Sông Bến Hải và sông Thạch Hãn ở tỉnh Quảng Trị gắn liền với 2 Hiệp định lịch sử của đất nước, đó là Hiệp định Geneva năm 1954 và Paris năm 1973 trong những tháng năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành lấy nền độc lập dân tộc. Đằng đẵng 20 năm trời, có lẽ cầu Hiền Lương-sông Bến Hải không hề muốn trở thành biểu tượng của sự chia cắt hai miền bắc-nam. Còn sông Thạch Hãn cũng không bao giờ muốn mình trở thành "dòng sông máu" trong chiến dịch 81 ngày đêm chống quân đội Mỹ và chế độ miền nam cũ phản kích tái chiếm Thành Cổ năm 1972.
Từ bến đò Tùng Luật trên sông Bến Hải
Từ cầu Hiền Lương về xuôi về sông Bến Hải theo phía biển khoảng 7km thì đến bến đò Tùng Luật nằm ở bờ bắc, thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Tùng Luật vốn là một bến sông bình yên đầy thơ mộng. Thế nhưng, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và chính quyền miền nam cũ, nơi đây đã chứng kiến trọn vẹn nỗi đau chia cắt hai miền, chứa đựng biết bao xương máu của chiến sĩ, đồng bào để đổi lấy độc lập, tự do cho dân tộc. Từ những năm 1956-1965, bến đò Tùng Luật là nơi tập kết và vận chuyển của những chuyến đò xuyên màn đêm, bí mật đưa chiến sĩ, cán bộ chủ chốt vào nam hoạt động.
Sau đó bến đò Tùng Luật có tên gọi là bến đò B, một mật danh xuất phát từ yêu cầu phục vụ chiến trường miền nam. Cụ ông Nguyễn Xuân Lý năm nay 80 tuổi, nguyên là Đại đội trưởng Đại đội dân quân Tùng Luật, trực tiếp chỉ huy chiến đấu ở bến đò Tùng Luật nhớ lại, đơn vị dân quân Tùng Luật có 2 nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Giai đoạn 1964-1972, bến đò B là một trong những điểm bí mật của đường dây vận tải sông-biển làm nhiệm vụ đưa đón, vận chuyển cán bộ, bộ đội, vũ khí vượt sông Bến Hải vào nam chiến đấu; đưa thương binh ra bắc điều trị; đưa bộ đội, lương thực, vũ khí ra đảo Cồn Cỏ.
Bến đò này trở thành nút giao thông vô cùng quan trọng, vì có địa thế thuận lợi, khúc sông hẹp, gần đường bộ, cửa biển. Chỉ từ 1968-1972 đã có 1,5 triệu lượt bộ đội; 400 nghìn lượt dân quân, du kích; 30 nghìn lượt hàng hóa; ngày cao điểm có 145 chuyến đò vận chuyển 21 nghìn người qua lại bến đò phục vụ chiến đấu bất chấp sự đánh phá khốc liệt có tính hủy diệt của đối phương với các phương tiện bom B52, pháo các loại, thủy lôi… Có nhiều gia đình ở Tùng Luật hai, ba thế hệ cùng sánh vai, cầm chèo tải đạn. Anh ngã xuống em lên thay, anh hi sinh đã có em tiếp bước. Chỉ hơn 4 năm, tại bến đò này có 36 trong số 60 liệt sĩ là con em của Tùng Luật đã ngã xuống, máu và thịt hòa với dòng sông; hơn 40 người đã gửi lại một phần thân thể của mình. Sự hy sinh của họ đã làm bến đò B đóng trọn vai trò của mình.
Ông Trần Văn Nhớ năm nay 75 tuổi, là em ruột của liệt sĩ Trần Văn Quên, hy sinh tại bến đò B, bùi ngùi: “Gia đình có hai anh em trai, anh Quên dũng cảm hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại bến đò để bảo vệ quê hương, đất nước. Tôi không vì thế mà chùn chân, quyết tâm cầm súng thay anh trai, bước lên phía trước cùng bà con tiếp sức cho miền nam”.
