55 năm Chiến thắng Đăk Tô và tâm nguyện của những người lính

55 năm đã trôi qua nhưng ký ức về chiến dịch Đăk Tô 1 và trận đánh Điểm cao 875 lịch sử của những người tham gia cuộc chiến vẫn nguyên vẹn. Bất chấp sự tàn bạo của vũ khí hiện đại và sức mạnh kỹ thuật quân sự, bất chấp cái giá phải trả, những chiến sĩ giải phóng quân đã chiến đấu với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Với những người lính Mỹ còn sống sót sau những trận giao tranh đẫm máu, đến hôm nay vẫn đang khắc khoải tự hỏi, vận may nào đã cứu họ thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
0:00 / 0:00
0:00
Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm (đầu tiên bên phải), cựu chiến binh Nguyễn Cao Phong (ở giữa) thăm lại chiến trường Đăk Tô.
Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm (đầu tiên bên phải), cựu chiến binh Nguyễn Cao Phong (ở giữa) thăm lại chiến trường Đăk Tô.

Chiến dịch Đăk Tô 1 diễn ra từ ngày 3 đến 22/11/1967, được phía Mỹ xem là một trong những cuộc đụng độ nghiêm trọng nhất trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Theo truyền thông phương Tây, trong chiến dịch Đăk Tô 1 năm 1967, đã có 16.000 lính Mỹ tham chiến chống lại 6.000 quân Bắc Việt.

Sau 20 ngày đêm chiến đấu liên tục, quân giải phóng đã đánh 66 trận, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2.500 tên địch, loại bỏ Lữ đoàn dù 173 Mỹ, bắn rơi, bắn cháy 32 máy bay, phá hủy 13 xe các loại, 19 pháo 105mm, thu 71 súng và 16 máy vô tuyến điện. Riêng trận đánh then chốt ở khu vực Điểm cao 875, từ ngày 18 đến 22/11, Trung đoàn 174-Sư đoàn 1 đã tiêu diệt một tiểu đoàn, một đại đội Mỹ, thu 18 súng R15 và tám máy vô tuyến điện.

Đây là trận đánh tiêu hao sinh lực địch nhiều hơn bất kỳ trận đánh nào trước đó, hơn thế đó là những đơn vị thiện chiến nhất của Mỹ, đồng thời phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại. Chiến thắng Đăk Tô 1 năm 1967 đã khiến địch choáng váng, khiếp sợ cách đánh mới và tinh thần anh dũng của cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng miền nam Việt Nam.

Ngay sau khi chiến dịch kết thúc, đài BBC của Anh đã bình luận: “Lữ đoàn dù 173 Hoa Kỳ là đơn vị sừng sỏ chưa từng biết thua trận, lần đầu tiên đã tháo chạy trước Việt Cộng”. Ngày 29/11/1967, Báo Quân đội nhân dân đăng xã luận, trong đó có đoạn viết: “Chiến thắng Đăk Tô đã ghi thêm vào trang sử quyết thắng của dân tộc ta những nét vàng son chói lọi… là một trong những chiến thắng lớn nhất mở đầu Đông-Xuân quyết thắng 1967-1968 của miền Nam Anh hùng”.

Cựu chiến binh Nguyễn Cao Phong (81 tuổi, Hà Nội), nguyên pháo thủ đại đội hỏa lực-Trung đoàn 174, đơn vị được giao nhiệm vụ đánh trận cao điểm 875 kể: “Chúng tôi hành quân mất 105 ngày mới vào đến chiến trường Tây Nguyên. Nhiều đồng đội đã phải nằm lại dọc đường do bị ốm, tai nạn, sốt rét ác tính. Ngay sau ngày có mặt tại chiến trường, chúng tôi nhận nhiệm vụ đánh trận đầu tiên ở Đăk Pét.

Trận đánh cao điểm 875, tôi có nhiệm vụ nạp đạn pháo, cùng pháo thủ số 1 Màu Tiến Dưỡng đánh hỏa lực vào mục tiêu để dọn đường cho đại đội bộ binh tấn công. Hai bên giao chiến ác liệt, phía địch thương vong lớn. Quân Mỹ điều máy bay phản lực và B52 rải bom san phẳng cả đồi 875. Nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh trong trận đánh đó”.

Chúng tôi hành quân mất 105 ngày mới vào đến chiến trường Tây Nguyên. Nhiều đồng đội đã phải nằm lại dọc đường do bị ốm, tai nạn, sốt rét ác tính. Ngay sau ngày có mặt tại chiến trường, chúng tôi nhận nhiệm vụ đánh trận đầu tiên ở Đăk Pét.

Cựu chiến binh Nguyễn Cao Phong

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng ký ức về những trận đánh sinh tử trên chiến trường Tây Nguyên vẫn in hằn trong trí nhớ Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm, nguyên Phó Cục trưởng Cục Tác chiến-Bộ Tổng tham mưu: “Đơn vị tôi được lệnh xuất kích, vừa tiếp cận, vừa nắm địch, pháo địch vãi đạn vào đội hình chúng tôi.

Lúc chúng tôi đang ngụp lặn trong rừng khoọc và cỏ dại ngập đầu người, phải phạt cây, rẽ cỏ tiến từng bước, bỗng phát hiện những cái mũ sắt nhấp nhô gần trước mặt. Tôi nhanh chóng ra lệnh trung đội đồng loạt nổ súng. Cả khu rừng đang im ắng trong chạng vạng sương mai, bỗng âm vang vô vàn tiếng nổ.

Bọn lính Mỹ đáp trả chúng tôi bằng hàng loạt lựu đạn, xả súng, phi pháo yểm trợ. Khói bụi mịt mù, mùi thuốc súng khét lẹt đậm đặc, ngạt thở khiến một vùng rừng núi như bốc lửa. Chúng tôi lợi dụng ụ mối, gốc cây để ém quân và nổ súng. Đồng chí xạ thủ trung liên bị trúng đạn, trước khi hy sinh anh còn thì thào nói với tôi: Anh lấy súng của tôi tiến lên trả thù cho tôi…

Tôi chỉ kịp vuốt mắt cho đồng đội rồi lấy khẩu súng từ tay anh lao lên nổ súng chi viện cho đồng đội đang tiến về phía trước. Cái nhìn và lời trăng trối của người xạ thủ ấy như một mệnh lệnh giao nhiệm vụ cho tôi khiến tôi luôn tâm niệm: Không sợ hy sinh, quyết chỉ huy đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, trả thù cho những đồng đội đã hy sinh.

Trận đánh mỗi lúc càng ác liệt, quân số thương vong tăng lên… Lúc trận địa tạm ổn, thấy cánh tay phải nhói đau và máu thấm ra áo, tôi mới biết mình bị thương.

Trong chiến dịch Đăk Tô 1, tiểu đoàn tôi đối đầu với Lữ đoàn không vận số 1 của Mỹ. Chúng đổ hàng nghìn quân xuống các cao điểm để chiếm giữ và ngăn chặn tiêu diệt quân ta. Trận đánh vô cùng ác liệt, kéo dài suốt tám tiếng đồng hồ. Cả một vùng chiến trường bị cày xới ngổn ngang…

Sau 20 ngày đêm liên tục chiến đấu ác liệt, giành giật với quân Mỹ từng mỏm đồi, ngọn núi, quân ta đã giành thắng lợi, làm thất bại hoàn toàn chiến lược “Tìm diệt” của Mỹ.

Ngày trở lại mảnh đất của những tháng năm nằm gai nếm mật với biết bao trận chiến cam go, những trận sốt rét ác tính bào mòn sức lực của tuổi trẻ, Đại tá Đinh Quốc Kỳ nhớ lại: “Đầu tôi trọc lốc vì rụng hết tóc, hai đầu gối lồi ra to hơn bắp đùi, hai tay hai gậy đỡ tấm thân chỉ còn da bọc xương, cân nặng cả áo quần mới được hơn 30kg. Nhưng chúng tôi đã trải qua biết bao trận đánh, đụng đầu với đủ loại quân Mỹ sừng sỏ. Những giải phóng quân mang đầy bệnh tật, đói cơm, lạt muối vẫn kiên gan, bền chí đánh quân thù”.

Những chiến công trên chiến trường năm xưa đều được đánh đổi bằng máu xương của các anh hùng liệt sĩ. Như lời Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm chia sẻ: “Chiến công thì nhiều nhưng hy sinh mất mát cũng rất lớn. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống chiến trường Tây Nguyên, trong chiến dịch Đăk Tô 1 năm 1967 có hàng nghìn liệt sĩ. 55 năm đã qua đi, những người còn sống chúng tôi vẫn canh cánh trong lòng, chưa làm gì để đền đáp các anh. Thời gian cho chúng tôi không còn nhiều vì những người lính mười chín, đôi mươi năm xưa giờ đều ở cái tuổi thất thập rồi”.

Chiến công thì nhiều nhưng hy sinh mất mát cũng rất lớn. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống chiến trường Tây Nguyên, trong chiến dịch Đăk Tô 1 năm 1967 có hàng nghìn liệt sĩ. 55 năm đã qua đi, những người còn sống chúng tôi vẫn canh cánh trong lòng, chưa làm gì để đền đáp các anh.

Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm

Có một thực tế là, Điểm cao 875 và các điểm cao khác liên quan đến Chiến thắng Đăk Tô 1 sau hơn nửa thế kỷ vẫn chưa được quy hoạch di tích lịch sử. Trong Văn bản số 252, ngày 1/2/2021, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum có ghi: “Điểm cao 875 mang đậm dấu ấn lịch sử riêng về quân sự, ngoại giao nhưng chưa được đánh giá một cách khách quan, toàn diện, tương xứng với vị trí, mối quan hệ trong tổng thể các chiến dịch và chiến thắng quân xâm lược Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên. Tại nơi này có thể xây dựng bia tưởng niệm, bia chiến thắng hoặc tượng đài để tri ân, giáo dục truyền thống “dám đánh, biết đánh, quyết đánh, đánh thắng” quân Mỹ xâm lược”.

Từ năm 2016, Ban liên lạc Hội bạn chiến đấu cựu chiến binh Sư đoàn 1 đã có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng đề xuất xây dựng tượng đài chiến thắng tại Điểm cao 875-Đăk Tô 1, thuộc huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum để tri ân chiến công và sự hy sinh của quân giải phóng miền nam Việt Nam, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho các thế hệ mai sau.

Tháng 12/2021, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, nguyên Chính ủy Sư đoàn 1, thay mặt Ban liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 1 có văn bản đề nghị UBND tỉnh Kon Tum xem xét quyết định và triển khai xây dựng công trình tưởng niệm Chiến thắng Đăk Tô 1-Điểm cao 875 và các điểm cao lân cận. Tại văn bản này ghi: “Việc xếp hạng di tích lịch sử và xây dựng công trình tưởng niệm là hết sức cấp thiết bởi sự kiện đã diễn ra hơn nửa thế kỷ, vì lý do nào đó đã bị quên lãng. Hiện nay chứng tích đang bị mai một, nhân chứng đã bị mất dần, nếu không kịp thời làm ngay thì sẽ bị lãng quên”.

Ngày 26/1/2022, UBND tỉnh Kon Tum có Quyết định số 45/QĐ-UBND xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Tô 1 năm 1967 và Điểm cao 875, thuộc xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Qua khảo sát của các cơ quan chức năng, hiện trạng di tích còn nhiều hầm trú ẩn, hố bom, hầm chiến đấu cá nhân, hệ thống giao thông hào, nhưng không còn hiện vật và các công trình xây dựng khác, chỉ còn là địa điểm ghi dấu sự kiện lịch sử. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cũng đã lên phương án bảo vệ di tích gốc cho một số vị trí của di tích Điểm cao 875 và các cụm điểm cao trong chiến dịch Đăk Tô 1 năm 1967.

Sau chiến dịch Đăk Tô 1, pháo thủ Nguyễn Cao Phong được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Một con người “chân trần, chí thép”, trải qua biết bao trận đánh sinh tử, trong đó năm lần ông được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, ba lần danh hiệu “Dũng sĩ diệt Ngụy”, nhưng khi nhắc đến trận đánh Đăk Tô 1 năm 1967 và Điểm cao 875, ông bật khóc nức nở, nước mắt giàn giụa. Ông nhớ đến những khoảnh khắc chứng kiến đồng đội hy sinh, bị thương nặng, chịu nhiều đau đớn trước khi hy sinh. Chính ông cũng không hiểu vì sao mình sống sót. Nhiều năm qua, ông lập riêng một ban thờ các đồng đội đã hy sinh. Trên ban thờ có treo bốn bức di ảnh chân dung của bốn liệt sĩ, mà ông kể là những đồng đội đã nhập ngũ cùng ngày, cùng đơn vị, cùng chiến đấu với ông và hy sinh.

Dù đã bước qua tuổi 80, nhưng cựu chiến binh Nguyễn Cao Phong vẫn sẵn sàng lên đường trở lại chiến trường năm xưa để thắp hương tưởng nhớ, tìm kiếm hài cốt những đồng đội còn nằm lại nơi này. “Nhiều năm qua, tôi mong mỏi tại khu vực di tích Chiến thắng Đăk Tô 1 và Điểm cao 875 có nhà tưởng niệm và bia ghi danh các liệt sĩ đã hy sinh để đồng đội, thân nhân liệt sĩ và nhân dân về đây thắp hương tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ ”-cựu chiến binh Nguyễn Cao Phong xúc động chia sẻ ■