45 năm xây dựng và phát triển Trường đại học Y Thái Bình

45 năm trước đây, ngày 23-7-1968, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 114/CP thành lập Phân hiệu Ðại học Y khoa Thái Bình. Mười năm sau, ngày 24-1-1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 34/CP chuyển Phân hiệu Ðại học Y khoa Thái Bình thành Trường đại học Y Thái Bình.  Ðây là mốc son lịch sử quan trọng để có Trường đại học Y Thái Bình như hôm nay.
 

45 năm xây dựng và phát triển Trường đại học Y Thái Bình

Nhiệm vụ ban đầu của Phân hiệu Ðại học Y khoa Thái Bình là đào tạo bác sĩ hàm thụ và chuyên tu xã, nhưng chỉ sau một năm thành lập được giao nhiệm vụ đào tạo bác sĩ cho nước bạn Lào và sau ba năm bắt đầu đào tạo bác sĩ hệ chính quy sáu năm. Hiện, nhiệm vụ của trường là đào tạo nguồn nhân lực y tế cho khu vực từ Quảng Bình trở ra, là cơ sở chính của Việt Nam đào tạo bác sĩ cho hai nước CHDCND Lào và Vương quốc Cam-pu-chia; Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về lĩnh vực y sinh học, tập trung cho việc dự báo, dự phòng và điều trị các bệnh phổ biến đặc thù của khu vực; Khám, chữa bệnh góp phần phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tỉnh Thái Bình và các tỉnh trong khu vực với công nghệ và kỹ thuật cao.

Trong những năm đầu thành lập, tuy có nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, cơ sở thực hành, song để đáp ứng nhu cầu bác sĩ phục vụ mọi miền đất nước, Nhà trường tuyển sinh hằng năm khoảng 350 đến 400 sinh viên, trong đó hệ dài hạn chiếm 60 đến 65%, lưu lượng sinh viên ổn định từ 1.000 đến 2.000 sinh viên/năm.

Từ những năm đầu của thập kỷ 80 thế kỷ XX, những khó khăn về kinh tế - xã hội của đất nước đã tác động lớn đến các trường đại học nói chung và Trường đại học Y Thái Bình nói riêng. Quy mô đào tạo của trường bị thu hẹp, lưu lượng sinh viên giảm từ 30 đến 50%, đời sống cán bộ, sinh viên có nhiều khó khăn, quy hoạch và nhiệm vụ Nhà trường cũng có thời điểm thiếu ổn định... đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự tồn tại, phát triển.

Trước những khó khăn thách thức, Ðảng bộ, Ban Giám hiệu cùng toàn thể cán bộ, viên chức Nhà trường đã quyết tâm giữ vững sự ổn định, xây dựng và phát triển Nhà trường theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ trương cải cách Giáo dục - Y tế của ngành giáo dục và đào tạo và ngành y tế. Ðổi mới công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và lao động sản xuất theo nghề nghiệp để phục vụ nhu cầu xã hội, hướng tới tam nông (nông nghiệp, nông thôn, và nông dân), hướng cộng đồng, đưa công tác nghiên cứu khoa học và lao động sản xuất ngang tầm với công tác đào tạo.

Từ chủ trương trên, Trường đại học Y Thái Bình chuyển hướng đào tạo bác sĩ đa khoa hướng điều trị sang đào tạo bác sĩ hướng cộng đồng, đào tạo bác sĩ chuyên tu cho tuyến y tế cơ sở, nhờ đó mà chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm tăng lên, riêng hệ chuyên tu tuyến y tế cơ sở lên tới 350 đến 400 sinh viên/năm chiếm hơn 60% chỉ tiêu tuyển sinh. Mặt khác, trường mở rộng các loại hình đào tạo như hệ dài hạn sáu năm, hệ ngắn hạn ba năm hoặc hai năm, đào tạo Bác sĩ chuyên khoa cấp I hệ tập trung và tại chức, đào tạo liên tục và đào tạo lại, định hướng chuyên khoa cho bác sĩ tuyến y tế cơ sở, đã góp phần đưa lưu lượng sinh viên của trường trở lại thời kỳ hưng thịnh xấp xỉ 2.000 sinh viên/năm.

Từ năm 1992, đứng trước nhiều cơ hội và thách thức lớn của công cuộc đổi mới đất nước, Nhà trường đã tích cực phấn đấu bước sang giai đoạn phát triển mới: giai đoạn đào tạo đa cấp, đa ngành với quy mô ngày càng lớn nguồn nhân lực y tế; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và công nghệ; mở rộng và triển khai các ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tiếp tục mở rộng các mã ngành đào tạo, năm học 1998 - 1999, trường được Bộ Giáo dục và Ðào tạo và Bộ Y tế cho phép đào tạo Bác sĩ chuyên khoa cấp II và Cao học ở một số chuyên ngành, bên cạnh đó Nhà trường còn đảm nhiệm giảng dạy học sinh dự bị đại học, bổ túc phổ cập ngoại ngữ Anh, Pháp, Nga và tin học cho cán bộ sinh viên và nhu cầu xã hội trong khu vực.