Thật xúc động chúng tôi được gặp ông Trần Đức Thắng, lúc ấy mới 13 tuổi đã tham gia lái đò đưa thương binh, bộ đội từ bến đò qua sông Bến Hải được tặng danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ. Năm nay, ông Thắng đã 69 tuổi, nhớ lại, ngày ấy các bậc cha, chú suốt ngày đêm đưa thương binh, bộ đội qua sông nhưng vẫn không kịp phục vụ chiến trường miền nam. Nhiều hôm thấy bộ đội và thương binh vượt sông dưới mưa bom bão đạn nên ông Thắng quyết tâm, dũng cảm chèo thuyền đưa bộ đội kịp qua sông đến điểm tập kết an toàn.
Bí thư Chi bộ thôn Tùng Luật Lê Văn Tân cho biết, bến đò Tùng Luật nay đã trở thành di tích lịch sử quốc gia. Làng Tùng Luật những ngày này như ngày hội mừng quê hương giải phóng, đất nước thống nhất. Những người còn lại trong Đại đội dân quân Tùng Luật tập trung tại hội trường thôn để ôn lại quá khứ hào hùng của người dân Tùng Luật cũng như của đất nước. Đại đội liên tục được bổ sung quân số với hơn 100 người hôm nay còn sống chưa đến 50 người, người trẻ nhất 69 tuổi, người già nhất gần 90 tuổi. Về bến đò Tùng Luật bây giờ khung cảnh thật thanh bình với hàng dừa soi bóng xuống dòng sông yên ả. Người dân trong thôn rủ nhau thong thả đi bộ hóng mát ở công viên được con cháu tạo dựng rất thanh bình.
Đến bến đò ngang sông Thạch Hãn
Từ bến đò Tùng Luật ở bờ sông Bến Hải đến bến đò ngang bên sông Thạch Hãn cách nhau chưa đầy 50km nhưng để được đi lại tự do trên đoạn đường như hôm nay thì cả dân tộc phải chiến đấu ròng rã suốt 20 năm mới thống nhất được đất nước. Sông Thạch Hãn đoạn chảy qua thị xã Quảng Trị có các bến vượt với các chuyến đò ngang qua lại hai bờ. Năm 1972, trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị và giai đoạn 81 ngày/đêm (28/6 đến 16/9/1972) chống phản kích tái chiếm Thành cổ Quảng Trị, bến sông Thạch Hãn trở thành điểm tập kết quan trọng trên tuyến vận chuyển bí mật bằng đò đưa bộ đội, vũ khí vào thị xã Quảng Trị, trong đó có Thành cổ Quảng Trị.
Những ngày này chúng tôi tìm về gặp cha con người lái đò trên sông Thạch Hãn năm 1972 để hiểu thêm về câu chuyện bi hùng của dòng sông hoa lửa hay là dòng sông máu.
Bà Nguyễn Thị Thu năm nay 68 tuổi nhớ lại, năm đó bà mới 18 tuổi, vừa vào du kích được khoảng 3 tháng thì nhận được nhiệm vụ làm giao liên, cùng bố chồng chèo đò chở bộ đội, vũ khí cùng lương thực vượt sông Thạch Hãn chi viện cho Thành cổ và thị xã. Cuộc chiến tranh ngày đó diễn ra vô cùng ác liệt, đế quốc Mỹ và chính quyền miền nam cũ dốc toàn bộ lực lượng với vũ khí hiện đại hòng chiếm lại thị xã Quảng Trị.
Để đưa bộ đội bí mật vào bảo vệ thị xã Quảng Trị cũng như Thành cổ một cách nhanh nhất chỉ có một con đường là dùng đò vượt sông Thạch Hãn. Thời gian đó, đoạn sông này từ xã Triệu Long, xã Triệu Giang, xã Triệu Thành đã trở thành tuyến đường huyết mạch đưa quân giải phóng vào chiến trường.
Bố chồng chị Thu làm nghề cào hến trên sông Thạch Hãn nên thông thuộc mọi chỗ nông sâu khúc sông này. Hai bố con chị không ngại nguy hiểm, gan dạ suốt ngày đêm chèo đò bí mật đưa bộ đội vượt sông, nhiều hôm bị máy bay đối phương rượt đuổi sát trên đầu. Suốt 81 ngày/đêm, không biết bao nhiêu lần bố con chị suýt chết vì bom đạn nhưng vẫn cầm chắc tay lái đưa bộ đội và vũ khí sang sông, rồi quay ngược đò chở thương binh về hậu phương.
Câu chuyện thật bất ngờ. Ở chiến trường này, khi phóng viên ảnh chiến trường Đoàn Công Tính chụp được bức ảnh cha con người lái đò ông Nguyễn Con và cô con dâu Nguyễn Thị Thu đang đưa bộ đội sang sông Thạch Hãn. Bức ảnh lịch sử ghi lại hình ảnh một cụ già rắn rỏi đang chèo đò với nụ cười hào sảng bên một thiếu nữ trẻ tay ôm chắc súng và hàng chục chiến sĩ bộ đội giải phóng tươi cười được trưng bày ở Bảo tàng Thành cổ.
Sau một thời gian dài vẫn chưa ai biết được cha con người lái đò còn sống hay đã qua đời bởi chiến tranh khốc liệt. Tình cờ vào năm 1992, một người tham quan bảo tàng phát hiện người con gái trong ảnh là chị Nguyễn Thị Thu, đang còn sống cùng gia đình ở khu phố 4, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong. Từ đây, tên tuổi chị Thu và ông lão lái đò được nhiều người nhớ lại với bao cảm xúc trân trọng.
Từ thành phố Thái Nguyên, cựu chiến binh Phạm Văn Hùng vui mừng khi biết được ân nhân của mình, cô du kích lái đò năm xưa vẫn còn sống. Ông Hùng kể, suốt mấy tháng tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị và bảo vệ Thành cổ, như nhiều đồng chí, đồng đội, ông bị thương nặng, phải đưa ra bắc điều trị. Ngoài các vết thương nặng thì ông Hùng còn vết thương ở mắt nên hôm ấy chỉ hé nhìn thoáng thấy ông lão và một thiếu nữ ôm súng chèo đò đưa ông cùng các thương binh sang bến phía bắc của sông Thạch Hãn an toàn.
Đất nước hòa bình, thống nhất, ông Hùng tiếp tục học đại học rồi tốt nghiệp ra trường về công tác ở Nhà máy gang thép Thái Nguyên. Ông cũng như nhiều cựu chiến binh khác luôn biết ơn bố con ông lão chèo đò. Sau khi kết nối gặp được chị Thu qua điện thoại, ông Hùng đã vào Quảng Trị thắp hương cho ông lão chèo đò cũng như thăm gia đình chị Thu. Ông tha thiết mời vợ chồng chị ra bắc an dưỡng rồi đưa chị thăm lăng Bác Hồ, cây đa Tân Trào… Nhận lời, vợ chồng chị Thu ra Thái Nguyên thăm gia đình ông Hùng nhưng chỉ ở lại được 3 ngày rồi xin trở về quê vì chị và chồng chưa bao giờ đi xa nên nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ nghề cào hến mỗi ngày trên sông Thạch Hãn của chị. Cũng từ đó đến nay, ông Hùng đã nhiều lần vào Quảng Trị thăm lại gia đình chị Thu, thăm chiến trường xưa để thắp hương cho đồng đội đã anh dũng ngã xuống trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.
Quảng Trị đã đi qua chiến tranh 50 năm. Hôm nay dòng sông Bến Hải, Thạch Hãn bình yên chở nặng phù sa trù phú. Mỗi con nước chảy xuôi đều réo gọi mùa màng, no đủ, sum vầy, thịnh vượng và yêu thương. Xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh nơi có bến đò Tùng Luật trở thành xã nông thôn mới, là miền quê nổi tiếng với những người con thành đạt từ học hành và cống hiến. Thị xã Quảng Trị đang quyết tâm trở thành đô thị loại III vào năm 2025 và hướng đến đô thị vì hòa bình. Sự chân tình, hiền hòa, cởi mở của người dân càng tôn vẻ đẹp cho thị xã thêm yêu kiều bên bờ sông Thạch Hãn.
(Còn tiếp)