã Bắc Cà Mau, giúp xã liền xã, huyện liền huyện; bảo vệ được khu căn cứ cách mạng và tạo thêm nhiều nguồn lực cho kháng chiến.
Trong diễn văn ôn lại quá khứ hào hùng cách đây 60 năm, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải khẳng định: Chiến thắng Đầm Dơi-Cái Nước-Chà Là có tầm vóc, ý nghĩa lịch sử to lớn, trực tiếp góp phần làm phá sản cái gọi là “quốc sách ấp chiến lược” của Mỹ-ngụy trên toàn miền nam; làm phá sản chiến thuật “trực thăng vận” và góp phần làm thất bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.