Những năm đầu của thế kỷ XXI, sau hơn 10 năm đổi mới, trường đã có những bước tiến vượt bậc, thay đổi về số lượng và chất lượng trên tất cả mọi phương diện. Trường đại học Y Thái Bình đã trở thành một trường có quy mô đào tạo lớn, cơ ngơi khang trang, bề thế, kỷ cương, nền nếp. Quy mô đào tạo ngày một tăng theo hướng vừa đa dạng hóa các loại hình đào tạo, vừa không ngừng nâng cao chất lượng. Trong 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm số lượng sinh viên tăng 600 sinh viên, năm học 2013 - 2014, lưu lượng sinh viên của trường hơn 6.200 sinh viên - cao nhất từ trước tới nay; trong đó, số lưu học sinh Lào, Cam-pu-chia theo học gần 300 (số lưu học sinh nhiều nhất trong các trường đại học trong toàn quốc). Nhà trường đã mở rộng các cấp bậc đào tạo từ đào tạo đại học, sau đại học; năm 2005, Nhà trường đào tạo hệ Trung cấp Dược; mở rộng các ngành đào tạo như Ðại học Dược, Cử nhân Ðiều dưỡng. Năm 2006, trường bắt đầu đào tạo Tiến sĩ Y tế công cộng, Bác sĩ chuyên khoa II các chuyên ngành Nội tiêu hóa, Ngoại tiêu hóa, Sản phụ khoa và Y học cổ truyền. Năm 2007, trường được phép đào tạo Bác sĩ Y học dự phòng, Cao học Nội khoa, Bác sĩ chuyên khoa cấp II các chuyên ngành Nội chung, Ngoại chung và Bác sĩ nội trú Nội khoa. Năm 2013, trường được phép đào tạo Bác sĩ nội trú Ngoại khoa, Cao học Ngoại và Cử nhân Y tế công cộng. Ðây là những sự kiện quan trọng, đánh dấu một bước phát triển mới của Nhà trường. Ðến nay, đã có 16 nghiên cứu sinh Nhà trường đào tạo đã hoàn thành chương trình học và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Cùng với mở rộng các mã ngành đào tạo, Nhà trường không ngừng mở rộng địa bàn thực hành cho sinh viên cả ở bệnh viện và cộng đồng nhằm ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo.

Bảo đảm chất lượng và hiệu quả đào tạo, mà trước hết là tạo bước nhảy vọt về nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ giảng dạy, bằng nhiều biện pháp khuyến khích động viên cán bộ giảng dạy đi học, bồi dưỡng sau đại học, tính đến năm 2013, Nhà trường đã có hơn 86% số cán bộ giảng dạy có trình độ sau đại học.

Nhà trường đã nhanh chóng thực hiện quy trình đào tạo mới theo học phần, học trình, từng bước chuyển đổi hình thức đào tạo sang tín chỉ, chuyển đổi nội dung đào tạo phù hợp với mục tiêu chương trình công tác y tế, phù hợp với nhu cầu của xã hội; không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy từ dạy/học truyền thống sang dạy/học tích cực lấy người học làm trung tâm, chính vì vậy đã kích thích được người học chủ động trong học tập của mình. Mở rộng Thư viện, xây dựng Thư viện điện tử, trang thông tin điện tử của Nhà trường; đầu tư mua sắm sách giáo khoa, tài liệu tham khảo và sinh hoạt khoa học tại Thư viện góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Nhà trường đã đổi mới hình thức lượng giá kết quả học tập của sinh viên bằng phương pháp thi trắc nghiệm khách quan trên máy vi tính và thi viết cải tiến; cải tiến hình thức tổ chức lượng giá ở tất cả các khâu bảo đảm nghiêm túc, công bằng, khách quan đánh giá đúng chất lượng của sinh viên.  

45 năm qua, Trường đại học Y Thái Bình đã đào tạo 17 nghìn bác sĩ, dược sĩ, cử nhân điều dưỡng cho Việt Nam, 600 bác sĩ cho hai nước bạn Lào và Cam-pu-chia, hơn hai nghìn học viên sau đại học, góp phần giải quyết nguồn nhân lực y tế cho đất nước, hai nước Lào, Cam-pu-chia. Sinh viên tốt nghiệp của trường hiện nay nhiều người đã trở thành Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, giữ các cương vị chủ chốt như Lãnh đạo các Bộ, ngành; Giám đốc, Phó Giám đốc các Trung tâm Y tế, Bệnh viện và các Sở Y tế; Trưởng, Phó khoa, phòng,... Lưu học sinh về nước đã phát huy tốt được chuyên môn, nhiều người giữ trọng trách trong ngành y tế của nước bạn.

Công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ những năm gần đây có những bước phát triển đột phá. Các đề tài nghiên cứu khoa học tăng nhanh cả về số lượng, chất lượng, quy mô, cấp quản lý và phạm vi ứng dụng. Công tác nghiên cứu khoa học đã trở thành phong trào đều khắp không những trong đội ngũ cán bộ giảng dạy mà còn cả trong sinh viên, học viên. Hiệu quả quan trọng nhất của công tác nghiên cứu khoa học là đã gắn với việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, đã có 64 Luận án Tiến sĩ, 15 Luận án Bác sĩ Chuyên khoa cấp II và hơn 100 Luận văn Thạc sĩ được bảo vệ thành công từ những đề tài nghiên cứu khoa học nêu trên. Tính đến nay, Trường đại học Y Thái Bình đã hoàn thành hơn 1.400 đề tài NCKH, trong đó có 1.320 đề tài cấp cơ sở, hơn 70 đề tài cấp bộ, tỉnh; bảy nhánh đề tài cấp Nhà nước; một đề tài cấp Nhà nước. Có một đề tài đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh; 34 cán bộ được tặng Bằng lao động sáng tạo; 15 cán bộ được tặng thưởng Huy chương tuổi trẻ sáng tạo; 36 đề tài nghiên cứu đoạt giải thưởng VIFOTEX; 93 cán bộ và sinh viên đoạt giải đặc biệt, nhất, nhì, ba qua 16 kỳ Hội nghị Khoa học công nghệ tuổi trẻ các Trường Y Dược Việt Nam. Năm 2007, Nhà trường đã vận hành Labo Y sinh học phân tử và triển khai kỹ thuật PCR, xác định điểm đột biến gen, giải trình tự gen ứng dụng trong chẩn đoán một số bệnh do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng; kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học; chẩn đoán sớm dị tật trước sinh, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, bước đầu đi vào nghiên cứu tế bào gốc,... 

Trong công tác hợp tác quốc tế, Nhà trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo bác sĩ cho hai nước CHDCND Lào và Vương quốc Cam-pu-chia. Trường có quan hệ với nhiều tổ chức quốc tế, nhiều trường đại học và nhiều nhà khoa học nổi tiếng của Pháp, Mỹ, Úc, Hà Lan, Thụy Ðiển, Ðức, Hung-ga-ri, Bun-ga-ri, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái-lan, Xin-ga-po... Nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế giữa Trường đại học Y Thái Bình với các tổ chức quốc tế trị giá hàng triệu USD đã được triển khai rất hiệu quả. Hợp tác quốc tế với nhiều loại hình phong phú như: trao đổi khoa học, trao đổi sinh viên, hợp tác nghiên cứu, tổ chức hội thảo, hội nghị quốc tế, tiếp nhận tài trợ và học bổng, liên kết đào tạo như đào tạo điều dưỡng viên theo chuẩn quốc tế với Nhật Bản,... Thông qua hợp tác quốc tế, trong những năm gần đây hàng trăm lượt cán bộ của trường đã có điều kiện ra nước ngoài để trao đổi khoa học, nghiên cứu, học tập nâng cao năng lực chuyên môn, tiếp thu được những tiến bộ khoa học trong từng chuyên ngành góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và nâng cao chất lượng đào tạo. Nhà trường được Tổ chức Hợp tác Ðại học Pháp ngữ Thế giới công nhận là Trường đại học thành viên.

Trường đại học Y Thái Bình là một trong những trường đi đầu trong việc xây dựng mô hình Bệnh viện trong trường đại học. Bệnh viện được thành lập năm 2003 theo loại hình hoạt động bán công, năm 2006 chuyển sang loại hình Bệnh viện công lập tự bảo đảm chi phí. Bệnh viện có bốn phòng chức năng, 12 khoa lâm sàng, sáu phòng khám chuyên khoa, bảy khoa cận lâm sàng và hỗ trợ, Khu khám bệnh đa khoa có 14 phòng khám chuyên khoa. Quy mô ban đầu 200 giường bệnh, nhưng đã khám và điều trị với lưu lượng trung bình khoảng hơn 140 nghìn lượt người/năm, trong đó có hàng nghìn lượt người có thẻ bảo hiểm y tế. Hiện, số đăng ký tham gia khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại bệnh viện là 60.000 người. Bệnh viện đã triển khai và ứng dụng các kỹ thuật điều trị mới như: Ðiều trị sỏi tiết niệu bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể, mổ nội soi ổ bụng, phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo, phẫu thuật Phaco lạnh, phẫu thuật nội soi tai mũi họng, thận nhân tạo, phẫu thuật thần kinh cột sống, sọ não trở thành thường quy đã giúp cho nhiều bệnh nhân nặng không phải chuyển tuyến lên các bệnh viện trung ương,... Bệnh viện đã thật sự trở thành cơ sở khám bệnh, điều trị và chăm sóc sức khỏe nhân dân với chất lượng cao; là cơ sở đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho các sinh viên, học viên và các cơ sở y tế trong và ngoài tỉnh Thái Bình. Bệnh viện cũng góp phần giảm tải bệnh nhân cho các bệnh viện tuyến tỉnh của Thái Bình và các tỉnh lân cận.

Kết quả và thành tích trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học nêu trên gắn liền với sự phát triển về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của trường. Công tác tổ chức bộ máy tuy có nhiều biến động nhưng luôn đáp ứng được nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn. Hiện nay, Trường đại học Y Thái Bình có 11 phòng, ban chức năng; ba khoa và 36 bộ môn; sáu trung tâm, ba đơn vị phục vụ đào tạo (bệnh viện, thư viện, trạm y tế). Ðội ngũ cán bộ Nhà trường ngày càng lớn về số lượng và mạnh về chất lượng; toàn trường hiện có hơn 600 cán bộ, giảng viên, trong đó có một Giáo sư, 12 Phó Giáo sư, 36 Tiến sĩ (ngoài ra còn có 24 cán bộ đang nghiên cứu sinh ở trong nước và nước ngoài), 16 Bác sĩ chuyên khoa cấp II, 154 Thạc sĩ; hai giảng viên cao cấp, 78 giảng viên chính, 382 giảng viên; ba Nhà giáo Nhân dân, 22 Nhà giáo Ưu tú, 14 Thầy thuốc Ưu tú... Hội đồng chức danh Giáo sư cấp cơ sở tại trường được thành lập năm 2005, đến nay có 33 PGS, TS tham gia ứng viên tại Hội đồng được Nhà nước công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư, trong đó có 15 ứng viên là giảng viên của trường.

Cùng với những kết quả và thành tựu trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển tổ chức quản lý, Nhà trường rất chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, trang bị vật tư kỹ thuật phục vụ công tác giảng dạy, học tập và các hoạt động khác. Hiện nay, Nhà trường có tổng diện tích 8,5 ha chia làm hai khu: Khu A có diện tích 3,9 ha gồm: Khối Nhà chính (là nơi làm việc của Ban Giám hiệu; các phòng, ban, trung tâm, khoa, bộ môn, labo); Ðại giảng đường; Ký túc xá sinh viên; Bệnh viện trường, nhà ăn, thư viện và đang xây dựng Khu nhà Hiệu bộ, Giảng đường, Thư viện 15 tầng; Khu B 4,6 ha là khu ký túc xá sinh viên và khu thể thao đa năng có thể phục vụ chỗ ăn, ở và vui chơi giải trí cho hàng nghìn sinh viên. Trường có nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ giảng dạy, học tập như: Labo Y sinh học phân tử, sắc ký lỏng cao áp, hóa phát quang miễn dịch, X-quang tăng sáng truyền hình, máy điện não đồ 64 kênh, máy nội soi và thiết bị mổ nội soi, máy mổ Phaco lạnh, máy tán sỏi ngoài cơ thể, đơn vị chạy thận nhân tạo, máy chụp cắt lớp CT-Scanner...

45 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, viên chức và sinh viên Trường đại học Y Thái Bình thi đua dạy tốt, học tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Ðào tạo giao. Nhà trường luôn ổn định và phát triển đi lên. Trường đại học Y Thái Bình đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng một Huân chương Ðộc lập hạng nhất, một Huân chương Ðộc lập hạng nhì, một Huân chương Ðộc lập hạng ba, bốn Huân chương Lao động (nhất, nhì, ba), một Huân chương Chiến công hạng ba; Nước CHDCND Lào tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất và Huân chương Tự do; Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia tặng thưởng Huân chương Vàng xây dựng đất nước và Huân chương Hữu nghị, cùng hàng nghìn huy chương, cờ thi đua, kỷ niệm chương, Bằng khen, Giấy khen... của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.

NGND, GS, TS LƯƠNG XUÂN HIẾN

Bí thư Ðảng ủy, Hiệu trưởng Trường đại học Y Thái Bình