Đây là năm thứ 15 Toyota Việt Nam là nhà tài trợ chính của cuộc thi.
Vòng loại cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam (Robocon) 2016 đã thu hút sự tham gia của 79 đội tuyển đến từ 20 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên ngành kỹ thuật trên khắp cả nước. Kết thúc vòng loại, Ban tổ chức đã xác định được 32 đội để bước vào thi vòng chung kết.Trong đó, trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) có 6 đội, Đại học Công nghiệp Hà Nội có 5 đội, Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, Đại học Sao Đỏ (Hải Dương) có 4 đội…
Đội vô địch sẽ đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi Sáng tạo Robot châu Á – Thái Bình Dương (ABU Robocon) 2016 tổ chức tại Thái Lan vào tháng 8 tới.
Năm nay, để tránh tình trạng các trường đăng ký nhiều đội nhưng chất lượng robot không bảo đảm, từ năm 2015 Ban tổ chức đã giới hạn số đội đăng ký tối đa mỗi trường là 6 đội. Thực tế cho thấy, qua vòng loại năm nay, mặt bằng chung về công nghệ của robot đã được tăng lên.
Với chủ đề “Đi tìm năng lượng sạch”, Robocon 2016 hướng tới việc khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng sạch thay thế. Mỗi trận đấu diễn ra giữa hai đội gồm đội xanh và đội đỏ trong thời gian tối đa 3 phút. Mỗi đội gồm có hai robot: một Eco Robot và một Hybrid Robot. Eco Robot không có cơ chế để tự chuyển động, sẽ hoạt động gián tiếp nhờ lực tác động từ Hybrid Robot (như bằng sức gió, từ tính hoặc dựa trên chính độ dốc của sân thi đấu).
Eco Robot mang theo một cánh quạt gió đi từ khu vực xuất phát của mình qua ba khu vực: khu vực leo dốc và lên đồi, khu vực vượt sông, khu vực xuống sườn đồi dựa vào nguồn năng lượng do Hybrid Robot cung cấp. Sau khi Eco Robot đến được trạm tua bin gió, Hybrid Robot phải lấy cánh quạt gió từ Eco Robot. Sau đó Hybrid Robot tự động leo lên cột tua bin gió để lắp cánh quạt gió vào động cơ sức gió nằm trên đỉnh cột. Đội nào gắn được cánh quạt gió lên đỉnh cột trước sẽ là đội chiến thắng. Chiến thắng này được gọi là "Chai-Yo!".