Đến dự, có đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, PGS, TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Ngài Pranay Verma, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam; cùng đông đảo các diễn giả, nhà khoa học tham dự diễn đàn.
Hội thảo khoa học quốc tế 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ấn Độ: Nhìn lại và Hướng tới nhằm nhìn lại lịch sử 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ấn Độ, phân tích sự phát triển của quan hệ Việt-Ấn trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật và an ninh-quốc phòng; đánh giá thành tựu, thách thức trong quan hệ Việt Nam-Ấn Độ và dự báo triển vọng phát triển của mối quan hệ này trong bối cảnh địa chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp; đề xuất những giải pháp, kiến nghị, chủ trương chính sách mới, những hình thức hoạt động mới, phù hợp góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam-Ấn Độ lên tầm cao mới.
Chương trình hội thảo diễn ra hai phiên. Phiên thứ nhất: Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ trong bối cảnh mới; Phiên thứ hai: Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ hướng tới tương lai.
PGS, TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết: Mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ dựa trên nền tảng và sự hội tụ về mối liên kết lịch sử và văn hóa lâu đời, các giá trị và lợi ích tương đồng và sự hiểu biết lẫn nhau cũng như cam kết chung đối với luật pháp quốc tế, có lòng tin chiến lược, có sự chia sẻ chung về lợi ích; hỗ trợ lẫn nhau trong các cơ chế và diễn đàn khu vực và quốc tế.
Năm 2022 là thời điểm kỷ niệm 20 năm đối thoại cấp cao ASEAN-Ấn Độ, 30 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại đầy đủ ASEAN-Ấn Độ và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ Việt Nam-Ấn Độ. Trong bối cảnh đó, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ đang phát triển theo “một chuẩn mực mới”, hướng tới “Tầm nhìn chung về hòa bình, thịnh vượng và con người” dựa trên giá trị và lợi ích chung, sự tin tưởng và hiểu biết về chính trị.
Điều này đã được thể hiện qua sự phát triển mối quan hệ sâu rộng của hai nước thông qua 7 trụ cột chính hiện nay: Quan hệ chính trị, đối tác quốc phòng và an ninh, đối tác kinh tế, đối tác phát triển, đối tác công nghệ, giao lưu nhân dân và giao lưu văn hóa và hợp tác đa phương và khu vực. Có thể nói 7 trụ cột này đã tạo nên một nền móng vững chắc cho tình hữu nghị của Việt-Ấn bất chấp thế giới có nhiều biến động phức tạp với sự nổi lên của các nhân tố địa chính trị và địa kinh tế mới.
Về thực trạng và sự phát triển quan hệ song phương và đa phương Việt Nam-Ấn Độ trong 50 năm qua, có thể thấy rằng, đây là một trong những đối tác tin cậy nhất, có truyền thống lâu đời, sát cánh bên nhau, khía cạnh nổi bật nhất trong quan hệ giữa Việt-Ấn là quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia chưa trải qua bất cứ một giai đoạn “đứt gãy” nào.
Về quan hệ chính trị-chiến lược, quan hệ Việt Nam-Ấn Độ là mối quan hệ có bề dày lịch sử và liên tục, bền vững nhất. 50 năm qua, quan hệ hai nước không ngừng được phát triển và không có điểm nghẽn, ngày càng có nhiều các đoàn trao đổi cấp cao, có sự tương đồng trong quan điểm về thách thức toàn cầu, ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các văn bản có tính cam kết ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Biển Đông. Về quan hệ kinh tế, 50 năm qua ghi nhận nhiều thành tựu nổi bật. Về hợp tác an ninh quốc phòng, đây dược xem là trụ cột chiến lược trong quan hệ hai nước.
Đến nay, hợp tác quốc phòng của Ấn Độ với Việt Nam trở nên đa dạng và đạt được những bước tiến rõ rệt được thể hiện qua các cơ chế chung, cơ chế tham vấn dược thế chế hóa giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng và ba quân chủng và lực lượng bảo vệ bờ biển, hợp tác công nghiệp quốc phòng, các dự án phát triển, các tổ chức và chương trình đào tạo, xây dựng năng lực trên một số lĩnh vực như khoa học công nghệ, năng lượng hạt nhân, các khoản đầu tư đáng kể từ Ấn Độ cho Việt Nam, nâng cao năng lực công nghệ thông tin; giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc, các cuộc tập trận chung...
Cả hai nước đều là đối tác chiến lược chia sẻ các giá trị chung về các vấn đề khu vực và quốc tế quan tâm, các chương trình như vậy giúp xây dựng lòng tin, là giá trị cơ bản không thể thiếu cho bất kỳ hình thức hợp tác song phương nào. Về quan hệ văn hóa-giáo dục-khoa học kỹ thuật: Cùng với sự phát triển của các quan hệ chính trị, kinh tế, hợp tác về văn hóa giáo dục và khoa học kỹ thuật cũng là một lĩnh vực ngày càng có tầm quan trọng hơn trong quan hệ song phương giữa hai quốc gia.
