5 biện pháp nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm giết người

NDO - Thời gian gần đây, tình trạng tội phạm giết người với tính chất côn đồ, dã man có những diễn biến phức tạp trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trước tình hình trên, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an đã thông tin về một số giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa những vụ án giết người nghiêm trọng trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an.
Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an.

Thời gian qua tại một vài địa phương đã xảy ra một số vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng gây xôn xao dư luận, như: Vụ Giáp Thị Huyền Trang (sinh năm 1996, quê Bắc Giang) bắt cóc và giết bé gái ở huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội để đòi tiền chuộc 1,5 tỷ đồng.

Vụ đối tượng Tạ Duy Khanh (sinh năm 1985, quê Thái Bình) sát hại, phân mảnh thi thể nạn nhân phi tang ở sông Hồng. Vụ nghi phạm Nguyễn Văn Hiệp (sinh năm 1986, quê Thái Nguyên) sát hại bạn gái tại cửa hàng thời trang ở Bắc Ninh rồi tự tử.

Vụ Giàng A Lư (sinh năm 1995, ở huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) dùng dao đâm vợ tử vong. Vụ Sùng A Sú (sinh năm 1990, ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) giết vợ rồi tự tử.

Xác định tội phạm giết người là loại tội phạm có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, sự bình yên cuộc sống của nhân dân, Bộ Công an đặc biệt quan tâm triển khai các biện pháp phòng ngừa, để kịp thời ngăn chặn từ sớm, không để xảy ra các vụ thảm án, các vụ án giết người nghiêm trọng; đồng thời triển khai quyết liệt các biện pháp tấn công, truy bắt, xử lý nghiêm minh để tạo sức trấn áp răn đe.

Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, thời gian tới, để tiếp tục đấu tranh, phòng chống có hiệu quả hơn với tội phạm giết người, Bộ Công an sẽ đẩy mạnh các biện pháp:

Tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền giải quyết tốt những vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động; nâng cao chất lượng giáo dục học đường theo hướng cân bằng, coi trọng đồng bộ giữa giáo dục văn hóa và xây dựng nền tảng đạo đức.

Tăng cường năng lực cho lực lượng Công an cấp xã để chủ động nắm tình hình kịp thời, phát hiện, giải quyết sớm các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, nhất là mâu thuẫn về tranh chấp đất đai, vay mượn tài sản... Phát huy vai trò các tổ hòa giải, các tổ chính trị-xã hội; không để xảy ra các mâu thuẫn bức xúc, kéo dài dẫn đến giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.

Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn dân cư, nhất là người có tiền án, tiền sự, người nghiện ma túy tại cộng đồng. Phối hợp các đơn vị chức năng đưa người mắc bệnh tâm thần vào các cơ sở điều trị, phối hợp quản lý chặt chẽ người bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Phối hợp các ban, ngành ở địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân, nhất là pháp luật về hình sự, dân sự, hôn nhân, gia đình, phòng, chống bạo lực học đường. Chú trọng truyền thông trên các cổng thông tin đại chúng, trang mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở; huy động sự tham gia của các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, người có uy tín trong cộng đồng dân cư... để phối hợp tuyên truyền phòng ngừa tội phạm giết người.

Bộ Công an cũng chỉ đạo đẩy mạnh công tác điều tra, xử lý các vụ án giết người, nhất là các vụ án được dư luận xã hội quan tâm, không để tồn đọng các vụ án giết người không rõ thủ phạm.