Chiều 25/8, tại Hà Nội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022-2027.
Với chủ đề: “Xây dựng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày càng vững mạnh, phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước”, Đại hội XI có nhiệm vụ đánh giá kết quả công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ nhiệm kỳ 2017-2022, chỉ ra những hạn chế, khó khăn, rút ra những bài học kinh nghiệm; xác định mục tiêu, phương hướng công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ nhiệm kỳ 2017-2022.
Đồng thời, Đại hội sẽ thông qua Tờ trình về việc tiếp tục thực hiện Điều lệ Hội; kiểm điểm hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2017-2022; Bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra Trung ương Hội khóa XI, nhiệm kỳ 2022-2027; Suy tôn Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa XI.
Đại hội vinh dự đón các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội Trung ương và địa phương; lãnh đạo tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố là chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ các địa phương; đại diện Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, các Hội quốc gia tại Việt Nam, đại diện các đoàn ngoại giao, các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, chức sắc tôn giáo.
Trong khuôn khổ Đại hội, sẽ diễn ra các hoạt động, như: các đại biểu tham dự Lễ báo công dâng Bác và vào lăng viếng Bác; Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam gặp mặt 80 đại biểu tiêu biểu toàn quốc; Chủ tịch nước tiếp đoàn đại biểu quốc tế; tổ chức Triển lãm “Hệ sinh thái nhân đạo”; tôn vinh 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2022.
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, nhiệm kỳ 2017-2022, tổng trị giá hoạt động toàn Hội đạt 23.128 tỷ đồng (gấp hơn 2,36 lần tổng trị giá hoạt động nhiệm kỳ Đại hội IX); tỷ suất hoạt động đạt trung bình 10,3 lần, thiết thực trợ giúp trung bình hằng năm 18,3 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tổn thương.
Các phong trào, cuộc vận động, các nhiệm vụ trọng tâm của Hội được triển khai thiết thực, gắn với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững tại địa phương, cơ sở và thích ứng trong bối cảnh Covid-19; không ít mô hình mới, hiệu quả xuất hiện, có sự lan tỏa rộng khắp. Vận động chính sách được coi trọng; công tác chỉ đạo, điều hành có đổi mới; công tác truyền thông, vận động nguồn lực, hợp tác quốc tế trong hoạt động nhân đạo có bước phát triển; việc quản lý các nguồn thu của Hội được thực hiện đúng quy định…
Trong nhiệm kỳ tới, Hội xác định hai khâu đột phá, đó là: Vận động chính sách liên quan đến tổ chức và hoạt động Hội, chủ trì cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên xây dựng cơ chế phối hợp trong hoạt động nhân đạo; Phát triển mạnh mẽ lực lượng tình nguyện viên, hình thành mạng lưới tổ, nhóm thiện nguyện trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo.