4 nhóm giải pháp cần làm ngay để không thiếu hụt ô-xy y tế

NDO -

Rà soát thực trạng, đánh giá khả năng sản xuất, cung cấp điều phối ô-xy, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, chủ động chuẩn bị, sẵn sàng và kịp thời đáp ứng về ô-xy y tế trong cấp cứu, điều trị Covid-19 là những giải pháp Bộ Y tế yêu cầu để không thiếu hụt ô-xy y tế trong điều trị. 

Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị các địa phương sẵn sàng các giải pháp cung ứng ô-xy y tế. (Ảnh: NGUYỄN NHIÊN)
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị các địa phương sẵn sàng các giải pháp cung ứng ô-xy y tế. (Ảnh: NGUYỄN NHIÊN)

Sáng 13/9, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn trực tuyến triển khai Đề án tăng cường khả năng cung ứng, sử dụng ô-xy y tế cho các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 với hơn 1.000 điểm cầu tại 63 tỉnh/thành phố.

Hội nghị nhằm chuẩn bị sẵn sàng, đáp ứng chủ động, kịp thời và hiệu quả ô-xy y tế cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19 trong tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp hiện nay.

Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, xác định đầu tư cho hệ thống cung cấp ô-xy y tế là một cách đầu tư cho dài hạn. Bởi việc đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, mạng lưới cung ứng và hạ tầng kỹ thuật ô-xy y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh không chỉ cho dịch Covid-19 mà còn được duy trì và sử dụng bền vững sau đại dịch, cứu mạng sống của người bệnh Covid-19 và tạo cơ sở nền tảng vững chắc cho tương lai. 

Tính đến 18 giờ ngày 12/9, Việt Nam đã ghi nhận 613.375 ca mắc, 15.279 ca tử vong (chiếm 2,5%), gần 60% số ca đã được điều trị khỏi, khoảng 40% số ca đang điều trị tại hầu hết các tỉnh/thành phố trong cả nước. Tại một số tỉnh/thành phố phía nam, số ca mắc mới Covid-19 cùng với số ca mắc hiện tại và nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) cho các bệnh tật khác khiến nhu cầu ô-xy y tế ngày càng tăng.

Qua thống kê các làn sóng dịch tại Việt Nam, tỷ lệ người bệnh Covid-19 có nhu cầu thở ô-xy từ nhẹ như thở ô-xy qua mask, ô-xy gọng kính, ô-xy dòng cao đến nặng như thở máy không xâm nhập, xâm nhập, ECMO chiếm khoảng 9,5% (dao động từ 8,5-11,5).

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế cho biết: tại Việt Nam, công suất, cung ứng ô-xy trên cả nước mỗi ngày đạt khoảng gần 1.200 tấn ô-xy lỏng/ngày và có thể nâng lên thêm 50%-100% khi cần thiết.

Về tình trạng hạ tầng kỹ thuật ô-xy y tế ở các cơ sở KCB cơ bản đáp ứng công tác KCB thường quy nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế khi số lượng bệnh nhân Covid-19 tăng cao.

Thực tế cho thấy, nhiều cơ sở KCB ở tuyến quận, huyện chưa có hệ thống ô-xy trung tâm; thiếu vỏ chứa ô-xy (như chai, bình, bồn); và không dự phòng cơ số vỏ chứa khi phải luân chuyển, hoặc hỗ trợ điều trị, quản lý tại nhà, vận chuyển cấp cứu...; các cơ sở ở vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận nguồn cung ứng ô-xy.

Hiện nay, khả năng điều phối, huy động nguồn cung ứng ô-xy chưa đáp ứng kịp thời trong tình huống dịch bệnh tăng cao, tình trạng thiên tai, thảm họa (bão lụt, mất điện…),… Ngoài ra, các đơn vị chưa quan tâm đến an toàn, phòng chống cháy nổ trong sản xuất, vận chuyển, lưu trữ sử dụng ô-xy y tế.

Để tăng cường sản xuất, cung ứng và bảo đảm ô-xy y tế cho điều trị bệnh nhân Covid-19, ngày 7/9/2021, Bộ trưởng Y tế đã ban hành Quyết định số 4308/QĐ-BYT ngày 7/9/2021 ban hành Đề án Tăng cường khả năng cung ứng, sử dụng ô-xy y tế cho các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19.

Mục tiêu chính của Đề án là hướng dẫn các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức kết nối chặt chẽ cung - cầu để khai thác và sử dụng có hiệu quả tối đa các nguồn lực sản xuất ô-xy y tế trong nước; chuẩn bị cơ sở hạ tầng ô-xy y tế điều trị người bệnh Covid-19 theo các kịch bản, diễn biến dịch bệnh với phương châm “4 tại chỗ”.

Chỉ đạo nội dung hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đã đưa ra 4 nhóm giải pháp các tỉnh/thành phố cần làm ngay:

Một là, rà soát, đánh giá thực trạng hạ tầng kỹ thuật ô-xy y tế tại các cơ sở y tế các tuyến, từ tuyến xã… và căn cứ trên hướng dẫn của Bộ Y tế về nhu cầu ô-xy y tế tại các tuyến để có kế hoạch và triển khai đầu tư cải thiện hạ tầng kỹ thuật hệ thống ô-xy y tế tại các cơ sở KCB, cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.

Hai là, đánh giá khả năng sản xuất ô-xy, mạng lưới nhà cung cấp ô-xy, để có kế hoạch và triển khai mở rộng quy mô sản xuất, cung ứng ô-xy để bảo đảm đáp ứng nhu cầu theo các kịch bản dịch Covid-19 trên địa bàn.

Ba là kết nối, điều phối hiệu quả giữa các bên liên quan: sản xuất, cung ứng, vận chuyển và sử dụng ô-xy để bảo đảm đáp ứng nhu cầu cấp cứu, điều trị, liên tục, không bị gián đoạn trong các tình huống dịch bệnh tăng nhanh, thiên tai, thảm họa… thông qua việc thành lập Bộ phận điều phối ô-xy y tế tại các địa phương.

Trong đó, phân công một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố làm trưởng bộ phận, lãnh đạo Sở Y tế làm phó thường trực bộ phận, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều phối ô-xy y tế. Đồng thời, kiểm soát giá ô-xy y tế tại địa phương để bảo đảm giá thành không phải là rào cản khi nhu cầu ô-xy tăng cao và tại các cơ sở khó tiếp cận nguồn ô-xy.

Bốn là, các địa phương thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, chủ động chuẩn bị, sẵn sàng và kịp thời đáp ứng về ô-xy y tế trong cấp cứu, điều trị Covid-19: dự trù và mua sắm vỏ chứa ô-xy y tế và các vật tư, trang thiết bị cần thiết đáp ứng các kịch bản, diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn. Đồng thời liên tục đào tạo và đào tạo mở rộng cho các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế các tuyến về các liệu pháp ô-xy y tế trong điều trị phù hợp với các tuyến.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, Ủy ban nhân các tỉnh/thành phố và các đơn vị sản xuất, cung ứng cùng cam kết nghiêm túc rà soát, triển khai nội dung Đề án tại đơn vị, bảo đảm không để thiếu ô-xy y tế cho công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, góp phần đẩy lùi dịch bệnh tại Việt Nam, sớm đưa cuộc sống của người dân trở về trạng thái bình thường mới.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan