Nếu như tại thời điểm tháng 9/2023, với 13.773 người được khám sức khỏe, tình hình sức khoẻ của người cao tuổi phân bố như sau: Bệnh cao huyết áp: 7.199 người, chiếm tỷ lệ 52,27%, trong đó, số người mới được phát hiện qua quá trình khám sức khỏe là 1.025 người (7,44%); bệnh đái tháo đường: 2.070 người, chiếm tỷ lệ 15,03%, số người có chỉ số đường huyết cao mới được phát hiện qua quá trình khám sức khỏe là 2.060 người (14,96%), những người này sẽ tiếp tục được xét nghiệm máu lần 2 lúc đói để chẩn đoán xác định đái tháo đường;
Bệnh hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính: 367 người có tiền sử hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, chiếm tỷ lệ 2,66%, qua khám sức khỏe phát hiện mới 168 trường hợp nghi hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (1,22%); ung thư 170 người có tiền sử ghi nhận mắc bệnh ung thư, chiếm tỷ lệ 1,23%, qua khám sàng lọc phát hiện 360 người (2,61%) có dấu hiệu nghi ngờ ung thư và được giới thiệu bệnh viện tuyến trên để chẩn đoán xác định.
Dữ liệu khám sức khoẻ người cao tuổi đã giúp Ngành Y tế nhận diện được mô hình bệnh tật của người cao tuổi đang sinh sống trên địa bàn thành phố. Quan trọng hơn, hoạt động khám sức khoẻ sẽ cung cấp nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng cho việc xây dựng hồ sơ sức khoẻ điện tử của người dân.
Cập nhật tại thời điểm tháng 9/2024, với 233.051 người cao tuổi được khám sức khoẻ, tình hình sức khoẻ của người cao tuổi phân bố như sau: bệnh cao huyết áp: 134.288 người, chiếm tỷ lệ 57,6%, trong đó, số người mới được phát hiện qua quá trình khám sức khỏe là 32.847 người (14,1%); bệnh đái tháo đường: 54.217 người, chiếm tỷ lệ 23,3%;
Bệnh hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính: ghi nhận có 1,9% người cao tuổi có tiền sử mắc bệnh hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và 0,9% người cao tuổi có dấu hiệu nghi ngờ hen phế quản hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; bệnh ung thư: tiền sử ung thư mắc ung thư chiếm 1% và có dấu hiệu nghi ngờ ung thư 1,9%.
Tháng 8 đã có 50.604 người cao tuổi được khám sức khoẻ. |
Bệnh cạnh đó, trong đợt khám sức khỏe, thành phố triển khai khảo sát đánh giá mức độ trầm cảm, lo âu và đánh giá chất lượng cuộc sống. Cụ thể là: có 0,26% người cao tuổi có mức độ trầm cảm, lo âu từ vừa đến nặng; 17,6% người có dấu hiệu tiền suy yếu, 1,3% người có dấu hiệu suy yếu; 2,3% người cao tuổi có nguy cơ té ngã; 2,2% người cao tuổi có các hoạt động sống cơ bản hằng ngày cần người khác hỗ trợ (tắm, mặc quần áo, ăn uống, vệ sinh, tiêu tiểu, di chuyển) và 7,9% người cao tuổi có các hoạt động sinh hoạt hàng ngày cần người khác hỗ trợ (khả năng sử dụng điện thoại, mua sắm, chuẩn bị thức ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ.....).
Ủy ban nhân dân xã phường, thị trấn gửi giấy mời đến từng người cao tuổi trên địa bàn, giấy mời cần ghi rõ, đầy đủ họ tên người cao tuổi, ngày tháng năm sinh, thời gian, địa điểm khám sức khỏe… Định kỳ hàng tháng đối chiếu danh sách (đã khám, chưa khám) để thực hiện vận động đúng đối tượng. Căn cứ số người cao tuổi chưa được khám sức khỏe trên địa bàn để huy động nguồn lực, thành lập thêm các tổ khám sức khỏe nhằm bảo đảm kịp thời tiến độ trong những tháng còn lại của năm 2024
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh
Theo đó, để đạt được chỉ tiêu 80% người cao tuổi được khám sức khỏe và sàng lọc bệnh không lây theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, trong 3 tháng cuối năm 2024, các địa phương cần phải đẩy nhanh tiến độ khám sức khỏe người cao tuổi.
Triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho y tế cơ sở
Qua báo cáo của các quận, huyện, tính đến ngày 31/8 có 5 quận, huyện có tỷ lệ khám sức khỏe cao nhất là: Bình Chánh (47,8%); Cần Giờ (45,8%); quận 11 (30,8%); Phú Nhuận (28,7%); quận 4 (26,9%). Bên cạnh đó, 5 quận, huyện có tỷ lệ khám sức khỏe còn rất thấp là: Bình Tân (10,4%); Tân Phú (10,9%); Tân Bình (11,0%); quận 1 (11,0%); quận 12 (11,5%).
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thành lập các đoàn khảo sát ngẫu nhiên một số người cao tuổi trên địa bàn về công tác khám sức khỏe người cao tuổi. |
Sở Y tế cho biết, Sở đã đề nghị Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc, Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn về khám sức khỏe người cao tuổi đang sinh sống trên địa bàn bảo đảm đầy đủ và đúng tiến độ theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố đề ra; đồng thời chỉ đạo các cơ sở khám sức khỏe thực hiện đầy đủ các nội dung khám sức khỏe theo hướng dẫn của Sở Y tế nhằm bảo đảm chất lượng và quyền lợi của người cao tuổi.