Tuy nhiên, mối quan hệ Việt Nam-Ấn Độ vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Sự thiếu hụt thông tin về đất nước của nhau; hạn chế về kết nối cơ sở hạ tầng cứng và hạ tầng mềm; những khác biệt về văn hóa, tôn giáo, tâm lý và thói quen cũng tạo ra những trở ngại nhất định trong quá trình hợp tác giữa hai bên. Vấn đề Biển Đông vừa là cơ hội đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho cả hai phía.
Hội thảo sẽ tập trung vào những nội dung chính sau đây: Chủ trương, chính sách của Việt Nam trong đối ngoại với Ấn Độ và việc thực hiện chủ trương chính sách đó trong 50 năm qua; chủ trương, chính sách của Ấn Độ trong quan hệ đối với Việt Nam từ năm 1947 đến nay; những nhân tố tác động đến quan hệ Việt-Ấn trong quá khứ và hiện tại; những phát triển mới, đặc điểm mới và sự hội tụ mới trong quan hệ Việt Nam-Ấn Độ trong bối cảnh địa chính trị thế giới hiện nay; thực trạng, thành tựu, thách thách/khó khăn của quan hệ Việt Nam-Ấn Độ sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trên tất cả các lĩnh vực: chính trị-chiến lược, kinh tế, an ninh-quốc phòng, kinh tế, văn hóa-giáo dục; những tính toán chiến lược của Việt Nam và Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và triển vọng hợp tác song phương, đa phương Việt Nam-Ấn Độ; những ảnh hưởng của quan hệ Việt-Ấn đến hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại của cả hai nước; kết nối về văn hóa-văn minh Việt Nam-Ấn Độ; kết nối cơ sở hạ tầng cứng và hạ tầng mềm song phương và da phương Việt-Ấn; khả năng tham gia của Việt Nam vào chương trình sản xuất tại Ấn Độ; sự tham gia của Việt Nam, Ấn Độ và hợp tác Việt-Ấn trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu bối cảnh hậu đại dịch Covid-19; tình hình nghiên cứu Ấn Độ học tại Việt Nam...
Ngoài ra, Hội thảo cũng phân tích vấn đề thực tiễn dang cần sự định hướng, như: những thách thức mà cả Việt Nam và Ấn Độ cùng phải đối mặt, như những hậu quả của dại dịch Covid-19, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng, chủ nghĩa bảo hộ, biến đổi khí hậu, vấn đề an ninh lương thực, vấn đề Ukraine...
Về triển vọng quan hệ hai nước, hiện nay, sự trỗi dậy của Ấn Độ và sự vươn lên của Việt Nam dang mở ra nhiều không gian hợp tác cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, đặc biệt hai nước có sự chia sẻ về giá trị và lợi ích chung như: đều có tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, lực lượng dân số trẻ; đều là quốc gia có ưu thế về sức mạnh hàng hải góp phần trong hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; đều ủng hộ trật tự thế giới đa cực; đều ủng hộ chủ nghĩa đa phương cải cách; đều tôn trọng luật pháp quốc tế, trật tự dựa trên quy tắc; đều tìm kiếm giải pháp hòa bình cho những bất đồng; chủ nghĩa dân tộc ở hai quốc gia không hướng nội mà là chủ nghĩa quốc tế, sẵn sàng gánh vác các trách nhiệm khu vực và toàn cầu dựa trên nguyên tắc tự lực tự cường và tự tôn dân tộc.
Về các ưu tiên trong tương lai trong quan hệ Việt Nam-Ấn Độ, trên cơ sở sự hội tụ lợi ích giữa hai nước, thời gian tới, hợp tác hai nước tập trung vào: Kết nối (hạ tầng cứng và hạ tầng mềm); tăng cường thương mại, chuỗi cung ứng mới; đối tác phát triển và cam kết các mục tiêu phát triển bền vững; hợp tác công nghiệp quốc phòng; quan hệ đối tác mới với các trọng tâm ưu tiên: an ninh mạng, an ninh hàng hải, sẵn sàng phục hồi sau thảm họa; hợp tác công nghệ: truyền thông, vũ trụ, hạt nhân dân dụng, năng lượng tái tạo, kinh tế kỹ thuật số.
Việc nhìn lại những thành tựu, thách thức, của mối quan hệ Việt Nam-Ấn Độ sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đồng thời đánh giá triển vọng thông qua xác định những khó khăn còn tồn đọng trong quan hệ giữa hai nước là vấn đề rất cần thiết và cấp thiết. Mặc dù cả hai quốc gia đang đóng một vai trò quan trọng trong bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhưng dưới bối cảnh toàn cầu đang thay đổi nhanh, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ cần được củng cố, phát triển và mở rộng hơn nữa.
Hội thảo khoa học quốc tế 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ấn Độ: Nhìn lại và hướng tới nhằm nhìn lại lịch sử 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ấn Độ, phân tích sự phát triển của quan hệ Việt-Ấn trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật và an ninh-quốc phòng; đánh giá thành tựu, thách thức trong quan hệ Việt Nam-Ấn Độ và dự báo triển vọng phát triển của mối quan hệ này trong bối cảnh địa chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp; đề xuất những giải pháp, kiến nghị, chủ trương chính sách mới, những hình thức hoạt động mới, phù hợp góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam-Ấn Độ lên tầm cao mới.